Các ‘ông lớn’ ngân hàng Canada tăng mức trích lập dự phòng rủi ro

Các ngân hàng lớn nhất Canada đã trích lập gần 2,5 tỷ CAD (gần 1,836 tỷ USD) dự phòng cho làn sóng rủi ro tín dụng và cho vay khi điều kiện kinh tế xấu đi.

Các ngân hàng lớn nhất Canada tăng mức trích lập dự phòng rủi ro

Biểu tượng của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC). (Ảnh minh họa, nguồn: Reuters)

Trong báo cáo thu nhập tài chính quý đầu tiên công bố tuần qua, các ngân hàng lớn nhất Canada đều công bố mức tăng đáng kể trong khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (PCL) – so với một năm trước đó, vốn có mức trích lập chỉ tổng cộng 373 triệu CAD. Đây là khoản dự phòng lớn nhất cho các khoản lỗ tín dụng kể từ năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19.

Rủi ro về việc quá hạn và thua lỗ đối với thẻ tín dụng, hạn mức tín dụng và khoản vay mua ô tô có nhiều khả năng xảy ra hơn so với việc không trả được nợ thế chấp. Và những khoản nợ quá hạn như vậy đã bắt đầu gia tăng trong những quý gần đây.

Mặc dù người dân Canada đang phải vật lộn với chi phí đi vay cao hơn rất nhiều sau một năm Ngân hàng Trung ương nước này (BoC) tăng lãi suất mạnh mẽ, đồng thời đối mặt với giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác vẫn còn cao, các giám đốc điều hành ngân hàng dự đoán không có sự gia tăng đột biến về tỷ lệ vỡ nợ, đặc biệt là khi tỷ lệ việc làm vẫn ở mức cao.

Giám đốc điều hành của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) Dave McKay cho biết kết quả tài chính của ngân hàng đã bị ảnh hưởng bởi PCL cao hơn trong quý. RBC, ngân hàng lớn nhất Canada, đã trích lập 532 triệu CAD cho dự phòng rủi ro trong ba tháng kết thúc vào ngày 31/1, tăng từ 105 triệu CAD trong cùng kỳ năm ngoái.

Theo các ngân hàng này, số lượng việc làm, lương và tiết kiệm tăng cho thấy nhiều khách hàng thế chấp có vị thế tốt để tránh tình trạng vỡ nợ và lưu ý rằng tỷ lệ nợ quá hạn thế chấp vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, triển vọng đối với một số chủ sở hữu nhà ở Canada có thể tồi tệ hơn đáng kể so với bức tranh mà các ngân hàng lớn đưa ra. Các ngân hàng thường không làm việc với những khách hàng có điểm tín dụng thấp, khiến những người đi vay đó chuyển sang những người cho vay tư nhân có mức lãi suất cao hơn nhiều.

Một báo cáo mới từ Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính của tỉnh Ontario, Canada (FSRA) trong tuần này cho biết 10,6% trong số tất cả các khoản thế chấp được môi giới trong tỉnh này vào năm 2021 là các khoản thế chấp tư nhân (không thông qua các ngân hàng lớn).

Con số này đã tăng lên vào năm 2022 và có khả năng tăng trở lại trong năm nay. FRSA đã kêu gọi người tiêu dùng tự tìm hiểu trước khi tham gia vào các sản phẩm tài chính thường có phí cao hơn, thời hạn ngắn hơn và các điều kiện không thuận lợi.

(baoquocte)