Cạm bẫy bủa vây người xuất khẩu lao động: Khóc, cười vì xuất ngoại
Mặt trái của con đường xuất ngoại chính là những đám cưới không cô dâu, chú rể; những đám tang người thân không người đeo khăn, chống gậy.
Khoảng 10 lăm năm gần đây, những địa danh: Cương Gián (Nghi Xuân), Thạch Kim (Lộc Hà), Thiên Lộc, Vượng Lộc (Can Lộc), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên)…, tỉnh Hà Tĩnh không chỉ nổi tiếng về phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong đất nước hình chữ S mà còn lan sang tận trời Tây. Phải thừa nhận, XKLĐ đã đem về một lượng lớn ngoại tệ, giúp nông dân các vùng nông thôn Hà Tĩnh thoát nghèo, xây nhà cao cửa rộng. Tuy nhiên,…
Đám cưới “2 không”
Âu Cửa Sót – xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà một sáng đầu tháng ba sóng yên biển lặng. Cả khu vực neo đậu dài hơn 1km vắng tanh vắng ngắt, hàng nghìn chiếc tàu thuyền đã vươn khơi từ sớm. Trên bờ, một cán bộ thuộc BQL các cảng cá Hà Tĩnh bảo: “Tầm 16h chiều tàu về cảng hết. Ở đây toàn tàu công suất nhỏ. Ngư dân không dám “lên đời” tàu phần vì thiếu vốn phần vì thiếu bạn (lao động có tay nghề – PV)”.
Nghề đi biển ở Thạch Kim, Cương Gián gần như không còn người kế nghiệp vì thế hệ trẻ hầu hết đã rời làng đi XKLĐ
Chúng tôi không ngạc nhiên với câu nói của vị cán bộ này, bởi trong một cuộc khảo sát hồi cuối năm 2018, chủ hàng chục tàu cá công suất lớn ở các xã biển thuộc huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh… thở dài than ngắn vì tìm đỏ mắt cũng không bói ra lao động có tay nghề. Đại bộ phận thanh niên sau khi học xong THPT, thậm chí là THCS đều tìm cách rời làng xuất ngoại. Người đủ điều kiện thì đi chính ngạch, còn không thì đi “chui”. Vì thế mà trong làng nay chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ.
Không có thanh niên trai tráng kế nghiệp, nghề biển ở các xã có tỷ lệ XKLĐ lớn như Thạch Kim, Cương Gián, Cẩm Nhượng bắt đầu thu hẹp. Thậm chí như xã Cương Gián, cách đây chừng 20 năm toàn xã có trên 1.000 chiếc thuyền vươn khơi nhưng vì phong trào XKLĐ nở rộ nên đến nay đội tàu giảm xuống chỉ còn 160 chiếc. Những phụ nữ chân yếu tay mềm ở nhà phải “gánh” luôn công việc của đấng mày râu, mỗi ngày đội trên đầu hàng tấn cá từ dưới cảng lên bờ. Họ vì miếng cơm manh áo chấp nhận cảnh vợ xa chồng, con xa bố hàng năm, thậm chí hàng chục năm trời. Đúng là XKLĐ đã đem về một lượng lớn ngoại tệ, giúp người dân thoát nghèo, xây nhà cao cửa rộng nhưng mặt trái của con đường xuất ngoại cũng gây ra không ít câu chuyện dở khóc, dở cười.
Mấy hôm nay từ đầu làng đến cuối xóm Giang Hà, xã Thạch Kim người dân xì xầm mãi về đám cưới “2 không” của gia đình ông Phạm Văn H, bà Võ Thị C. Hai ông bà sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. Đối với 3 cậu con trai “sức dài vai rộng” ông bà không lo lắng nhiều, nhưng cô con gái độc nhất Nguyễn Thị H được ông bà cưng chiều hết mực. Sau khi cho H học hết THPT, năm 2017 ông bà làm thủ tục cho H đi du học Hàn Quốc với kỳ vọng H sẽ đổi đời từ đây. Nhập học được 6 tháng thì H “vượt” ra đi làm. Vì lưu trú bất hợp pháp nên mới đây đám cưới của H tổ chức tại quê nhà vắng mặt cô dâu và cũng không có luôn chú rể.
Một đám cưới “2 không” ở Thạch Kim
Bí thư đoàn Thanh niên xã Thạch Kim Nguyễn Tiến Dần cho hay: “H kết hôn với một nam thanh niên quê Hưng Yên. Ngày đại hỷ, hai vợ chồng H ở Hàn Quốc xin nghỉ làm. Trong phòng trọ, cặp vợ chồng thuê một bộ vest, một bộ váy cưới cùng làm lễ với hai họ nhà trai, nhà gái theo phong tục địa phương. Tất cả phần lễ (phát biểu hai bên gia đình, thắp hương cúng bái tổ tiên, nhận quà mừng) và hội (ăn uống, hát hò) đều được chuẩn bị như một đám cưới có sự hiện diện của cô dâu, chú rể. Nhưng nó khác với đám cưới bình thường là “trực tiếp” qua… Facebook, zalo”.
Theo anh Dần, đám cưới “2 không” nay không còn là chuyện lạ ở Thạch Kim. Riêng năm 2018 toàn xã có đến 15 cặp không có mặt ở địa phương vẫn tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhận thiệp hồng những đám cưới như vậy người dân làng trên xóm dưới vẫn cảm thấy chua chát.
Chịu tang cha qua… facebook
Không phổ biến như đám cưới “2 không” nhưng bình quân mỗi năm ở Thạch Kim cũng có 3 – 4 trường hợp người thân qua đời nhưng con cái không thể về báo hiếu. Trường hợp của anh Đặng Văn H (47 tuổi), thôn Sơn Bằng là một ví dụ.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là hưu trí, anh H được ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, lớn lên lập gia đình, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng thêm nặng nề, anh buộc phải xa vợ và 3 đứa con đi XKLĐ Hàn Quốc vào năm 2007. Kết thúc hợp đồng 5 năm, trở về quê một thời gian anh tiếp tục làm thủ tục xuất ngoại lần 2. Kể từ đó đến nay đã gần 10 năm anh không về nước. Ở nhà tất tần tật mọi việc từ lớn đến bé, từ đối nội đến đối ngoại, từ hiếu đến hỷ… một tay vợ anh – chị Nguyễn Thị H lo toan hết.
Năm 2017, bố anh – ông Đặng Th qua đời ở tuổi 81. Anh H dù đau đớn tột cùng nhưng không thể về chịu tang bố vì đang sống lưu vong. Để thể hiện chữ hiếu, anh H xin nghỉ làm, lập bàn thờ ở phòng trọ, đeo khăn tang, quỳ lạy, chống gậy… rồi phát qua Facebook để chịu tang bố. Đến năm 2018, con trai anh là Đặng Nhật H lập gia đình, nhưng anh cũng không thể có mặt để chúc phúc cho con.
Anh H cũng như hơn 250 lao động khác đang sống lưu vong ở Hàn Quốc và hàng trăm người ở các nước: Anh, Canada, Mỹ, Đài Loan… đều xác định chỉ khi bị cơ quan chức năng bắt hoặc không còn sức khỏe để làm việc nữa mới trở về. Họ cố gắng bám trụ kiếm thêm chút vốn liếng về trang trải cuộc sống. Nhưng lại không nghĩ đến hậu quả của việc cư trú bất hợp pháp. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Dần, việc lao động đi xuất khẩu các nước thời gian quá dài đang khiến cho vấn nạn đổ vỡ hôn nhân; mất an ninh trật tự; băng hoại về đạo đức… đáng báo động.
“Cha mẹ đi XKLĐ từ khi con còn đỏ hỏn. Ông bà ở nhà nuôi nấng, dạy dỗ, không thể kèm cặp sát sao nên rất nhiều trẻ ở Thạch Kim có biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa, không lễ phép; nghiện chơi game; thậm chí bỏ học giữa chừng. Đáng báo động hơn là thực trạng nhiều lao động sinh sống quá lâu ở các nước châu Âu – nơi có thể chế chính trị khác với Việt Nam đã có những biểu hiện tiêu cực về lập trường, tư tưởng chính trị, ảnh hưởng đến sự phát triển của quê hương, đất nước”, anh Dần nhấn mạnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ của xã Thạch Kim, hiện toàn xã có hơn 70 cặp vợ chồng đi XKLĐ gửi con ở nhà cho ông bà nuôi dưỡng. Đặc biệt, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân – địa phương có đến hơn 2.700 người đi XKLĐ thì con số con em được gửi cho ông bà chăm sóc lên đến hàng trăm cháu. Theo người dân địa phương, không ít trường hợp do cha mẹ xa cách con cái quá lâu nên ở nhà trẻ gọi ông bà bằng bố mẹ; thậm chí đến khi bố mẹ trở về con không chịu ở với bố mẹ mà đòi sống với ông bà.
Chị Hoàng Thị Hoa, thôn Đông Tây, xã Cương Gián kết duyên với anh Lương Văn Thành rồi sinh hạ được 3 người con, 2 trai, 1 gái. Năm 1995 anh Thành khởi nghiệp bằng hợp đồng đi XKLĐ Hàn Quốc, lúc bấy giờ đứa con lớn của anh mới 13 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tuổi. Sau 4 lần về nước, anh quay lại Hàn bằng một hợp đồng mới, kết thúc hợp đồng này anh “vượt” ra ngoài làm việc, đến cuối năm 2018 mới trở về hẳn.
Chị Hoàng Thị Hoa cho rằng, tình mẫu tử không thể chia cắt nhưng việc xa cách lâu ngày sẽ khiến sự mặn mà, gần gũi giữa cha mẹ và con cái sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều
“Tính ra chồng tôi đi nước ngoài gần 25 năm. Trong quãng thời gian đó 3 đứa con của tôi cũng theo cha xuất ngoại rồi lấy chồng, lấy vợ, sinh con bên đó luôn. Hiện con của cả 3 cặp đang gửi cho ông bà nội, ngoại ở Việt Nam nuôi cả. Riêng tôi thì nuôi con cho thằng cả. Tôi nuôi cháu từ lúc nó mới 5 tháng tuổi, bây giờ đã lên 4 rồi”, chị Hoa chia sẻ.
Khi được hỏi về hệ lụy của việc cha mẹ xa cách con cái trong thời gian dài, chị Hoa cho rằng, tình mẫu tử không thể chia cắt nhưng sự mặn mà, gắn bó giữa cha mẹ với con cái sẽ có phần ảnh hưởng. Như đứa cháu chị đang nuôi dưỡng, mỗi lần bố mẹ gọi điện về cháu không để tâm và cũng không muốn nghe. Với cháu giờ bà nội là số 1, chứ không phải bố mẹ.
THANH NGA