Số phận cay đắng của người phụ nữ Việt không nhà, thất nghiệp vì… không có chỗ tắm ở Mỹ

“Muốn điền đơn đi làm thì họ yêu cầu mình phải có địa chỉ, có số phone, mà tôi không có tiền để mướn nhà, không đủ điều kiện để xin “phone free” của chính phủ thì làm sao đây?

Lúc còn đi làm chủ yêu cầu mình phải tắm giặt sạch sẽ, mà chỉ có ở Santa Ana mới có chỗ cho tắm, tôi đâu có tiền để đổ xăng chạy đi chạy về, mà đậu xe luôn ở đó cũng đâu ai cho. Mình không tắm giặt thì họ không cho mình đi làm nữa, thì thành thất nghiệp…”

Người phụ nữ ngoài 55 tuổi dường như được dịp nói không ngừng nghỉ về những bức bối mà chị dồn nén trong lòng hơn năm tháng qua, kể từ lúc thất nghiệp, ngay khi nghe có người hỏi về hoàn cảnh của mình.

Chị tên Ngọc Nguyễn, sang Mỹ từ năm 1996, “đi làm hãng suốt từ đó giờ, khi thì lương tối thiểu, khi thì có chỗ trả cao hơn, cứ hãng này hết việc thì mình lại nhảy hãng khác.”

Chị Ngọc Nguyễn

Hãng cuối cùng chị làm trước khi thất nghiệp là một hãng chuyên về lắp ráp dụng cụ y tế. “Tôi xin vô làm chỗ đó là cuối Tháng Năm, 2018, làm được đến Tháng Chín thì nghỉ. Lúc đó làm $12-$13/giờ, mỗi tháng được cỡ $2,000, trừ thuế rồi còn chừng $1,600-$1,700.”

Thu nhập đó có thể cũng tằn tiện vừa đủ sống, nhưng “con gái tôi gây tai nạn, rồi bị giấy phạt tùm lum, nên bao nhiêu tiền cứ lo trả những vụ đó, đến lúc không còn đủ tiền trả tiền thuê nhà, thì phải sống trên xe.”

Và, sống trên xe chính là lý do khiến chị Ngọc mất việc.

Mất việc vì “không sạch sẽ”

“Không có tiền mướn nhà nên phải ở trong xe. Ở trong xe thì không có điều kiện làm vệ sinh thân thể, không giặt giũ được. Ông ‘manager’ thấy sao mình chất đồ đầy trên xe, không sạch sẽ, mấy người làm chung cũng nói như vậy. Mà tôi thì không kể cho mọi người nghe chuyện tôi mang nợ nần nên không có nhà ở, con gái tôi cũng đi mất tiêu. Ổng yêu cầu phải mướn phòng ở, phải bỏ đồ trên xe ra hết, phải tắm rửa, giặt giũ sạch sẽ thì mới đi làm, mà tôi không làm được như vậy thì ổng nói không thể tiếp tục mướn nữa, nên tôi phải ‘quit job,’” chị Ngọc giải thích lý do thất nghiệp kèm theo nụ cười gượng gạo.

Chị Ngọc mất việc từ Tháng Mười, 2018 cho đến thời điểm đó đã gần 6 tháng.

Sáu tháng đó, thức ăn của chị là “mỗi Thứ Bảy chùa Điều Ngự cho ăn miễn phí. Thứ Ba thì nhà thờ chỗ Westminster và Chestnut cho mình ăn. Còn lại những ngày khác thì ăn trái cây của chùa cho. Trái cây bá tánh mang đến cúng, cứ sau một tuần họ dọn xuống cho mình cả giỏ, để dành ăn từ từ.”

“Mà tôi là người rất dễ ăn,” chị cười nói.

Chị cũng cho biết rằng “không có tắm!”

Cũng bằng cách nói chuyện xem mọi thứ như là bình thường hiển nhiên không có gì phải ngại ngần che giấu, chị giải thích thêm, “Lâu lâu mới tắm. Mỗi lần tắm là ở chỗ gần bưu điện Garden Grove có cái nhà thờ, họ cũng cho ăn miễn phí ngày Thứ Bảy, cho tắm mỗi tuần một lần, nhưng có xăng mới chạy qua đó được, còn ngày thường thì ở chỗ công viên Westminster có restroom, giặt khăn lau mình thôi.”

Buổi tối, chị chọn đậu xe nơi có đèn sáng, có nhiều xe, và cũng gần mấy tiệm ăn có cho đi nhờ restroom đến 8 giờ tối. Những ngày cuối tuần chị cảm thấy mừng hơn vì 11 giờ đêm tiệm mới đóng cửa, nghĩa là chị có thể “đi nhờ” được đến giờ đó, nếu có “nhu cầu cần giải quyết.”

“Bữa tối nào mà cần quá thì ghé tiệm phở V.K vì họ mở cửa đến 3 giờ sáng để xin đi nhờ,” chị kể.

Đó cũng là lý do mỗi ngày chị Ngọc chỉ cho phép mình uống 3 ly nước nhỏ, và sau 4 giờ chiều thì không dám uống nước nữa. “Chắc mai mốt phải đi lọc thận quá,” chị nói cùng nụ cười khỏa lấp nỗi niềm riêng.

Chiếc xe chỉ còn một khoảng trống duy nhất để chị Ngọc Nguyễn có thể ngủ… ngồi. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Lấy xe làm nhà

Little Saigon những ngày tháng qua chìm trong mưa và những cơn lạnh buốt. Chị Ngọc chống chọi lại cái khắc nghiệt của tiết trời bằng cách co rúc trong xe. “Đâu phải lúc nào cũng có xăng để mở máy sưởi, nên cứ lấy mền, áo lạnh mặc vô, mang vớ vô. Nhưng mà chân cẳng vẫn nứt nẻ chảy máu qua trời,” chị nhìn xuống hai bàn chân mình. Sưng phù. Gót chân như mảnh ruộng mùa khô cháy. Cố nông vào trong đôi dép kẹp. Với những móng chân dài thòng, đen thui, dày lên như sừng.

Chiếc xe trở thành “mái nhà” thu nhỏ cho những người không nhà như chị Ngọc, chất đầy những thứ mà người ta sợ vứt bỏ rồi có lúc không tìm thấy, từ chăn mền, quần áo, thùng cạc tông, báo chí, túi ni lông, cả những hộp nhựa to-go… Chỉ còn một chỗ cho chị ngồi, dù dưới ghế cũng là một xấp báo.

“Đâu có chỗ nằm, ngủ cũng phải ngồi,” chị lại cười, đôi mắt ráo hoảnh.

Có xe, nhưng phải có tiền thì mới có xăng để chạy từ chỗ này qua chỗ khác. Và tiền đó có được là “xin người ta.”

“Tôi nói với họ cho xin vài đồng đổ xăng để chạy đến thư viện Westminster coi việc làm thì họ cho. Ngoài ra không chạy đi đâu. Khi đến thư viện thì có thể ‘charge phone’ được, in copy thì chỉ có 15 cent để mình coi kiếm việc làm, ở ngoài tới 25 cent,” chị kể.

Theo lời chị Ngọc, trong những tháng qua, chị muốn tự mình đi kiếm việc, không muốn trở thành người nhận trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, đến nay đã hơn năm tháng, không công ăn việc làm, chị mới đến nhờ Văn Phòng Giám Sát Viên Andrew Đỗ giúp cho chị xin được tiền ăn “food stamp” và bảo hiểm y tế medicare.

“Tôi không xin được tiền thất nghiệp vì họ nói do tôi tự nghỉ việc,” chị cho biết thêm.

Tuy nhiên, bên cạnh chuyện lo kiếm việc làm, trước mắt, chị Ngọc còn lo “chiếc xe đến đầu Tháng Năm này phải đóng tiền ‘registration’ $188, cuối Tháng Ba thì đến hạn đóng bảo hiểm, không đóng thì làm sao chạy, mà đóng thì tiền đâu đóng. Không có xe thì làm sao đi xin việc?”

Chị tâm sự, “Đến tuổi này tôi vẫn thích làm việc lắm, cho tôi làm 365 ngày/năm tôi cũng làm, 10 tiếng/ngày cũng làm nữa, tôi thích làm việc lắm, chứ không phải đến tuổi này là làm biếng đâu.”

Chị Ngọc cho biết chị đã gửi rất nhiều đơn xin việc, nhưng “người trên 55 tuổi như tôi khó xin việc làm quá! Không ai muốn nhận hết.”

Mong được tắm rửa, sạch sẽ

Sống trong cảnh không nhà, chị Ngọc ước muốn, “Tôi đọc trong báo thấy ở San Jose họ làm các xe buýt, có nước nóng nữa cho mỗi người được tắm 15 phút, tuần một lần. Phải chi các nghị viên Westminster, Garden Grove làm cái xe giống như vậy để những người như tôi được tắm rửa sạch sẽ thì mới có cơ hội đi xin việc dễ hơn.”

“Hay là mấy ông dân cử làm ơn mua miếng đất rồi để container vô làm nhà cho người ta có chỗ ở tắm rửa thì mới đi kiếm việc làm được, mới giải quyết được chuyện thất nghiệp, chuyện người vô gia cư, chứ bây giờ thấy bế tắc quá,” chị gợi ý.

“Tôi cũng muốn các ông bà nghị viên gốc Việt đề nghị làm sao có chính sách ưu đãi với những hãng xưởng chịu mướn những người lớn tuổi như tôi thì tụi tôi mới có cơ hội tìm được việc thì cuộc sống mới thay đổi,” chị trăn trở.

Giúp đồng hương gốc Việt có được một nơi tắm táp, giặt giũ, có được một công việc làm chính đáng, phải chăng là chuyện quá tầm tay của người dân nơi Little Saigon này?

Gió chiều cuối Đông phần phật thổi trong lúc chị Ngọc mở cửa nhét mình vào khoảng trống duy nhất còn lại trong xe…