Australia đối mặt ‘dịch bệnh kép’
Australia đang chứng kiến số ca cúm gia tăng, trong khi tiếp tục phải đối mặt virus SARS-CoV-2.
Đây có thể là nguy cơ về một khủng hoảng y tế “kép” đối với Australia mà các chuyên gia đã cảnh báo.
Mùa cúm tại Australia thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Số ca mắc bệnh đã giảm đáng kể hai năm liên tiếp sau khi dịch COVID-19 tấn công vào năm 2020. Nhưng từ cuối tháng 4/2022, các ca cúm lại gia tăng nhanh chóng ở nước này.
Người dân làm xét nghiệm COVID-19 ở Sydney, Australia. (Ảnh: Reuters).
Theo Bộ Y tế Australia, khoảng 88.000 ca mắc cúm đã được báo cáo trong năm nay, tính đến ngày 5/6. Hơn 50% trong số này, khoảng 48.000 trường hợp nhẹ, được chẩn đoán trong hai tuần mới nhất.
Kể từ giữa tháng 4, số ca cúm tại Australia tiếp tục vượt quá mức trung bình của 5 năm qua. Số ca bệnh cũng gia tăng vào thời điểm sớm hơn những năm trước, với tốc độ tăng nhanh hơn nhiều.
Powered by GliaStudio
Cúm và COVID-19, hai bệnh đường hô hấp, có con đường lây lan tương tự nhau. Hai bệnh này cũng phổ biến hơn vào mùa đông. Từ lâu, các chuyên gia y tế đã cảnh báo về khả năng xảy ra dịch bệnh kép, nhưng thế giới cho đến nay vẫn chưa thực sự chú ý đến điều đó.
Các biện pháp chống COVID-19, chẳng hạn như đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì khoảng cách, hạn chế đi lại, cũng có hiệu quả chống lại cúm. Nhưng khi các hoạt động kinh tế và xã hội tiếp tục trở lại, các biện pháp hạn chế đang được dỡ bỏ. Ít người miễn dịch với cúm hơn sau hai năm liên tiếp số ca mắc bệnh giảm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các ca bệnh cúm cũng không chỉ gia tăng ở Australia mà còn ở New Zealand, Chile và Uruguay.
Tình hình ở Australia còn được coi là chỉ báo cho thấy những gì sắp xảy ra ở Nhật Bản.
Motoi Suzuki, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giám sát, Tiêm chủng và Dịch tễ tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, cảnh báo: “Nhật Bản cũng có thể bùng phát dịch cúm trong tương lai khi có nhiều người nhập cảnh hơn và cơ hội tiếp xúc tăng lên. Dịch có thể bắt đầu sớm hơn trước đây, vào tháng 8 hoặc tháng 9, hoặc có thể có quy mô lớn hơn”.
Ông Suzuki cho rằng Nhật cần bắt đầu tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt. Tại nước này, các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới hiện nay tiếp tục giảm, nhưng có thể tang trở lại vào mùa đông.
Mặc dù hơn 60% dân số Nhật đã được tiêm ba liều vaccine, hiệu quả đang giảm dần theo thời gian. Trong khi đó, biến thể omicron tiếp tục đột biến và có thể xuất hiện các loại virus đột biến mới.