Bạn có thể yêu một người rất nhiều, nhưng cái “rất nhiều” ấy rồi cũng sẽ phá hủy mối quan hệ của hai bạn

Trong mối tình dài nhất của tôi, với tư cách là một người trưởng thành, chẳng có gì đáng để phàn nàn ngoài việc cô bạn gái cũ quá yêu tôi. Nghe buồn cười nhỉ, ngoài kia đầy những chàng trai thèm khát có một người yêu mình tới chết đi sống lại, còn tôi thì lại thấy phiền.

Tôi thường nói với cô ấy rằng: điều tôi không thích nhất ở em là việc em quá quan tâm đến tôi và dường như chẳng còn dành tâm trí cho bất kỳ điều gì khác; chính việc này sẽ khiến em thất vọng vì tôi thôi, bởi em luôn so sánh tôi với người mà em yêu; hai thứ vốn không phải là một.

Em luôn nghĩ em trao tôi 10 phần yêu thương thì tôi phải đáp lại cả 10 phần đó. Em luôn cho rằng việc em sẵn sàng nghỉ một buổi làm vì tôi cũng tức là tôi phải đánh đổi điều gì đó cho em. Em luôn tưởng tượng ra một phiên bản hoàn chỉnh của tôi, dù tôi không phải như thế. Điều này không tốt cho một mối quan hệ.

Nghe này, có một người yêu luôn tin rằng bạn là người bạn trai hoàn hảo, đây là điều tốt. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó khi cái bong bóng hoàn hảo đó vỡ ra, và người ấy nhận ra bấy lâu nay, người mà họ yêu không phải là bạn, mà là phiên bản hoàn hảo của bạn do họ tưởng tượng ra, câu chuyện sẽ trở nên rất tồi tệ.

Ngày nay, có quá nhiều người đánh mất bản thân mình khi họ quyết định bước vào một mối quan hệ nghiêm túc. “Hai hòa làm một” (Two becoming one) – một hình mẫu lý tưởng khi nó chỉ là một tựa đề bài hát của Spice Girls, áp dụng vào cuộc sống thực tiễn, đây sẽ là thứ đích đến viển vông có khả năng phá hoại mọi mối quan hệ, không chỉ riêng tình yêu.

Đến cuối cùng, bạn sẽ phát hiện ra bạn ghét người yêu của mình vì cứ bắt mình từ bỏ bản ngã để trở thành người mà cô ấy yêu, hay nói chính xác hơn, cô ấy chọn bạn và nhào nặn bạn thành mẫu người lí tưởng của cô ấy. Hai bạn đều lớn cả rồi. Hai tính cách, hai môi trường sống, hai nền giáo dục khác nhau sẽ dẫn đến tam quan khác nhau.

Bạn có thể yêu một người rất nhiều, nhưng cái “rất nhiều” ấy rồi cũng sẽ phá hủy mối quan hệ của hai bạn - Ảnh 1.
Nếu bạn không thích bóng đá, đừng gồng lên, đừng cố tỏ ra quan tâm chỉ để có chuyện mà nói với người ấy. Nếu bạn không thích phim Marvel, đừng rủ người ấy đi xem. Hãy có những mối quan hệ bạn bè trong sáng khác, của riêng bạn. Miễn là hai bạn yêu và tôn trọng những giá trị cốt lõi của nhau, những khác biệt cỏn con này sẽ chẳng thành vấn đề. Còn nếu chúng trở thành vấn đề thì có lẽ, đôi ta không có duyên thật.

Thật tuyệt vời nếu người yêu có chung sở thích với bạn, nhưng điều đó chỉ tuyệt vời một cách tự nhiên. Khi người ta cố “gồng” lên để giả vờ thích những thứ bạn quan tâm, mối quan hệ đầy những sự gượng ép này sẽ sớm lụi tàn mà thôi. Đi cùng với nó là sự mất tôn trọng đối với người yêu. Cậu ấy có thể “cày views” cho idol của bạn một vài lần, nhưng nếu nó là quá nhiều lần mè nheo và ép uổng, người ấy sẽ nghĩ bạn là một cô gái chưa chịu lớn.

Rất khó để thật lòng tôn trọng một người luôn nhân danh tình yêu và sự hy sinh để sẵn sàng đánh mất chính bản thân họ, vì một ai đó, ngay cả khi “ai đó” là chính mình. Đó là lí do mà tôi không thích việc bạn gái cũ yêu tôi đến bất chấp như vậy.

Yêu nhau là phải hi sinh cho nhau. Điều này là cần thiết. Những dòng tôi đang viết đây không phải để cổ vũ bạn lười biếng và ích kỉ, không bao giờ làm gì để cho người ấy vui. Nhượng bộ và hi sinh là tất yếu nếu bạn muốn duy trì một mối quan hệ ổn định. Tuy nhiên, bạn không cần nhượng bộ với những thứ đối nghịch lại nhân sinh quan của bạn, và không cần phải hy sinh chính bản thân mình, vì bất kỳ ai.

Bạn không cần phải giả vờ yêu thích một lĩnh vực bạn chẳng quan tâm, chỉ vì sợ người yêu sẽ bớt thích bạn hơn nếu bạn không thích chúng, hay họ sẽ đi yêu người khác chung sở thích với họ (nếu điều đó xảy ra thì cũng đừng tiếc nuối). Bạn có thể tìm hiểu Kpop để bắt chuyện với cô ấy, nhưng nếu nền âm nhạc đó không hợp với thị hiếu của bạn, bạn chẳng cần phải bật nó cả ngày rồi Facetime cho nàng chỉ để nàng vui. Kiểu tình yêu ép uổng này chắc chắn không tồn tại lâu đâu.

Cô bạn gái cũ mà tôi nhắc tới, yêu tôi nhiều đến nỗi tôi tin rằng cô ấy chưa yêu bản thân mình đủ để thừa ra một phần tình cảm cho người khác. Cô ấy muốn tôi ở cạnh nhiều đến mức cô ấy cần tôi phải bám chặt lấy cô ấy, chỉ để cảm thấy ổn, chỉ để cảm thấy mình xứng đáng được yêu.

Thậm chí, cô ấy còn không tự tin về bản thân mình để tin rằng tôi sẽ không đi với người khác, mỗi khi tôi không ở bên cô ấy. Cô ấy luôn nghĩ mình xấu, mình kém cỏi, mình nhạt nhẽo, nên phải buộc chặt tôi bên đời mình bởi ngoài kia đầy những người xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn. Sự thiếu tự tin này vừa không hấp dẫn, vừa đáng ghét, vừa khiến những người thật lòng quan tâm đến cô ấy cảm thấy rất mệt mỏi.

Cuối cùng, một mối tình 5 năm đổ vỡ như vậy đó, chỉ vì một người trót yêu quá nhiều.

Tôi thật lòng yêu cô ấy, đến giờ vẫn yêu, tuy nhiên tôi cần một mối quan hệ mà mình có thể thở được. Cô ấy từng gọi cho anh họ tôi 42 lần trong 3 tiếng chỉ vì biết tôi và anh ấy đang đi cùng nhau. Tôi chán cái việc cô ấy suốt ngày gọi điện chỉ để hỏi tôi đang làm gì, cùng ai, ở đâu nên đã tắt máy, vậy là cô ấy khủng bố điện thoại của anh tôi.

Thậm chí, cô ấy còn bóng gió rằng mình không thích tôi đi chơi với nữ giới, kể cả là họ hàng, kể cả là cô, dì, những người đáng tuổi mẹ tôi. Thật kỳ cục và không thể chấp nhận nổi.

Chẳng ai muốn bị kiểm soát.

Khi một mối quan hệ bắt đầu bước vào giai đoạn khi mọi quyến luyến và cuồng nhiệt đã qua, mỗi người cần một khoảng không riêng để phát triển bản thân mình. Và không gì tệ hơn việc người còn lại liên tục gọi điện chỉ để hỏi: “Anh ở đâu, anh làm gì, anh ăn cơm chưa, mấy giờ anh về”.

Nhớ một người bạn mới gặp 2 tiếng trước và đêm nay vẫn sẽ nằm chung giường với bạn, đến mức phải gọi điện chẳng để làm gì, cũng chẳng vì lí do gì, đây không phải tình yêu. Đây là sự phụ thuộc.

Bạn có thể yêu một người rất nhiều, nhưng cái “rất nhiều” ấy rồi cũng sẽ phá hủy mối quan hệ của hai bạn - Ảnh 2.
Chẳng ai phải chịu trách nhiệm dạy cho bạn cách tự yêu bản thân. Chẳng ai phải chịu trách nhiệm cho việc bạn luôn cảm thấy bất an và cần một người ở cạnh để liên tục gợi nhắc bạn rằng bạn xứng đáng được yêu. Nếu bạn tìm kiếm một mối quan hệ chỉ vì những lí do đó, rồi bạn sẽ sớm thất vọng mà thôi.

Và nếu bạn cảm thấy bị xúc phạm với suy nghĩ rằng người ấy cần không gian riêng, trưởng thành lên bạn ơi, cuộc sống mà!

Yêu đương, hôn nhân, về cơ bản chẳng khác nhau lắm. Dù họ có yêu bạn đến mấy cũng cần những lúc để ngủ, để chơi game, thậm chí chẳng để làm gì cả. Hai con người vốn là hai cá thể riêng biệt, đừng cố trói buộc người ta chỉ vì bạn sợ cảm giác bị bỏ rơi.

Bạn có thể yêu một người rất nhiều, nhưng cái “rất nhiều” ấy rồi cũng sẽ phá hủy mối quan hệ của hai bạn - Ảnh 3.
“And maybe that’s what made us do what we did to each other, all the screw-ups, ’cause you always thought that you was more in love with me and I was thinking I was more in love than you was”- Eminem.

(Có lẽ mọi tổn thương chúng ta gây ra cho nhau là bởi cả hai cứ đong đếm xem ai yêu ai nhiều hơn.)

TYPN, THEO HELINO