Cảm ơn người ‘mẹ Nhật’ tốt bụng của tôi
Mẹ đã cho tôi hiểu rằng, dù có không cùng dòng máu, không cùng ngôn ngữ thì tình cảm chân thành chính là thứ giúp mọi người gắn bó với nhau, xóa tan mọi khoảng cách. Cảm ơn mẹ, người mẹ thứ hai của con!
Ba mươi chín tuổi, lần đầu tiên tôi xa gia đình để đi làm ăn xa. Nơi tôi đến là một hợp tác xã làm về nông nghiệp ở đất nước mặt trời mọc xa xôi.
Đến đó, tôi khá bất ngờ khi thấy những người làm việc ở đó đa số là những người già, người lớn tuổi, lứa tuổi mà ở Việt Nam mình hầu như đều đã nghỉ ngơi.
Do đã xác định tư tưởng từ trước nên khi sang đó tôi tạm quên đi nỗi nhớ nhà và nhanh chóng làm quen với công việc.
Vốn tính cẩn thận, chịu khó và giao tiếp đúng chừng mực nên chỉ một thời gian ngắn, tôi đã làm tốt công việc của mình và được người quản lý, các ông bà người Nhật và mọi người quý mến.
Vì vốn tiếng Nhật có hạn nên tôi vừa làm vừa tranh thủ học thêm từ các ông bà ở đó, người đã dạy tôi nhiều nhất, cũng là người mà tôi yêu quý nhất, đó là bà Codomo.
Bà hơn mẹ tôi hai tuổi, là một cán bộ đã nghỉ hưu và giờ, bà lấy công việc ở hợp tác xã làm niềm vui mỗi ngày. Bà có dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, bà luôn vui vẻ, quan tâm tới tất cả mọi người.
Trong số những người làm ở đó, tôi được bà quan tâm hơn cả.
Mỗi khi làm những món ăn truyền thống của Nhật bà đều để dành cho tôi, có khi đang làm việc, bà lại chạy đến đút vào miệng tôi miếng táo hay miếng cơm cuộn, mỗi khi tôi được người quản lý tuyên dương, mắt bà ánh lên niềm vui sướng, bà còn làm dấu “like” để động viên tôi.
Bà bảo, bà thích cách làm việc và ứng xử của tôi, tôi cũng thành thật với bà về quan điểm sống của mình, đó là “dù cuộc sống có vất vả thì cũng không được dối trá hay dễ dãi và phải luôn nghĩ về gia đình của mình”.
Tôi kể cho bà nghe về người cha yêu quý của tôi mới mất được một năm, về mẹ, chồng và các con của tôi. Bà hiểu vì cuộc sống vất vả ở quê nhà nên tôi mới phải rời xa gia đình để đi làm ở nơi xa xôi ấy.
Rồi chuyện công việc, cuộc sống, sự khác biệt giữa hai miền quê của hai đất nước, cứ như thế, tôi và bà ngày càng gắn bó. Và không biết từ bao giờ, bà luôn gọi tôi là “con” một cách đầy trìu mến, còn tôi lại vô tư gọi bà là “mama”, “mẹ Nhật”.
Thấm thoát rồi cũng đến ngày hết hạn hợp đồng, thời gian tôi về chỉ còn tính bằng ngày. Những ngày đó, tôi và bà lúc nào cũng tranh thủ thời gian để được ở gần nhau và quyến luyến nhau như những người thân thực sự.
Bỗng dưng tôi cảm thấy buồn vì phải xa bà ấy, người mẹ ở miền đất lạ. Một tuần trước khi tôi về Việt Nam, bà đưa tôi đi chơi khắp nơi và cẩn thận mua cho tôi từng món quà cho mẹ, cho chồng và hai con tôi ở nhà.
Từ những chiếc vòng cổ, vòng tay của bà, bà cũng đem hết cho tôi để về làm quà cho con gái. Bà không cho tôi từ chối bởi đó là tấm lòng của bà, tôi chỉ biết khóc vì không biết lấy gì để đền đáp những tình cảm ấy.
Ngày chia tay, dù ngoài trời tuyết rơi lạnh cóng bà vẫn tiễn tôi ra tận sân bay. Đến phút cuối, khi chỉ còn chiếc khăn quàng trên cổ, bà cũng tháo ra quấn vào cổ cho tôi và bảo: “Để về đó lạnh con còn có cái để dùng”. Rồi bà cứ đứng đó nhìn theo đến khi tôi hòa vào dòng người tấp nập.
Ôi, “mẹ Nhật” của tôi! Tôi đã không thể cầm được nước mắt khi phải chia tay người mẹ ấy, người mà có lẽ tôi chỉ được gặp một lần trong đời nhưng lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm đẹp.
Mẹ đã cho tôi hiểu rằng, dù có không cùng dòng máu, không cùng ngôn ngữ thì tình cảm chân thành chính là thứ giúp mọi người gắn bó với nhau, xóa tan mọi khoảng cách.
Dù đã xa nhưng tôi vẫn không nguôi nhớ về người mẹ ấy và thầm mong cho mẹ luôn mạnh khỏe. Cảm ơn mẹ, người mẹ thứ hai của con!