Ba cú sốc văn hóa của khách Tây đến Việt Nam

Ian Paynton, người Anh, chia sẻ những điều khiến mình bất ngờ khi ở Việt Nam, trong đó có việc chen lấn khi xếp hàng, bị nói thách và trễ giờ.

Ian Paynton, sinh ra ở London, từng đến Việt Nam du lịch hai lần vào 2007 và 2010, sau đó chuyển đến Hà Nội sống từ 2016. Với gần 10 năm ở Việt Nam, anh nhận thấy nhiều khách quốc tế từng bị sốc hoặc mắc các lỗi giống mình khi lần đầu đến đây du lịch. Paynton đã tổng hợp lại những “cú sốc” này và chia sẻ trên Business Insider của Mỹ.

Ian Paynton trong chuyến du lịch Việt Nam. Ảnh:BI

Ian Paynton trong chuyến du lịch Việt Nam. Ảnh:BI

Một trong những điều khiến Paynton bị sốc văn hóa là việc xếp hàng. Anh nhận thấy ở Việt Nam không xếp hàng là điều phổ biến, trừ một số nơi yêu cầu. Du khách có thể cảm thấy thất vọng khi đang đứng đợi và bị ai đó chen ngang. Paynton lý giải người dân không coi đây là hành động thô lỗ. “Họ thấy lợi từ việc này (chen lấn), và họ làm thế”, Paynton nói.

Điều tương tự khi tham gia giao thông, đặc biệt là tắc đường. Theo số liệu từ Statista, có hơn 65 triệu xe máy đang lưu thông tại Việt Nam. Nếu có cơ hội vượt lên phía trước, mọi người đều sẽ chen nhau.

Tiếp đến là việc bán giá cao cho khách du lịch từ những người bán hàng rong. Theo số liệu từ Statista năm 2018, có hơn 430.000 người bán đồ ăn trên đường phố khắp Việt Nam. Đây cũng là các quầy hàng phổ biến nhất. Paynton nhận thấy người bán hàng rong nói thách là “chuyện bình thường”, đặc biệt ở các điểm du lịch nổi tiếng. Do đó, anh nhắc mọi người hãy trả một nửa so với giá ban đầu.

Một số người bán hàng cũng đòi tiền sau khi khách chụp ảnh họ. “Ở Hà Nội, những người bán hoa quả sẽ mời bạn chụp ảnh với nón, hàng hóa của họ. Sau đó, họ yêu cầu trả 1 USD hoặc hơn”, Paynton cảnh báo.

Hàng rong mưu sinh trên vỉa hè ở TP Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Hàng rong mưu sinh trên vỉa hè ở TP Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Paynton cũng nhận ra trễ hẹn và đi tour không đúng lịch trình là điều bình thường khi ở Việt Nam, dù sẽ khiến nhiều khách quốc tế bị sốc. Anh khuyến khích nên coi việc này là một “điều bất ngờ” thay vì tức giận, thất vọng. “Người dân địa phương đánh giá cao sự linh hoạt. Họ tin rằng cuối cùng mọi việc cũng đều ổn thỏa, bằng cách này hay cách khác”, Paynton nói.

Ngoài ra, Paynon cũng nhận thấy du khách không nên mặc bikini, đồ bơi hở hang khi tắm biển, sông hay thác nước. Điều này không được người dân địa phương đánh giá cao. “Vẻ đẹp ở Việt Nam là thanh lịch, không nên mặc những bộ quần áo khoe quá nhiều da thịt”, Paynton nói.

Việc không mặc quần áo quá hở hang vẫn đúng khi áp dụng đến thăm đền, chùa. Paynton cho biết hiếm người dân địa phương chạy ra nhắc du khách khi thấy họ ăn mặc không phù hợp. “Nhưng điều đó (việc ăn mặc thiếu lịch sự) chắc chắn là điều không được chấp nhận. Bạn có thể bắt gặp một số cái nhìn từ người dân”, Paynton nói. Khi vào các nơi này nên tháo giày, dép.

Anh cũng khuyến khích các vị khách quốc tế không chỉ ghé thăm 3 thành phố lớn khi đến Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, mà hãy tới ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Hà Giang, khám phá rừng và hang động ở Phong Nha, cố đô Huế.

(VnExpress)