Loại quả mệnh danh ‘ruby đỏ’ của Việt Nam vượt biển sang Mỹ với giá bán đáng kinh ngạc: Được khen hết lời vì khác biệt
Mang mùi thơm đặc trưng và vị ngọt thanh, loại trái cây này của Việt Nam đang rất được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới.
Viên ruby đỏng đảnh
Trái vải của Việt Nam đang tích cực xây dựng thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới. Loại quả này được ví như viên “ruby đỏng đảnh” của làng trái cây do chỉ cho ra quả tốt ở một vài khu vực nhất định.
Điều kiện tiên quyết để trồng vải ngon là phải có khí hậu nhiệt đới, nhiều mưa, độ ẩm cao. Việt Nam là một trong những quốc gia đáp ứng tốt các điều kiện này.
Trang tin Sohu (Trung Quốc) từng thừa nhận rằng, mặc dù Trung Quốc cũng trồng vải nhưng nước này vẫn nhập khẩu số lượng lớn từ Việt Nam do điều kiện nhiệt độ tại Việt Nam phù hợp hơn cả, giúp vải chín nhanh hơn, đồng thời cho chất lượng tốt hơn.
Vải thiều Việt Nam khi chín không quá to, phần cành dẻo và nhỏ, mang tới vị ngọt đặc trưng, tươi mát mà không hề gắt. Mùi vải thơm nhẹ, dễ hấp dẫn người ăn.
Tại Hội nghị nhãn, vải quốc tế lần thứ 6 năm 2019, Việt Nam đã đứng thứ 3 về sản lượng trong số 20 quốc gia trồng vải với 380.000 tấn/năm, bỏ xa Thái Lan (48.000 tấn/năm) và chỉ đứng sau Trung Quốc (2 triệu tấn/năm), cùng Ấn Độ (677.000 tấn/năm).
Năm nay, tỉnh Bắc Giang ước tính đạt sản lượng trên 180.000 tấn vải thiều và Hải Dương 61.000 tấn, sẵn sàng tiếp tục hành trình vươn ra thế giới.
Vượt biển tới thị trường Mỹ
Từ năm 2018, trái vải tươi của Việt Nam đã được Mỹ chấp thuận nhưng sản lượng xuất sang thị trường này còn khiêm tốn. Trở ngại lớn nhất là chưa có công nghệ bảo quản thích hợp và chi phí vận chuyển cao, chiếm tới hơn 70% giá thành 1kg vải tươi xuất sang Mỹ.
Giá vận chuyển vải thiều bằng máy bay từ Việt Nam sang Mỹ tốn gấp 36 lần cước vận chuyển bằng đường tàu biển. Vì thế, từ năm 2020, tập đoàn Vina T&T Group đã thu mua vải thiều Bắc Giang để đưa sang thị trường Mỹ bằng đường tàu biển.
Mới đây nhất, gần 20 tấn vải tươi vận chuyển theo đường biển đã chính thức được phân phối và bày bán tại hệ thống siêu thị Safeway và Albertsons ở các tiểu bang bờ Tây nước Mỹ (trong đó có bang Washington, Oregon và California) từ ngày 30/6/2023.
Mặc dù thị trường Mỹ không thiếu nguồn cung vải, từ nguồn nội địa (trồng chủ yếu ở các bang Hawaii, Florida và một phần nhỏ bang California) cho tới nhập khẩu (từ Mexico, Australia, Trung Quốc) nhưng vải thiều Việt Nam được đánh giá là “khác biệt”.
Sức cạnh tranh mạnh mẽ
Theo ghi nhận của VTV hôm 23/6, lô hàng vải thiều tươi đầu vụ năm nay của tỉnh Bắc Giang đã được đưa qua đường hàng không đến Houston với giá lên tới gần 800.000 đồng/kg.
Ưu điểm của phương thức vận chuyển này là toàn bộ thời gian từ khi vải được đóng gói ở Bắc Giang đến lúc lên kệ hàng ở Mỹ chỉ mất khoảng 5 ngày. Vải đến Mỹ vẫn giữ được chất lượng tốt, có thể nằm trên kệ hàng siêu thị ít nhất 7 ngày để bán tươi.
Tuy nhiên, mức giá này được đánh giá là khá bất lợi do cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại nhập từ nơi khác tới thị trường Mỹ. Ví dụ, vải Mexico giao buôn tại Mỹ có giá là 60 USD một thùng 7kg, tương đương gần 200.000 đồng/kg. Vải Trung Quốc thậm chí còn rẻ hơn khi được chào bán với giá 30 USD một thùng 5kg, tương đương gần 140.000 đồng/kg.
Trong khi đó, 20 tấn vải mang thương hiệu Golden Lychee được vận chuyển bằng đường biển tới các siêu thị tại tiểu bang bờ Tây nước Mỹ vào ngày 30/6 vừa qua được đưa vào tiêu thụ với mức giá khoảng 200.000 đồng/kg.
Đây vẫn là mức giá đáng mơ ước đối với người nông dân Việt, trong khi so với giá vận chuyển bằng đường hàng không thì có lợi thế hơn cả.
Mức giá cạnh tranh này được xem là thành công lớn trong nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy tiêu thụ trái cây nói chung và trái vải nói riêng tại thị trường Mỹ. Trái vải Việt Nam được dự đoán sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa ở Mỹ và được người tiêu dùng tại đây ưa chuộng.
Trước đó, đại diện công ty LNS International Corporation (nhà nhập khẩu có trụ sở tại Houston, bang Texas, Mỹ) cho biết, vải thiều Việt Nam có cùi dày, hạt nhỏ, mang mùi thơm đặc trưng, có vị ngọt thanh và ít nước. Trong khi ấy, những loại vải khác có mặt tại Mỹ thường có vị ngọt hơi chua và nhiều nước.
Đây không phải là lần đầu tiên trái vải Việt Nam nhận được nhiều lời khen ngợi từ người tiêu dùng ở các thị trường nước ngoài.
Tại “Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021” được cộng đồng người Việt tại Pháp tổ chức tại Quảng trường trung tâm Paris, nhiều khách hàng Pháp lần đầu tiên được nếm trái vải Việt Nam và khẳng định “ngon hơn hẳn” với trái vải Madagascar mà họ vốn quen thuộc.
Còn tại Nhật Bản, nhiều người tiêu dùng chia sẻ rằng từ trước đến giờ họ chưa từng được ăn loại vải tươi ngon và có hương thơm dịu nhẹ như thế này.