Bi kịch cuộc đời của một ca sĩ Việt ở Mỹ: Ba đời chồng nhưng chưa một lần được mặc váy cưới

Vừa trải qua đợt hóa trị đầu tiên vì ung thư vú, My nhận quyết định của toà về việc chồng cũ tố cô bạo hành con đẻ. Hơn ba năm đấu tranh tại hàng chục lần xử án để giành quyền nuôi con, cô gái Việt xa xứ kiệt quệ về kinh tế, thể chất và tinh thần. Nhưng trên tất cả, cô đã vượt qua.

Ba đời chồng nhưng chưa một lần được mặc váy cưới

Gần 40 tuổi, nhưng nhìn Khả My chỉ như mới 30 bởi làn da trắng, thân hình nhỏ bé, thon gọn và gương mặt căng mịn. Ít ai biết, người phụ nữ nhỏ bé này đã đi qua nhiều giông tố cuộc đời, trải qua tận cùng nỗi đau mà người đàn bà nào cũng khiếp đảm: Chồng ngoại tình, cờ bạc, nợ nần, bản thân bị ung thư vú, truất quyền nuôi con.

Tốt nghiệp phổ thông, My rời TP Hồ Chí Minh sang Mỹ tìm kiếm cơ hội học đại học. Tương lai rộng mở khi cô giành được học bổng ngành sư phạm. Trong thời gian này, cô được một Việt kiều theo đuổi ráo riết. Mặc gia đình ngăn cản, My bỏ học về sống chung cùng người đàn ông này.

My thời kỳ điều trị ung thư bị rụng tóc, phải thường xuyên đội mũ.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, My bảo: “Từ nhỏ đến lớn tôi chưa khi nào cãi lời cha mẹ. Nhưng lần này, tôi dám phản kháng rằng: Cho phép tôi được cãi lời để theo đuổi hạnh phúc của mình. Tôi đâu ngờ, cái ngày gật đầu theo anh về chung sống mà không có lấy một đám cưới, cũng là ngày mở đầu chuỗi bất hạnh liên tiếp của tôi”.

Thời gian đầu, cuộc sống khá suôn sẻ khi hai vợ chồng cùng kinh doanh quán bar, tiền bạc dư dả. Hạnh phúc kéo dài chẳng bao lâu sau ngày đứa con chào đời. Một ngày My phát hiện chồng ngoại tình, cờ bạc, tiền trong thẻ tín dụng cũng bị anh ta tiêu sạch.

 

 

Cả hai chia tay, My hoang mang không biết sẽ sống những tháng ngày sắp tới ra sao khi con còn quá nhỏ, lại mang cả đống nợ tín dụng ngân hàng do chồng cũ gây ra.

“Dù rất quyến luyến, không muốn xa con trai, nhưng khi đó tôi không còn lựa chọn nào khác, đành gửi con cho ông bà ngoại ở Việt Nam nuôi hộ. Tôi đi học làm móng, làm phục vụ, bưng bê… để gây dựng lại cuộc sống. Nhiều lúc nhớ con quay quắt, chỉ biết khóc, cảm thấy hoang mang, trống trải vô cùng”, My nhớ lại.

Rồi cuộc sống cũng dần ổn định, My có tình yêu mới với một người đàn ông Mỹ. Cả hai dự định về Việt Nam tổ chức một đám cưới hoành tráng nhưng rốt cục, mơ ước có một đám cưới như cổ tích của cô, mãi không thành hiện thực.

“Tiệc ở Việt Nam đã đặt, nhưng trước ngày cưới, chúng tôi xảy ra bất đồng lớn. Chuyện không thành. Cuối cùng, chị gái tôi phải cưới thay cho em vì tiệc đã đặt, không thể hủy. Nếu tôi dừng lại ở đây, cuộc đời hẳn sẽ khác, ai dè, một tháng sau, bạn trai lại bay về Việt Nam xin lỗi, làm lành… Rồi tôi có thai, cái thai được ba tháng, chúng tôi tiếp tục mâu thuẫn. Tôi dứt khoát chia tay và tự nhủ sẽ mang bầu, sinh con một mình”, My kể mà mắt ráo hoảnh, có lẽ, đi qua nhiều thăng trầm, cô đã chai sạn với những vết thương đầu đời.

My hát trên sân khấu một casino tại Mỹ.

Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, lần yêu thứ ba, My chạm tay vào may mắn. Mang thai đến tháng thứ tám, cô gặp và đón nhận tình cảm của người chồng hiện tại. Anh chăm sóc vợ suốt thai kỳ – dù không phải bố đứa trẻ. Không đám cưới, cả hai lặng lẽ về chung sống dưới một mái nhà.

 

 

My sinh nở mẹ tròn con vuông trong sự yêu thương của ông xã. Vợ chồng làm ăn gặp thời, có chút vốn liếng. My mua được nhà trả góp, đón con trai qua Mỹ để cả gia đình đoàn tụ. Cuộc sống gia đình bốn người êm ấm, hạnh phúc. Cuộc đời cô tưởng đã bình an từ đây…

Nhát chém đau thương của số phận

Bi kịch tái diễn sau quyết định My gửi con cho chị gái chồng cũ nuôi để con học tiếng Anh. Do ở Việt Nam với ông bà ngoại khá lâu, vốn liếng tiếng Anh của cậu bé thua xa bạn cùng lớp, buộc lòng, My phải gửi con qua nhà bác ruột của bé vì chồng người bác này là người Mỹ chính gốc. Hơn nữa, người bác bên nội lại không có con nên My hoàn toàn tin tưởng vào tình thương yêu của chị ta dành cho con trai mình.

Được một thời gian, My nhận thấy chị gái chồng cũ có dấu hiệu gây khó khăn mỗi khi cô đến thăm con. Linh cảm của người mẹ thôi thúc My bằng mọi giá đưa con về.

Gia đình hạnh phúc của My hiện tại.

“Sau bao mất mát đầu đời, tôi đã từng hoang mang, đau khổ, tuyệt vọng… nhưng rồi vẫn vượt qua được, với niềm tin duy nhất là phải sống để nuôi con, báo hiếu cha mẹ. Nhưng bất hạnh vẫn chưa buông tha tôi. Yên ổn chưa bao lâu, tôi nhận một nhát chém nghiệt ngã tưởng chừng chỉ có cái chết mới khiến tôi không đau khổ” – My mở đầu chuỗi bất hạnh cùng cực của đời mình trong lời kể chậm rãi, bình thản nhưng đầy khắc khoải.

 

 

My tham gia một cuộc thi ca hát – từ giải thưởng này cô trở thành ca sĩ tại các tụ điểm giải trí trên đất Mỹ.

“Cuối năm 2012, tôi nhận tin mình mắc ung thư vú. Lúc đó trời đất như sụp đổ. Ung thư khác gì án tử treo lơ lửng trên đầu. Hai con tôi sẽ sống sao, tôi phải từ giã cuộc đời ở tuổi còn trẻ thế này ư? Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, tôi vực mình dậy để điều trị.

Một buổi chiều đến trường đón con như thường lệ. Không thấy các con đâu, tôi rất hoang mang. Cuối cùng, hóa ra chúng được cảnh sát thông báo cho bố đến đón về. Tôi tạm thời bị tước quyền nuôi con do con trai đến lớp mách với cô giáo rằng tôi đánh đòn cháu. Ở Mỹ, việc cha mẹ tát hay đánh con là phạm pháp.

Tôi chỉ răn đe cháu nghiêm khắc theo cách của người Việt và nghĩ dùng roi đánh vào mông là chuyện cha mẹ Việt nào cũng từng làm. Nhưng ở đất nước này, nếu hành động đó được thông báo cho cảnh sát, ngay lập tức cha mẹ bị tước quyền nuôi con, chờ điều tra và tranh luận trước tòa. Đáng tiếc là con trai tôi lại kể với cô giáo việc cháu bị tôi tét mông. Cô giáo lập tức nhờ cảnh sát can thiệp. Chuỗi bi kịch mất con của tôi bắt đầu như thế”, My nhớ lại.

My là một trong rất nhiều phụ nữ Việt Nam gặp rắc rối khi kết hôn ở nước ngoài do khác biệt văn hóa về cách nuôi dạy con. Người Việt có thể cầm roi để đe nẹt con nhưng ở nước ngoài, hành động răn đe đó có thể bị kết tội.

Xâu chuỗi các sự kiện, My rút ra kết luận: “Suốt thời gian sống cùng gia đình bác gái, con trai tôi gần như bị tẩy não. Bác của cháu luôn tìm cách tách con khỏi tôi. Khi mới về lại với tôi, cháu rất hỗn hào, phản kháng. Bởi vì ở với bác, do hiếm muộn nên bác rất nuông chiều, còn tôi lại rất nghiêm khắc. Trẻ con tầm tuổi đó chưa nhận thức được đúng sai, phải trái. Chỉ cần không được thỏa mãn yêu cầu là chúng phản kháng. Đó là lý do vì sao, chỉ mới cầm roi đánh vào mông con, tôi đã bị tước mất quyền làm mẹ”.

 

 

Trong hơn ba năm, vừa phải điều trị ung thư, vừa liên tục đến tòa giành quyền nuôi con, My kiệt quệ về tài chính, tinh thần và sức khỏe. “Luật sư tính 300 USD (hơn 6 triệu đồng) cho một giờ làm việc, ba năm trời đằng đẵng như thế, có lúc tôi cảm thấy gục ngã vì vừa phải chữa bệnh cho mình, vừa lo giành quyền nuôi con.

Cuối cùng, thằng bé không chọn ở với tôi, con gái được ba nó trả lại. Thời gian đầu, tôi được quyền thăm nuôi con trai nhưng phải chịu sự giám sát của bên thứ ba. Mỗi lần thăm con, tôi phải chi trả cho người giám sát một số tiền tương ứng theo giờ. Càng về sau, chị gái bên chồng càng gây khó dễ trong việc cho tôi gặp con”, My uất nghẹn chia sẻ.

Được nhận lại con gái, nhưng mất quyền chăm sóc con trai, nữ ca sĩ tưởng hóa điên. Có thời điểm cân nặng cô dưới 40kg, tưởng không còn bao lâu nữa là chết. Con gái mới về với mẹ cũng rất ngang ngạnh, My phải lén quay video lại để nhỡ có chuyện, cô có bằng chứng trình cảnh sát.

“Sau nhiều đêm thức trắng, dằn vặt, tự chất vấn lương tâm, tôi ngộ ra một điều: Tôi vẫn còn may mắn vì con trai còn sống khỏe mạnh, được chăm sóc tốt. Một số cha mẹ có con chẳng may qua đời, vĩnh viễn không bao giờ gặp lại con, không hiểu họ sẽ đau khổ thế nào. Nghĩ được như thế, tôi bắt đầu thấy nhẹ nhõm”.

Cô hy vọng, khi trưởng thành, con trai sẽ hiểu chuyện, thấu cảm cho mẹ và tìm về cội rễ, máu mủ của mình.

My giờ đây sống bình an bên chồng và con gái. Anh luôn là bến đỗ bình yên, là mái nhà cho My trú bão. Cô bảo suốt đời không quên ân tình của chồng, vì chừng ấy thời gian bên nhau, anh đã phải cùng cô hứng chịu những nhát chém liên tiếp của số phận… Ngay cả bây giờ, khi đoạt giải cao nhất một cuộc thi ca hát, trở thành ca sĩ, thường xuyên vắng nhà đi hát, đi quay… chồng vẫn chu toàn việc gia đình và chăm sóc con gái cho My thỏa sức với đam mê.

“Không có con đường nào là đường cùng nếu bạn nhìn mọi việc bằng cái nhìn lạc quan. Với tôi, hoa vẫn nở cuối con đường…”, My kết thúc câu chuyện đời mình như thế.