Cuộc sống của vợ Việt khi lấy chồng là sếp to ở Mỹ?
“Chồng Mỹ lười biếng, ăn xong vất chén bát cả đống không rửa ngay mà chờ đến cuối tuần, đi học về là ôm cái TV chơi game không phụ việc vợ, không biết tiết kiệm, làm được 10 đồng thì xài đến 12, nợ Credit ngân hàng hàng đống mà vẫn vô tư quẹt thẻ…”
Ở Việt Nam hiện nay những cuộc hôn nhân khác sắc tộc ngày càng nhiều, càng trở nên phổ biến hơn – nói không ngoa là thành một “trào lưu” chứ không chỉ còn đơn thuần là “hiện tượng” riêng lẻ.
Những cô gái Việt ngày nay “nghênh mặt” khi đi bên cạnh những “anh Tây”, những gia đình Việt mừng rỡ, tự hào khi có “con rể Tây”. Những những cuộc hôn nhân đa sắc tộc này của những người phụ nữ Việt có hạnh phúc không?
Điểm chung giữa các lời chỉ trích chồng Tây là “không biết tiết kiệm” (Ảnh minh họa)
Tôi có một cô người quen Việt Nam lấy chồng Mỹ (Mỹ ở đây mình mặc định là Mỹ gốc châu Âu hay nôm na là “Mỹ trắng” – bởi Mỹ là Hợp chủng quốc nên khái niệm thế nào là người Mỹ rất khó xác định).
Cô sang Mỹ học và sau đó ở lại làm việc. Đầu tiên cô yêu say đắm một anh chàng người gốc Việt nhưng chẳng đi tới đâu vì anh kia không chịu ly dị vợ. Cô hận lắm nên lấy ngay ông “Mỹ trắng” – chủ Công ty mà cô đang làm- để trả thù anh kia.
Thời gian đầu thì mọi việc có vẻ ổn nhưng về sau thì mâu thuẫn xảy ra như cơm bữa đến nỗi hai vợ chồng hàng tuần đều phải đến bác sĩ tâm lý ít nhất là một lần. Cô than là nhà không còn tiền vì Công ty gặp khó khăn nhưng chồng vẫn giữ ngôi nhà lớn để hàng tháng phải trả nợ ngân hàng hụt trước, thiếu sau, nợ chồng thêm nợ trong khi cô muốn đổi nhà nhỏ hơn thì chồng không chịu.
Cô muốn kiếm việc làm để phụ giúp chồng và cũng để mở mang đầu óc thì chồng không cho. Chồng nói cô kêu gọi những người quen bên Việt Nam có tiền mang sang Mỹ đầu tư vào Công ty của chồng. Miễn cưỡng nghe lời chồng nên cô đã mất bạn bè, thậm chí xung đột với cả chị ruột bởi chồng cô mượn tiền mà không trả nổi.
Mấy lần cô muốn ly dị, bỏ về Việt Nam sống thì chồng cô khóc lóc, van xin , thậm chí đòi tự tử. Tôi đã ngạc nhiên sau khi biết cô sinh đứa con thứ hai. Hỏi tại sao sống ngột ngạt thế mà lại sinh tiếp thì cô trả lời: “Em suy nghĩ lại rồi, đường về cũng bị cắt, về lại Việt Nam thì nhục lắm. Thôi, đành chấp nhận số phận vậy!”.
Một cô khác thì nhờ tôi tư vấn vì bị chồng Mỹ bạo hành. Tôi hỏi cuộc sống vợ chồng ra sao thì cô kể là lấy chồng học cùng lớp, anh ta kém cô 2 tuổi. Một hôm vợ chồng cãi lộn rồi giằng co nhau gì đó khiến cô ngã đập mặt xuống sàn bầm tím. Cô kêu Cảnh sát và anh chồng bị còng tay tống vô trại tạm giam – hôm sau cô nộp tiền bảo lãnh chồng ra nhưng sau đó hai người sống ly thân và chuẩn bị ly dị.
Cô nói về cơ bản chồng cô cũng tốt thôi nhưng “kể tội” chồng Mỹ làm biếng, ăn xong vất chén bát cả đống không rửa ngay mà chờ đến cuối tuần, đi học về là ôm cái TV chơi game không phụ việc vợ, không biết tiết kiệm, làm được 10 đồng thì xài đến 12, nợ ghi ngân hàng hàng đống mà vẫn vô tư quẹt thẻ …Cô còn nói thêm là những người bạn gái gốc châu Á của cô mà “lấy Mỹ trắng thì toàn phải hầu hạ, nuôi tụi nó (tức chồng) thôi”.
Vợ Việt có điểm tương đồng là đều chỉ trích các ông chồng Mỹ không biết tiết kiệm. Tôi thấy hình như đây là “điểm yếu” chính của những người chồng Mỹ. Hồi ở Boston, tôi sống chung trong một gia đình người Việt. Con rể của chủ nhà là người Mỹ.
Cậu này tuy xăm trổ đầy người nhưng tính tình hiền lành chỉ có tội ham chơi game – vừa bế đứa con đỏ hỏn vừa chụp tai nghe lên đầu, mắt dán lên màn hình, tay bấm điều khiển nhoay nhoáy… Mẹ vợ phàn nàn là con rể lười, sống ngày nào biết ngày đó, không biết tích lũy như người Việt Nam. Cậu Mỹ này làm nghề sơn nhà cũng có nhiều khách nhưng cứ làm một thời gian có chút tiền là cậu nghỉ làm mặc cho khách hàng kêu thuê – khi nào xài hết tiền thì mới đi làm tiếp.
Vậy nguyên nhân vì sao phụ nữ Việt hiện nay lại có xu hướng thích lấy chồng ngoại quốc?
Theo tôi, lý do đơn giản chỉ là vì tình yêu – mà tình yêu thì không có biên giới hay đơn thuần chỉ là để “đổi đời” như trào lưu các cô gái miền Tây lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc…Hoặc các cô vì ảo tưởng là “trai Tây lãng mạn” hay đơn thuần vì tâm lý tò mò, thích khám phá.
Nhưng gia đình Tây hay Ta cũng thế thôi: nếu muốn bền vững thì đều phải dựa trên nền tảng thật sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, hòa hợp cả phần hồn lẫn phần xác… Những ảo tưởng “Tây cái gì cũng tốt” đều gây ra những “ngộ tưởng” mà đã “ngộ tưởng” thì rất dễ bị sốc!