Bật mí vài lý do tại sao trẻ sơ sinh không cần nằm gối đi ngủ ?

Nhiều mẹ vẫn cho rằng những chiếc gối êm ái sẽ giúp bé ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, khi nằm trên những chiếc gối có thể gây hại cho con rất lớn.

Ngay khi vừa biết mình mang thai, nhiều bà mẹ đã háo hức chuẩn bị mọi thứ để đón em bé chào đời. Được tự tay sắm sửa cho con yêu từ những bộ quần áo sặc sỡ, những vật dụng bé xinh là niềm vui của rất nhiều bà mẹ. Đến nỗi điều này có thể xua đi những cơn nghén nôn mửa mệt mỏi luôn thường trực.

Và một trong những thứ mà hầu như mẹ bầu nào cũng mua cho đứa con sắp chào đời là những chiếc gối xinh xắn, mềm mại, với hy vọng sẽ giúp con có giấc ngủ ngon. Mẹ không hề biết rằng, cho đến khi con được 2 tuổi, thì gối là thứ không cần thiết, thậm chí còn có thể trở thành tác nhân gây hại cho con.

1/ Gối có thể khiến bé nghẹt thở

Nhiều mẹ vẫn cho rằng những chiếc gối êm ái sẽ giúp bé ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, khi nằm trên những chiếc gối quá mềm, quá êm, phần đầu của bé có thể bị chìm sâu vào gối, làm tăng nguy cơ bị nghẹt thở do đầu bé bị ép bởi gối và ngăn cản luồng không khí di chuyển từ bên này qua bên kia.

2/ Cho trẻ sơ sinh nằm gối có thể làm tăng nguy cơ đột tử sơ sinh (SIDS)

Có lẽ rất ít bà mẹ biết rằng gối có thể khiến trẻ nghẹt thở, làm tăng nguy cơ SIDS. Gối còn có thể khiến bé không thể xoay chuyển được tư thế nằm do đầu đã bị ép chặt, chìm vào trong gối.

3/ Cho trẻ nằm gối có thể khiến bé bị nóng

Hầu hết các loại gối dành cho trẻ sơ sinh đều có bao gối với chất liệu polyester hoặc vải không phải cotton, không có tính thấm hút. Chính vì vậy nó có thể làm tăng nhiệt dưới đầu bé, làm nhiệt độ cơ thể thay đổi. Khi thân nhiệt trẻ sơ sinh tăng cao, có thể bị đe dọa tính mạng và tử vong.

4/ Gối có thể làm bé bị bong gân cổ

Nhiều ông bố bà mẹ vô tư cho con nằm gối ngay khi bé vừa sinh ra mà không biết điều này vô cùng tai hại cho bé. Nếu trẻ ngủ trên những chiếc gối mềm mại nhiều giờ liền, bé có thể bị bong gân cổ vì cổ bé lúc này vẫn còn rất yếu.

5/ Trẻ sơ sinh ngủ gối có thể khiến đầu bị biến dạng

Bác sĩ luôn khuyến cáo các bà mẹ cho trẻ ngủ tư thế nằm ngửa để giảm thiểu tình trạng SIDS. Và nếu bé phải nằm tư thế ngửa trên gối quá lâu, đầu con có thể bị biến dạng trông rất xấu xí, khó coi.

Những quy tắc để giữ bé an toàn trong giấc ngủ

Để giữ con được an toàn trong khi ngủ, bố mẹ cần thuộc nằm lòng những điều sau đây:

1/ Luôn luôn cho bé nằm ngửa khi ngủ. Tuyệt đối không để bé nằm sấp vì có thể khiến bé nghẹt thở, tử vong.

2/ Tốt nhất, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, không dùng gối cho trẻ sơ sinh đến khi bé được 2 tuổi.

3/ Nếu chọn một chiếc gối cho trẻ mới biết đi, bố mẹ hãy đảm bảo gối chắc chắn và phẳng.

4/ Nếu bé ngủ một tư thế quá lâu, cần giúp con xoay đầu, thay đổi tư thế để đầu bé không bị biến dạng.

5/ Hãy chắc chắn rằng giường, cũi của bé được đặt cạnh giường của bố mẹ và cách xa các thiết bị điện tử trong phòng.

Làm thế nào để giúp bé ngủ ngon?

Trẻ từ sơ sinh đến khi tròn tháng có thể ngủ từ 16 đến 20 giờ một ngày và dường như bé không thể phân biệt giữa ngày và đêm. Với những bé sinh non, con có thể ngủ nhiều hơn, từ 20 đến 22 giờ.

Trong khi ngủ, bé có thể giật mình, vặn mình, thức dậy đòi ăn… Nhiều trẻ sau khi thức dậy thì rất khó ngủ lại. Điều này không chỉ khiến mẹ mệt mỏi vì phải thức trông nom bé, mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não bé. Do đó, mẹ cần biết các mẹo để giúp bé ngủ ngon vào ban đêm.

1/ Cho bé môi trường yên tĩnh: Mẹ hãy tắt hết các đèn trong phòng bé hoặc chỉ dùng đèn mờ cho phòng bé. Nhiệt độ phòng bé không quá nóng cũng không quá lạnh, không còn những tiếng ồn lớn như tiếng tivi, máy giặt… Môi trường yên tĩnh hoặc tiếng ồn trắng sẽ giúp bé hiểu đây là thời gian để ngủ và ngủ ngon hơn.

2/ Giúp bé nhận ra đã đến giờ ngủ: Vào mỗi đêm, trước giờ đi ngủ, mẹ hãy tắm cho bé, âu yếm, hát ru, massage nhẹ nhàng cho con để bé đi vào giấc ngủ ngon hơn. Điều quan trọng giúp bé nhận ra đã đến giờ ngủ là mẹ hãy làm các việc này vào một giờ nhất định mỗi tối như tập một thói quen thường nhật.

3/ Thiết lập thói quen ngủ đúng giờ: Mẹ hãy cho bé đi ngủ đúng giờ vào mỗi tối để thiết lập cho con lịch trình ngủ đúng giờ giấc. Vào một giờ nhất định, hãy tạm ngưng các hoạt động để ru con ngủ, mẹ nhé!

4/ Giúp bé phân biệt ngày và đêm: Mẹ hãy đảm bảo rằng môi trường ban ngày và ban đêm khác nhau. Chẳng hạn như ban ngày có thể để bé tiếp xúc với ánh sáng, tiếng ồn, còn ban đêm thì cho bé ở trong phòng tối và không có tiếng ồn hoặc tiếng ồn trắng để bé phân biệt được lúc nào là giờ ngủ và lúc nào bé có thể thức để chơi.

5/ Cho bé ngủ chung phòng với bố mẹ: Việc được ngủ chung phòng với bố mẹ giúp bé cảm thấy ấm áp, an toàn và bé ngủ ngon hơn. Những bé được ngủ chung phòng với bố mẹ cũng phát triển trí não tốt hơn.

6/ Làm “tổ” cho con: Hãy làm cho bé một chiếc tổ êm ái để bé có cảm giác như đang nằm trong bụng mẹ, con sẽ ngủ ngon hơn. Dùng một chiếc khăn mềm và quấn bé nhưng mẹ nhớ đừng bọc con quá kỹ hay quấn bé quá chặt nhé.

7/ Không làm phiền bé: Trước khi ru bé ngủ, mẹ đừng làm phiền bé với những thứ như đồ chơi phát nhạc, điện thoại di động, tiếng ồn tivi hoặc sự có mặt của người lạ. Tất cả những điều này có thể khiến bé khó ngủ, phải mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon và không sâu giấc.

8/ Dỗ dành khi bé thức giấc và khóc: Nhiều trẻ vẫn thường thức giấc và khóc ré lên tìm mẹ. Mẹ đừng bỏ qua mà cần biết nguyên nhân vì sao con khóc. Có thể bé bị ướt tã, bé đói hoặc đơn giản là con muốn được mẹ ôm ấp vỗ về. Hãy đáp ứng nhu cầu của bé để con có thể ngủ ngon trở lại.

Theo WTT