NSND Bạch Tuyết: “Mới 19 tuổi tôi đã có tiền, nhà cửa, xe cộ đàng hoàng tử tế”
btv32023-08-07T11:03:41+07:00“Tôi đi hát từ năm 16 tuổi, chỉ 6 tháng sau NSND Út Trà Ôn mời tôi về đoàn của ông. Tới năm 18 tuổi, tôi được Huy chương vàng giải Thanh Tâm triển vọng” – NSND Bạch Tuyết chia sẻ.
Mới đây, trên kênh Youtube chính thức của mình, NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ về sự nghiệp rực rỡ của mình. Cô nói:
“Tôi quá may mắn trong sự nghiệp, người trong nghề hay gọi tôi là con cưng của Tổ nghiệp. Tôi đi hát từ năm 16 tuổi, chỉ 6 tháng sau NSND Út Trà Ôn mời tôi về đoàn của ông. Tới năm 18 tuổi, tôi được Huy chương vàng giải Thanh Tâm triển vọng. Năm 1965, tôi tiếp tục đoạt giải Thanh Tâm xuất sắc.
Như vậy, mới 19 tuổi tôi đã có tiền, có nhà cửa, xe cộ đàng hoàng tử tế rồi. Tôi hạnh phúc lắm khi được làm nghề này, vừa được ăn mặc đẹp, lại có tiền. Từ đó, tôi dặn mình phải làm nghề cho đàng hoàng, tự mình nâng mình lên.
Năm 1979, chị Thanh Nga qua đời, tôi được mời về nhà hát Trần Hữu Trang hoạt động, ra tận Hà Nội diễn cho các chiến sĩ, tên tuổi cứ thế đi lên.
Vào trong nghề này, tôi đi học những năm 50 năm, thấy thuận tiện mới đi hát lại. Tôi thấy đoàn hát không còn chăm sóc tuồng tích nữa là nghỉ không hát, khi nào thấy có đoàn hát đàng hoàng tử tế thì mới chịu đi hát. Nói chung, tôi cũng có tính nhưng tôi làm nghề này vẫn là Tổ nghiệp cho”.
Tiếp đó, NSND Bạch Tuyết bày tỏ quan điểm về tình hình cải lương hiện tại: “Cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc nhưng phải cải cách liên tục vì nó đóng vai trò làm gạch nối hôm qua tới ngày mai. Nếu sống ở hiện tại mà cứ diễn về quá khứ thì khán giả quay lưng là chuyện bình thường.
Đã lâu rồi cải lương không có rạp hát, không có vở diễn hay. Trước đây, cải lương bám sát hiện thực xã hội, đi sát đời sống con người, chia sẻ mọi hoàn cảnh trong xã hội, nói về những mảnh đời có thật. Cải lương rất sát sườn với biến chuyển và hơi thở của thời đại.
Hiện tại, cải lương không có vở diễn mới hợp thời, chỉ là ăn lại của ông bà cha mẹ năm xưa. Các tác giả ngày xưa phải đọc 50, 70 cuốn sách mới viết ra được một tuồng nhưng bây giờ tác giả không còn tâm huyết như vậy. Khi chính người làm nghề còn không cảm được cái hay, hơi thở cuộc sống thì làm sao khán giả có thể cảm được cải lương.
Xã hội ngày nay ngoài những cái xấu, cái tiêu cực vẫn còn cái tốt để phản ánh chứ. Có lần tôi đi taxi trời mưa, thấy anh taxi khi qua vũng nước liền lái chậm lại để nước không văng lên người đi xe máy bên cạnh. Đó là văn hóa đẹp, phải được phản ánh trong tác phẩm nghệ thuật.
Hay như, vẫn có chị em phụ nữ có cuộc đời nhiều đau thương… Cải lương phải có những vở phản ánh được điều đó, đồng cảm với hoàn cảnh, nỗi niềm con người trong xã hội thì khán giả mới xem.
Nghệ sĩ ngày nay không phải không thực tài mà do chỉ lấy lại cái cũ. Nhưng những cái gì đã cũ và đi vào lòng khán giả rồi thì khó lòng làm lại để hay hơn được. Tôi cũng thương các bạn trẻ bây giờ vì không có tác phẩm đo ni đóng giày. Cải lương là tổng hòa của nhiều yếu tố chứ một mình nghệ sĩ diễn trên sân khấu không làm nên chuyện, phải có tác giả, vở diễn, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng… Bây giờ các bạn trẻ bơ vơ, không có những yếu tố đó, nên không thể diễn hay được.
Ví dụ, NSND Lệ Thủy đã thành công với vở Tô Ánh Nguyệt. Tôi xem các bạn trẻ diễn lại Tô Ánh Nguyệt thấy thương lắm, nhưng không thể hay như Lệ Thủy được”.