NSƯT Mỹ Châu: 11 tuổi đi hát 15 tuổi mua xe hơi nhà lầu, 40 tuổi ôm nỗi đau không thể làm mẹ, cô quạnh ở Mỹ
Nhắc tới Mỹ Châu là người ta nhớ đến ngay một loạt mỹ từ gắn với tên bà: “Nữ hoàng kiếm hiệp”, “Nữ vương sầu muộn”, “Nữ hoàng có chất giọng liêu trai”.
Mê làm bác sĩ, lại theo nghề hát vì má
Là con út trong một gia đình có 4 người con ở huyện Thủ Thừa – Long An, dù đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ nhưng Mỹ Châu lại mơ ước trở thành bác sĩ. Thế nhưng, từ ngày cha mất sớm, mẹ tảo tần nuôi các con, lối đi đến tương lai của Mỹ Châu không còn suôn sẻ. “Hồi học tiểu học, tôi mê ca nhạc nhưng mẹ lại thích cải lương.
Năm 7 tuổi, Mỹ Châu được bầu Ba Cang của Đoàn Tiếng Chuông phát hiện và tới năm 11 tuổi thì chính thức theo đoàn. Vai diễn đầu tiên tôi đóng là cô đào con Sao Ly trong vở Giai nhân bên suối mộng. Mẹ bà kể dù mới lên sân khấu nhưng cô bé Mỹ Châu đã rất dạn dĩ, được nhiều khán giả khen ngợi.
Lúc mới vào nghề, Mỹ Châu phải giúp việc cho một NS nổi tiếng. Dù cơ cực, gian nan, có lúc chén cơm chan nước mắt nhưng Mỹ Châu không để mẹ biết mà cố gắng học nghề và chờ đợi cơ hội: “Có lần tôi hỏi mẹ: Tại sao biết con mê nghề bác sĩ mà mẹ lại chọn nghề hát? Mẹ tôi bảo rằng NS mang lời ca tiếng hát cho đời cũng như vị lương y xoa dịu nỗi đau nhân thế bằng tài năng của mình. Trị tâm bệnh, làm khán giả vui cười sảng khoái hay rơi lệ xót thương cũng là một cách kê đơn, bốc thuốc”.
Năm 1964, chỉ ba năm sau khi rời ghế nhà trường, cô bé Châu 14 tuổi đã trở thành đào chánh hát trên sân khấu Thủ Đô với giao kèo 80.000 đồng, lương mỗi suất hát 450 đồng. Mỹ Châu thủ vai Thùy Dương trong tuồng Hai Lần Thu Hẹn. Mỹ Châu được báo chí kịch trường tặng cho mỹ hiệu Lolita Mỹ Châu. Phim Lolita, của đạo diễn Stanley Kubrick, do nữ diễn viên tuyệt đẹp Sue Lyon đóng vai chính. Phim kể về lão già Humbert Humbert mê một cô gái mới 12 tuổi tên Dolores Haze, và ông già đã gọi cô gái là Lolita. Ông ta cắt tiếng Lolita thành ba âm Lo, Li, Ta, mỗi âm là đầu của một câu hát để ca ngợi cô gái mà ông ta đeo đuổi.
Sở dĩ có biệt danh này là vì khi đó, Mỹ Châu tuy đã 14 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ thó nên khán giả tưởng cô chỉ mới 12. Báo chí kịch trường loan tin một đại xì thẩu, vua bến tàu ở Chợ Lớn, si mê Mỹ Châu, tặng tiền và quà cáp rất nhiều cho cô gái mới 12 tuổi Mỹ Châu, nhưng ông ta không được toại nguyện vì lúc nào Mỹ Châu cũng được mẹ và chị tư Hồng Châu của cô theo bảo vệ, chống lại mưu đồ bất chính của những kẻ giàu tiền mê gái.
Năm Mỹ Châu 15 tuổi, bầu Long Kim Chung ký hợp đồng 150.000 đồng để rước Mỹ Châu về hát cho đoàn Kim Chung 2 với nghệ sĩ Minh Cảnh và Diệu Hiền. Tết năm 1965, Mỹ Châu và Minh Cảnh hát tuồng Trinh Nữ Lầu Xanh, Mỹ Châu vào vai Mai Thảo, cô gái ngây thơ bị quan huyện cưỡng hiếp mang thai rồi lại bị vợ của lão quan huyện đánh đập tàn nhẫn. Minh Cảnh thủ vai Trọng Nghĩa, một nông dân chất phác, thương người cô thế nên cứu giúp. Anh ta nhận là cha của đứa bé trong bụng Mai Thảo nên nàng khỏi bị vợ của lão quan huyện giết. Mỹ Châu và Minh Cảnh trong hai nhân vật trên đã thi thố tài năng ca ngâm thật tuyệt vời.
Chất giọng của Mỹ Châu thật là độc đáo, không ai giống mà cũng chẳng giống ai. Mỹ Châu có giọng thổ, giọng ca trầm, rất trầm, xuống thấp hơn hò tư dây đào, giọng quá trầm nên càng xuống thấp, lời ca nghe càng rõ, càng buồn. Vọng cổ là một bài ca tự sự, kể chuyện nên càng tỉ tê, lời ca như rót mật vào lòng khiến cho người nghe có cảm giác như Mỹ Châu đang tỉ tê tâm sự với mình nên càng nghe càng si mê giọng ca đặc biệt của Mỹ Châu. Sau thành công của tuồng Trinh Nữ Lầu Xanh, bầu Long ký hợp đồng để giữ Mỹ Châu lại đoàn Kim Chung nhiều năm, hợp đồng lên đến mấy triệu đồng cho một hợp đồng cộng tác hai năm, ngang hàng với số tiền hợp đồng mà bầu Long đã ký với Út Bạch Lan. Hồi đó chỉ cần 300.000 đồng đã mua được một căn nhà khang trang. Gia đình thoát khỏi cơ cực nhờ cô con gái tài năng. Mỹ Châu liên tục mua xe hơi, nhà lầu cho mẹ để làm chữ chữ hiếu.
Sau giải phóng, Mỹ Châu tiếp tục tỏa sáng qua các vở Khách sạn hào hoa (vai cô Hiếu gián điệp), Tìm lại cuộc đời (vai cô sinh viên Lan), Ánh lửa rừng khuya (vai cô Hiền), và về đoàn Thanh Minh thay vai cho cố nghệ sĩ Thanh Nga trong các vở Tấm lòng của biển, Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa… Mỹ Châu cười: “Tôi thích những vai cá tính, quyết đoán như thế, có lẽ vì tôi là đứa con của vùng đất Vàm Cỏ Tây anh hùng”.
Ghét của nào trời trao của đó
Dù nổi tiếng và tài hoa nhưng cô đào Mỹ Châu lại không để ý đến chuyện đời. Mấy chục năm dài, bà luôn được mẹ và chị gái chăm lo từng chút một. Từ chuyện quản lí tiền bạc đến đưa đón. Bà kể: “Đi đâu cũng có má và chị tôi trả tiền, nên tôi không biết cầm bóp. Có lần cầm bóp rồi bỏ quên trong chợ, thế là không dám đem theo nữa. Sau này khi má và chị đều qua đời, tôi mới tự xoay xở và biết cái khổ của người cầm chìa khóa”. Nhưng đến chuyện chạy xe thì Mỹ Châu chịu thua. Xe đạp biết chạy chút chút nhưng sợ té nên bỏ luôn. Xe gắn máy hoàn toàn không biết chạy. Xe hơi có lần cũng lên thử, nhưng thay vì đạp thắng thì cứ nhấn ga, hoảng vía cũng bỏ luôn. Bây giờ hễ đi đâu thì tài xế lái, hoặc chồng chở, hoặc xe ôm chở, nhẹ người. Chị cũng không nhớ được các con đường, đi lạc hoài. Chị cười: “Từ nhỏ đã dựa vào má và chị Tư nên bộ não tôi hình như chỉ biết ca hát”.
Bởi quá vô tư với đời nên chuyện tình duyên của Mỹ Châu cũng muộn màng hơn. Bà kết hôn ở tuổi 40 và không có con được nữa. Nhìn hạnh phúc tràn ngập của Mỹ Châu – Đức Minh hiện tại, không ai có thể ngờ rằng, đã từng có lúc, Mỹ Châu “ghét cay ghét đắng” Đức Minh, ghét đến nỗi dù hát chung trên một sân khấu (Sài Gòn 2 và Văn Công thành phố), có khi chị cũng không nói chuyện với anh.
Trong cuộc sống đời thường, Mỹ Châu rất hiền lành, giản dị, nhưng trong nghệ thuật, chị nghiêm túc đến độ khó tính. Còn Đức Minh – một kép chánh ca hay, diễn giỏi, hiền lành nhưng chỉ mỗi “tội” là say mê bóng đá đến cuồng nhiệt. Cũng vì quá mê bóng đá mà anh thường xuyên đến tập tuồng trễ, lên sân khấu diễn không thuộc tuồng và không hiếm lần… bỏ cả hát vì bóng đá.
Một lần, đoàn Văn Công thành phố diễn phục vụ ở Dầu Tiếng vở Muôn dặm vì chồng. Thật trùng hợp, chiều hôm ấy, Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp một trận đấu rất gay cấn, hấp dẫn. Xem xong, Đức Minh lái xe đến điểm diễn thì đã trễ mất nửa tiếng đồng hồ khiến cả đoàn và khán giả phải chờ. Mỹ Châu tức giận vô cùng, ra sân khấu diễn mà không thèm nhìn thẳng mặt Đức Minh, cho dù khán giả vẫn nhìn thấy đôi đào kép chánh này ca diễn rất ăn ý, tình sâu nghĩa nặng đầy cảm động trong vai tuồng… Sau lần đó, Đức Minh đã năn nỉ Mỹ Châu hết lời và hứa “chắc nịch” sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
Người đời thường có câu “Ghét của nào trời trao của nấy” quả thật đúng. Dần dần, cả hai đã thông cảm và hiểu nhau hơn. Tình yêu của họ kéo dài suốt thời gian về cộng tác với Đoàn Sài Gòn 1, Hương Mùa Thu, Sài Gòn 3, Tiếng chuông vàng Minh Phụng… và đến năm 1990, họ đã kết hôn với nhau. Mỹ Châu dù không thích bóng đá nhưng mỗi lần ông xã đi thi đấu, chị cũng đều soạn quần áo cho anh cũng như theo ủng hộ cho đội nhà. Đi diễn ở nước ngoài, chị đều tranh thủ shopping tự tay lựa chọn những bộ quần áo thể thao về làm quà cho anh. Trong cuộc sống vợ chồng, Đức Minh yêu thương và cưng chiều Mỹ Châu hết mực. Chị rất mê ăn kem, có khi đi diễn về khuya mà chị thèm kem hay bất cứ món nào là anh đều lấy xe chở chị đi ngay.
Khác với những cô đào nặng nợ sướng ca, Mỹ Châu là trường hợp hiếm biết dừng đúng lúc. Chị bảo: “Ngày trước tập một vở cải lương rất cực nhọc, nhiều vở “sống” đến ba năm trời, cũng trang phục ấy, mỗi năm tôi đều phải may lại vì diễn quá nhiều nên nó mau bị cũ. Còn bây giờ, diễn viên tập tuồng đến trễ 2 – 3 tiếng đồng hồ do bận chạy show, tuổi thọ của một vở diễn rất ngắn. Mỗi thời mỗi khác, nếu không thấy phù hợp thì mình tự rút lui…”.