Barcelona và bài toán khó giải.

4-3-3 là sơ đồ căn bản của Barcelona, tuy nhiên Ernesto Valverde không phải người cuồng tín sơ đồ này. Đúng hơn, Valverde thuộc mẫu HLV thích biến tấu sơ đồ.

 

Khi Luis Enrique rời Barca, một cuộc họp giữa các thành phần chóp bu của đội bóng được tổ chức. Một số ý kiến ủng hộ Sampaoli, Klopp và Conte, những nhà cầm quân đã gặt hái được những thành công nhất định dẫn dắt gã khổng lồ xứ Catalan.

Tuy nhiên, Giám đốc kỹ thuật Roberto Fernandez phản đối với lý do những vị chiến lược gia này có cá tính mạnh, đôi khi đặt cái tôi lên trên tập thể và trên hết, triết lý của những nhà cầm quân này không ăn khớp với triết lý của Barca, của La Masia.

Đối với người được chọn Ernesto Valverde, nền tảng chú trọng ban bật ngắn và kiểm soát bóng được duy trì nhưng không hẳn cực đoan. Thay vào đó, vị chiến lược gia này vẫn có những can thiệp mạnh bạo ở những thời điểm nhất định của trận đấu nếu cảm thấy cần thiết.

Và điều đó được thể hiện rõ nét ở trận đấu với Sevilla, khi Barca chuyển từ sơ đồ 4-3-3 truyền thống sang 4-2-3-1 để phù hợp với tình hình nhân sự. Cụ thể ở đây là tạo đất diễn cho bộ tứ Dembele, Suarez, Coutinho và Messi, với Messi là trung tâm và kết nối với 3 cái tên còn lại ở vị trí “số 10”.

 

Messi là trung tâm trong sơ đồ 4-3-3

Messi là trung tâm trong sơ đồ 4-3-3

 

Đó là một canh bạc mà Valverde thắng lớn bởi Messi rực sáng với một cú hattrick, qua đó giúp Barca giành chiến thắng 4-2 và tiến thêm bước nữa đến chức vô địch La Liga. Ngoài ra, chiến thắng này cũng giúp Barca lấy lại cảm hứng sau 3 trận liên tiếp không thắng để sẵn sàng cho cuộc tiếp đón Lyon lẫn 2 trận cầu Siêu kinh điển với Real Madrid sắp tới.

Từ văn phòng Nou Camp, BLĐ Barca đánh giá: “Có những HLV giữ vai trò quản lý (manager) và thực hiện công việc sắp xếp đội hình. Tuy nhiên cũng có những HLV (coach) can thiệp sâu vào chuyên môn hơn. Valverde là mẫu HLV như vậy, thế nên ông đã can thiệp khi cảm thấy mọi thứ tệ hại, bất chấp tinh thần bảo thủ (lối chơi) mãnh liệt của Barca”.

Đây không phải lần đầu Valverde can thiệp vào sơ đồ chiến thuật. Khi Neymar đến PSG, vị chiến lược gia này đã tìm kiếm sự cân bằng thông qua sơ đồ 4-4-2, sự đối xứng mỗi khi có bóng với Alba và Dembele án ngữ hai hành lang. Tất nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời.

Bởi lẽ Valverde hiểu rằng 4-3-3 là sơ đồ căn bản Barca, từ cầu thủ đào tạo đến cầu thủ chiêu mộ đều phục vụ sơ đồ này. Nhưng ở hiện tại, nhồi nhét cả Coutinho, Dembele, Suarez và Messi vào sơ đồ 4-3-3 gần như bất khả.

 

Coutinho và Dembele không thể cùng hiện diện trong sơ đồ 4-3-3

Coutinho và Dembele không thể cùng hiện diện trong sơ đồ 4-3-3

 

Khi chiêu mộ Coutinho, lập luận của Barca là cầu thủ người Brazil này có thể lấp đầy khoảng trống Iniesta để lại nhờ khả năng đi bóng và xoay trở khéo léo. Nhưng thực tế cho thấy Coutinho không phải Iniesta. Bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Barca này có xu hướng dâng cao tạo đột biến thay vì hoạt động ở trung tuyến để hỗ trợ công việc kiểm soát bóng.

Và Coutinho mắc kẹt giữa hai tuyến tiền vệ và tiền đạo vì tầm hoạt động của anh dẫm chân Dembele, một cầu thủ cũng có sở trường cầm bóng đột phá từ biên trái vào trung lộ. Vì thế, Coutinho và Dembele ít khi hiện diện cùng nhau trên sân.

Bằng chứng là ở đội hình xuất phát trận gặp Sevilla, Coutinho đá chính và chơi ở bên trái bộ ba trên hàng công còn Dembele ngồi dự bị. Nhưng đến khi hệ thống này tỏ ra thiếu hiệu quả, Valverde mới rút Vidal ra khỏi sân để tung Dembele vào sân, qua đó chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1, Coutinho vẫn ở biên trái còn Dembele chơi ở cánh đối diện.

Cách bố trí này giúp lối tấn công của Barca bớt cồng kềnh, trực diện và ít chạm hơn. Sự thay đổi này cho thấy khả năng đọc trận đấu và điều chỉnh kịp thời của Valverde. Nhưng, Real không giống Sevilla, Champions League là câu chuyện khác La Liga, cho nên bài học 4-4-2 vẫn còn nguyên giá trị.

 

Thảm bại trước Roma mùa trước là bài học dành cho Barca

Thảm bại trước Roma mùa trước là bài học dành cho Barca

 

Với 4-4-2, Barca phòng ngự tốt hơn, đội hình cân bằng hơn nhưng bài vở tấn công không đa dạng và phá bỏ quy tắc tam giác vàng chỉ có ở 4-3-3 (các vị trí tạo thành các tam giác, đơn vị căn bản cho những pha phối hợp). Rốt cuộc, Barca vỡ vụn trước Roma dù đã thắng đậm ở lượt đi.

4-2-3-1 thì sao? Sơ đồ này sẽ chia đội hình làm hai tuyến rõ rệt. 4 cầu thủ ở trên làm nhiệm vụ tấn công và 6 cầu thủ còn lại gánh vác hoàn toàn công việc phòng ngự. 6 nghe có vẻ nhiều nhưng nếu hai hậu vệ biên dâng cao, một trong hai tiền vệ dâng cao và có thể cả hai trung vệ dâng cao, Barca còn bao nhiêu người để chống phản công?!

Mặt trận phòng ngự là vậy, ở mặt trận tấn công, sự phụ thuộc vào Messi càng lớn, bởi lẽ anh thi đấu ở vị trí chính giữa hàng tiền vệ và tiền đạo, như yết hầu của sơ đồ 4-2-3-1. Trong trường hợp Messi bị phong tỏa, Barca gần như bị bịt đường lên bóng. Bởi lẽ, Barca được huấn luyện để tấn công theo kiểu lớp lang, bóng được ban bật kéo dãn đội hình rồi mới xuyên phá.

Với 4-2-3-1, trong trường hợp bóng không qua chân Messi, Barca phải lên bóng dọc hành lang hoặc chuyền đảo cánh. Đội bóng xứ Catalan không mạnh về những pha lên bóng như vậy và cũng thiếu người để thực hiện những pha bóng như vậy.