Bảo tàng Diefenbunker – hầm trú ẩn cũ cho các lãnh đạo Canada thời kỳ chiến tranh lạnh
btv22023-03-04T07:42:03+07:00Bảo tàng Diefenbunker ở Ontario từng là hầm trú rộng hơn 9.000 m2 với sức chứa hơn 500 người, được thiết kế để bảo vệ giới lãnh đạo chủ chốt của Canada thời Chiến tranh Lạnh.
Bảo tàng Diefenbunker có tên cũ là Trạm Lực lượng Canada Carp, đặt theo tên con đường mà công trình tọa lạc ở ngoại ô phía tây Ottawa, thủ đô Canada.
Nơi đây từng là hầm trú bom nguyên tử rộng 9.300 m2, xây dựng từ năm 1959 tới 1961. Tên gọi Diefenbunker hiện nay được đặt theo thủ tướng thứ 13 của Canada John Diefenbaker, người đã cho phép xây dựng công trình làm trụ sở chính phủ khẩn cấp.
Cổng vào bảo tàng Diefenbunker.
Hầm cao 4 tầng với hơn 300 phòng, xây ngầm hoàn toàn, dùng làm nơi trú ẩn cho hơn 535 quan chức dân sự, quân sự và lãnh đạo chủ chốt của Canada để điều hành đất nước nếu bị tấn công hạt nhân.
“Ngoài những người được chỉ định, không ai khác được vào hầm. Không ai được phép mang theo gia đình, kể cả thủ tướng”, cựu giám đốc bảo tàng Henriette Reigel cho biết.
Hầm chịu được vụ nổ bom hạt nhân có sức công phá 5 megaton ở khoảng cách 1,8 km. Lối vào dài 118 mét được thiết kế nhằm giảm tác động của sóng xung kích từ bom hạt nhân. Lối vào dẫn tới nhiều cánh cửa, mỗi cánh nặng 1,4 tấn, tiếp theo là khu vực khử nhiễm xạ và các khu chức năng.
Phòng Nội các Chiến tranh được sử dụng làm chỗ họp cho thủ tướng và các quan chức cấp cao trong nội các. Trong phòng có một máy chiếu, 4 tivi. Phòng bên cạnh dùng để báo cáo thông tin quân sự, có máy chiếu hiển thị hoạt động của các máy bay.
Trung tâm Tình huống treo bản đồ lớn, thể hiện các vùng ở Canada có thể bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ trong kịch bản nước láng giềng Mỹ bị tấn công.
Khu vực sinh hoạt của thủ tướng bao gồm văn phòng làm việc, phòng ngủ và phòng tắm riêng.
Trong kịch bản vụ tấn công hạt nhân xảy ra, sau 30 ngày, khi phóng xạ giảm xuống mức an toàn hơn, “một số người sẽ được chọn để lên mặt đất xem thế giới hậu tận thế như thế nào và giới chức sẽ tái thiết đất nước ra sao”, Christine McGuire, giám đốc điều hành bảo tàng, cho biết.
Khu vực căng-tin với sức chứa 200 người cùng lúc. Trong thời Chiến tranh Lạnh, hầm luôn được dự trữ thực phẩm tươi và đồ ăn đủ cho một tháng mà không cần tiếp tế từ bên ngoài.
Khu vực được thiết kế để giữ vàng dự trữ của Ngân hàng Canada. Để vào bên trong, cần đi qua hai cánh cửa, cửa thứ hai nhỏ hơn cửa thứ nhất để cân bằng áp suất không khí.
Phát ngôn viên ngân hàng Canada cho biết không giống như mục đích thiết kế ban đầu, nơi đây chưa từng thật sự cất giữ vàng. Khu vực trở thành phòng tập thể dục vào những năm 1970.
Cửa kho vàng nặng 10-30 tấn và cần tới 4 người, mỗi người phụ trách một ổ khóa, cùng mở.
Phòng y tế với đầy đủ trang thiết bị để thực hiện phẫu thuật.
Năm 1994, hầm trú ẩn dừng hoạt động và vào cùng năm, công trình được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia Canada, trở thành biểu tượng thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Năm 1998, nơi đây trở thành bảo tàng, mở cửa đón công chúng.