Người nghèo ở Mỹ vẫn có thể sống vui vẻ không ưu tư
Nếu như tại Việt Nam, chúng ta đã quen với hình ảnh những người thu nhập thấp lúc nào cũng phiền não, sốt ruột lo cơm áo gạo tiền, thì khi đến Mỹ lại nhận thấy dù người Mỹ có nghèo đến mấy, họ vẫn sống rất vui vẻ. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
Ở Mỹ có rất nhiều người thu nhập không cao, chẳng hạn như nhân viên rửa chén bát, phụ bếp ở quán ăn, nhân viên thu ngân siêu thị, nhân viên bán vé ở rạp phim… Thu nhập của họ ở khoảng 20.000 đô la/năm. Đa số các gia đình nhỏ ở Mỹ đều có 4 người, nếu vợ chồng đều là nhân viên thu ngân, rửa chén hoặc không đi làm, lương một năm chỉ có 40.000 đô la thì được xếp vào tầng lớp thu nhập thấp của Mỹ.
Theo thống kê, thu nhập trung bình của các gia đình ở Mỹ năm 2016 đạt hơn 59.000 đô la/hộ. Thống kê thu nhập hàng năm vốn dựa trên chỉ số trung bình, điều này có nghĩa là có đến khoảng một nửa người dân thu nhập ít tiền hơn con số này, và nửa còn lại thu nhập nhiều hơn. Vì vậy, ở Mỹ có khoảng 47% số dân không phải nộp thuế, thậm chí còn được nhận lại thuế.
Ở Mỹ cũng có một cách tính các gia đình thuộc diện nghèo. Chính phủ công bố tiêu chuẩn để đánh giá các gia đình thuộc diện nghèo vào năm 2016 như sau: nếu thu nhập bình quân của một người ở mức 11.770 đô la, gia đình 2 người mức 15.930 đô la, gia đình 3 người mức 20.090 đô la, và gia đình 4 người mức 24.250 đô la thì sẽ được xếp vào diện nghèo.
Vậy những người nghèo ở Mỹ, vì sao họ vẫn có thể sống vui vẻ không ưu tư đến vậy?
1. Chính phủ ưu tiên vấn đề ăn uống của người dân
Ở Mỹ, để ăn no không phải vấn đề lớn. Nếu tự nấu thì mỗi tháng một gia đình 4 người sẽ tiêu khoảng 800 đô la, nhiều nhất là 1.000 đô la tiền ăn. Những gia đình lớn tuổi mỗi tháng mất khoảng 500 – 600 đô la là có cá, có thịt, có tôm.
Trên thực tế, đa số tiền ăn là được chính phủ trợ cấp. Chính phủ Mỹ có “Chương trình bổ sung dinh dưỡng”, những người có thu thập thấp hơn mức nghèo 130% thì có thể xin nhận tiền trợ cấp. Gia đình 4 người mỗi tháng có thể nhận được nhiều nhất là 649 đô la. Trước đây chính phủ sẽ phát phiếu ăn dùng để mua thức ăn ở siêu thị, nhưng không mua được thuốc lá, rượu bia. Để bù đắp lỗ hổng và tôn trọng sự riêng tư cá nhân, hiện nay chính phủ đã đổi thành cấp thẻ, họ sẽ cà thẻ giống như mọi người khi mua thức ăn.
Nếu con đi học tiểu học hoặc trung học thì sẽ được miễn phí bữa sáng và bữa trưa ở trường đối với học sinh nghèo.
Còn có một cầu nối khác đó là “kho thực phẩm” (Food bank). Kho thực phẩm này cung cấp bánh mì, sữa, các loại thịt, trứng gà, trái cây, rau củ, bánh ngọt… miễn phí cho người nghèo.
2. Giúp đỡ người nghèo để họ được vui vẻ
Chính phủ Liên bang Mỹ cung cấp trợ cấp nhà ở cho người nghèo. Luật này được gọi là Section8, yêu cầu cơ bản là: các gia đình có thu nhập thấp hơn chỉ số trung bình của khu vực. Bản thân người đó dùng 30% thu nhập để thuê nhà. Thu nhập càng ít, tiền phải trả càng ít. Ví dụ như thu nhập 2.000 đô/1 tháng thì sẽ trả 600 đô. Nếu có nhiều con thì buộc phải có 3 phòng ngủ trở lên. Nếu giá thuê nhà thị trường là 2.600 đô, người đó trả 600 đô, 2.000 đô la còn lại sẽ do chính phủ chi trả.
Còn nếu tự mua nhà, người đó cũng sẽ phải trả bằng 30% thu nhập của mình.
Như vậy, cho dù nhìn vào thực trạng ở Mỹ, có thể thấy không ít người Mỹ rơi vào tình trạng “vô gia cư”, nhưng dường như họ không hề cảm thấy lo lắng về điều đó, trái lại còn coi đây là cách sống của riêng mình.
3. Mạng sống của người nghèo cũng đáng giá
Ở Mỹ, có nhiều người cảm thấy không đi khám bệnh nổi, tiền bảo hiểm khá đắt đỏ. Phí bảo hiểm của một gia đình nhỏ mỗi năm lên đến hàng ngàn đô la tùy theo chương trình. Thường thì tự mình vẫn phải trả 10% – 20% phí y tế. Chi phí của một ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là 200.000 đô la, bản thân người đó sẽ phải trả 20.000 hoặc 40.000 đô la.
Nhưng người nghèo lại được khám chữa bệnh. Bởi vì thực tế, chi phí khám chữa bệnh của người nghèo do chính phủ chi trả. Chính phủ Liên bang Mỹ và chính quyền tiểu bang có chương trình liên kết đảm bảo y tế được gọi là “Trợ cấp Y tế” (Medicaid). Điều kiện tiêu chuẩn đăng ký của các tiểu bang không giống nhau, nhưng nhìn chung về cơ bản là dưới 133% so với mức nghèo của liên bang thì sẽ được cấp Medicaid. Nếu thu nhập không đạt tiêu chuẩn, nhưng mức nghèo dưới 400% thì vẫn có thể đăng ký các khoản trợ cấp khác của chính phủ để chi trả một phần nào chi phí y tế.
Đối với trẻ vị thành niên chưa đủ 19 tuổi, chính quyền tiểu bang sẽ cung cấp “Bảo hiểm Y tế Thiếu nhi Tiểu bang” (gọi tắt là SCHIP). Thu nhập của gia đình thấp hơn 200% mức nghèo của liên bang là phù hợp với điều kiện. Chính phủ quy định bảo hiểm y tế này ít nhất phải bao gồm các dịch vụ y tế cơ bản như kiểm tra, xét nghiệm, chụp X-quang, phòng ngừa miễn dịch, khám và nhập viện, nha khoa, nhãn khoa… và bản thân người đó không cần tự chi trả.
Ngoài ra, Mỹ còn có chương trình WIC của Bộ Nông nghiệp. WIC là tên viết tắt của “Phụ nữ và trẻ em”. WIC nêu rõ: Chương trình bổ sung dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em cung cấp thực phẩm bổ sung, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giới thiệu và khuyến khích giáo dục dinh dưỡng và nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong thời gian nuôi con và hậu sản có thu nhập thấp cũng như trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Nhờ nhận được sự giúp đỡ từ WIC nên con em của nhiều gia đình có sữa, trứng gà, bơ đậu phộng nhiều đến mức ăn không hết phải để phụ huynh ăn hộ.
Liên bang quy định: Thu nhập chưa tính thuế thấp hơn 185% so với mức nghèo là phù hợp với điều kiện. Nếu cao hơn mức một chút cũng có thể đăng ký.
Một điều cần giải thích rõ đó là WIC không xem xét thân phận, cũng có nghĩa là những người không phải là công dân Mỹ, người có thẻ xanh hoặc có thân phận hợp pháp đều được hưởng trợ cấp này. Pháp luật Mỹ quy định, chỉ cần sống ở Mỹ, dù là nhập cảnh phi pháp cũng đều được hưởng.
4. Không cần lo lắng về học phí của con
Giáo dục bắt buộc của Mỹ kéo dài 13 năm, 1 năm mẫu giáo, 12 năm từ tiểu học đến khi tốt nghiệp cấp 3. Các trường công lập đều miễn phí. Dù bạn là người mua nhà hay thuê nhà, các con đều có thể nhập học căn cứ theo khu vực hoàn toàn miễn phí, ngoài một ít dụng cụ học tập đặc biệt và những chuyến dã ngoại ra thì không có bất cứ phí nào khác.
Trẻ em 5 tuổi mới được đi học mẫu giáo. Trước đó, phụ huynh có thể gửi con vào nhà trẻ với mức phí khác nhau, ít thì vài trăm đô la, nhiều thì vài ngàn đô la. Chính quyền các tiểu bang cung cấp các khoản trợ cấp khác nhau để hỗ trợ phụ huynh chi trả phí nhà trẻ.
Các trường đại học ở Mỹ phải đóng học phí. Đại học công lập học phí mỗi năm khoảng hơn 10.000 đô la. Đối với người nghèo, đây là một khoản tiền rất lớn. Nhưng chỉ cần họ muốn học đại học thì sẽ học được. Vì sao vậy? Bởi vì chính phủ sẽ trợ cấp tiền học. Chính phủ Mỹ có một chương trình tên là “Miễn phí Đăng ký Trợ cấp Học phí của chính phủ Liên bang” (FAFSA). Bất cứ ai muốn học đại học đều có thể đăng ký. Các sinh viên có thu nhập gia đình dưới mức nghèo có thể nhận được mức trợ cấp học phí cao nhất. Các gia đình có thu nhập thấp cũng có thể nhận được một phần trợ cấp. Ngoài ra còn có thể đăng ký học bổng, vừa học vừa làm, vay tiền học… Nếu thành tích xuất sắc vào được các trường tư cao cấp như Harvard hay Yale mà thu nhập của gia đình dưới 65.000 đô la/1 năm, nhà trường không chỉ miễn hoàn toàn học phí, mà còn cung cấp ký túc xá và ăn uống miễn phí.
Nói tóm lại, người nghèo ở Mỹ càng nghèo sẽ sống càng thoải mái. Ngược lại, giai cấp trung lưu không cao cấp lại cảm thấy lo lắng hơn trước các khoản chi phí khổng lồ. Đương nhiên, người nghèo nhận tiền từ chính phủ sẽ bị kiểm tra tài sản. Ví dụ như khi xin trợ cấp thực phẩm mà số tiền tiết kiệm trong ngân hàng không quá 2.250 đô la và trong nhà có người già trên 60 tuổi hoặc người tàn tật thì sẽ nhận được 3.250 đô la, dù có xe và nhà riêng cũng sẽ không ảnh hưởng gì.
Ở Mỹ, bạn có thể ăn nhiều làm ít, tình nguyện sống thấp hèn. Đương nhiên bạn cũng có thể cố gắng, nỗ lực để đổi đời. Mỗi người đều có thể tìm được cách sống mà mình muốn.