Bí kíp kiếm tiền và dùng tiền khi đi du học
Ngoài thời gian học tập trên lớp, phần lớn du học sinh đều mong muốn có việc làm thêm để san sẻ bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình và có thể thoải mái hơn trong chi tiêu. Ngoài lợi ích về mặt tiền bạc, đi làm thêm còn là cơ hội giúp các bạn du học sinh trau dồi khả năng ngôn ngữ, hoàn thiện kĩ năng giao tiếp và trưởng thành hơn khi biết quý trọng đồng tiền.
Phục vụ bàn, phụ bếp, giữ trẻ… là một số những công việc làm thêm phổ biến với du học sinh Việt Nam nói riêng và cộng đồng sinh viên khác nói chung ở nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường việc làm thêm không chỉ có các công việc tay chân như thế. Các bạn du học sinh hoàn toàn có thể kiếm được công việc ở vị trí thực tập sinh tại các công ty uy tín. Một số mẹo tìm việc sau đây sẽ giúp các bạn có thể tìm được việc làm thêm phù hợp dễ dàng hơn.
“Bí kíp” kiếm tiền
Khảo sát nhiều nguồn tuyển dụng để chọn công việc ưng ý
Google là một công cụ vô cùng hữu hiệu để bạn tìm việc. Bạn chỉ cần gõ các từ khóa như part-time jobs in + thành phố nơi bạn đang theo học sẽ ra nhiều kết quả cho bạn tham khảo. Hãy tận dụng tối đa nguồn thông tin mở này.
Bạn nên đăng kí vào hội nhóm du học sinh Việt Nam tại đất nước bạn theo học để cập nhật thông tin. Các thành viên trong những nhóm này thường đăng tin tuyển dụng và cơ hội việc làm để chia sẻ với mọi người.
Hầu hết các trường đại học đều có bảng thông báo chuyên đăng thông tin việc làm cho sinh viên. Bạn cũng có thể lên trang web trường ở mục việc làm để tham khảo thêm.
Quan trọng nhất là bạn cần phải kiên trì vì tìm việc không khó nhưng tìm được việc phù hợp với mình thì rất khó.
Đầu tư và chăm chút cho CV
Sau khi tìm được công việc ưng ý, bạn sẽ làm bước tiếp theo là nộp hồ sơ. Lúc này, CV là tài liệu quan trọng quyết định bạn có được nhận hay không. Nếu bạn chưa từng viết CV lần nào trong đời thì có thể tham khảo một số gợi ý viết CV của HCVN hoặc cách viết CV của WikiHow. Trước khi nghĩ cách làm CV của mình nổi bật, CV của bạn phải đạt được những yêu cầu cơ bản sau đây:
– Có đầy đủ thông tin cần thiết như thông tin cá nhân, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc,…
– Không được sai chính tả. Hãy chắc chắn bạn đọc CV của mình ít nhất 10 lần.
– Các thông tin phải được trình bày rõ ràng và dễ đọc.
Sau khi đã có được một bản CV cơ bản, bạn có thể làm hồ sơ của mình nổi bật hơn bằng cách chọn font chữ, màu chữ trong CV. Hãy cố gắng làm sao để dấu ấn cá nhân của bạn được thể hiện rõ nét qua CV. Thư xin việc hoặc thư giới thiệu cũng giúp hồ sơ của bạn nổi bật hơn.
Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn
Trước khi đến phỏng vấn, bạn cần phải dành thời gian tìm hiểu kĩ về công ty và công việc bạn sẽ làm. Người phỏng vấn có thể sẽ hỏi những vấn đề trên để kiểm tra xem bạn có thật sự thích công việc này không. Bạn có thể lên mạng tìm những câu hỏi phỏng vấn xin việc phổ biến, sau đó tự soạn trước câu trả lời và tập nói trước gương nhiều lần. Bạn càng chuẩn bị tốt bao nhiêu thì bạn sẽ trở nên tự tin bấy nhiêu.
Bạn phải đến đúng giờ trong buổi phỏng vấn để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Sau khi phỏng vấn xong bạn có thể gửi email cảm ơn để lấy cảm tình.
“Bí kíp” dùng tiền
Với môi trường hoàn toàn mới và cách xa gia đình, thậm chí hàng ngàn cây số thì việc du học sinh tự lo được cho bản thân là điều cần thiết nhất. Nếu không chú ý, các bạn có thể sẽ trải qua cảm giác “rỗng túi” cả tháng liền.
– Khoản bắt buộc phải chi: tiền thuê nhà, điện nước, học phí, ăn uống, đi lại, bảo hiểm..
– Khoản lựa chọn chi: mua sắm, giải trí, tiệc tùng, thể thao…
– Quỹ dự phòng: đề phòng cho những khoản phải chi bất ngờ, ốm đau, trợ cấp của bố mẹ đến muộn…
Hãy chia số tiền bạn có cho từng khoản để biết giới hạn bạn có thể chi là bao nhiêu. Bạn nên cộng thêm 10% giá trị số tiền để làm phí phát sinh.
Tận dụng những chính sách giảm giá dành cho sinh viên quốc tế. Điều đó có nghĩa bạn nên luôn mang theo thẻ sinh viên bên mình khi đi mua đồ ở bất kì đâu.
Chờ những đợt giảm giá để mua sắm hoặc mua hàng online. Mùa sale ở các nước Châu Âu thường từ tháng 6 đến tháng 7, đây là thời gian thích hợp để các bạn tìm kiếm cho mình những món đồ yêu thích với chi phí thấp hơn 30 – 70% giá ban đầu.
Chia sẻ phòng với các bạn sinh viên khác là một cách hữu hiệu để giảm chi phí thuê nhà, điện, nước hàng tháng.
Giữ gìn và dùng đồ đạc cẩn thận để tránh hao mòn tài sản cũng là một cách để tiết kiệm tiền.