Bỏ trời Tây sau 20 năm xa xứ, Việt kiều mang 10 triệu USD về tạo việc làm cho hàng trăm người

Sau hơn 20 năm sống ở Canada, ông Nguyễn Thanh Mỹ về Việt Nam xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Trà Vinh, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ là con cả trong một gia đình nghèo, sống tại làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Vị doanh nhân sinh năm 1955 từng có tuổi thơ mưu sinh bằng cách rong ruổi khắp các nẻo đường để bán cà rem và bánh mì. Thời gian còn lại, ông tranh thủ học lỏm. Ở Việt Nam, chàng trai Trà Vinh đã tốt nghiệp Đại học Phú Thọ (nay là Đại học Bách khoa TP HCM).

Năm 1979, ông Mỹ sang Canada định cư. 12 năm trời, ông tự kiếm sống, nuôi mình bằng đủ nghề: rửa chén, làm bếp, bồi bàn… Trong 7 năm vừa học, vừa làm, ông Mỹ giành được hai học bổng, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và tiến sĩ. Ông cũng được nhận vào làm ở một số công ty điện toán và in ấn như: IBM, Sun Chemical và Kodak Polychrome Graphics.

Năm 1997, ông Nguyễn Thanh Mỹ tự mở hãng, đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh. Doanh nhân, nhà khoa học này sở hữu hơn 150 bằng sáng chế tại Mỹ, Canada… và có thể sống sung túc chỉ với việc cho thuê lại các bằng sáng chế này.

Bỏ trời Tây sau 20 năm xa xứ, Việt kiều mang 10 triệu USD về tạo việc làm cho hàng trăm người - ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ

Nhưng bước ngoặt đến vào năm 2004, ông quyết định về quê hương Trà Vinh lập nghiệp, hiện thực hóa ước mơ mở xưởng, tạo công ăn việc làm cho bà con quê mình. Ông rót 10 triệu USD thành lập Tập đoàn Mỹ Lan – doanh nghiệp công nghệ cao nổi tiếng của Trà Vinh.

“Trà Vinh hồi đầu 2004 là một trong ba tỉnh nghèo nhất đất nước. Về đó rất khó khăn, không chỉ về hạ tầng cơ sở, giao thông hay nhân sự, nhân lực mà khó khăn về tư duy kỳ thị ở trong nước với tôi là Việt kiều ở nước ngoài về. Người ta gọi tôi là anh ‘Việt kiều té giếng'”, ông Mỹ chia sẻ.

Nhờ nền tảng khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp do ông sáng lập đã làm cho vùng quê nghèo Trà Vinh trở nên khang trang, trù phú, thu hút hàng trăm lao động địa phương. Các sản phẩm in công nghệ cao của công ty ông được xuất ra khắp thế giới và chiếm 60% thị phần tại Việt Nam.

10 năm sau, khi 60 tuổi, TS Nguyễn Thanh Mỹ nhường lại công ty cho vợ và về hưu. Nhưng những phát minh dành cho ngành nông nghiệp của nhà khoa học vẫn tiếp tục ra đời, như phao quan trắc đo độ mặn, gửi thông số về smartphone, để người nông dân biết được lúc nào nước mặn và lúc nào nước hết mặn.

Để giải bài toán thực phẩm bẩn, ông Mỹ tiến hành một lúc 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Cù Lao Long Trị: Smart Fertilizer (chuyên về phân bón thông minh), Rynan Techonologies (chuyên về đồng hồ nước thông minh, cảm biến nhiệt trong xe) và Rynan Agrifoods (chuyên sản xuất bao bì đa lớp giúp bảo quản nông sản trong thời gian dài mà không cần hóa chất). Đến nay, ông đã sáng lập và đồng sáng lập 9 doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 7 doanh nghiệp tại Trà Vinh.