Canada: Kẻ lừa đảo dùng AI giả giọng người thân kêu cứu, cuỗm mất gần 500 triệu đồng
Một cặp vợ chồng ở Canada được cho là đã bị lừa 21.000 USD (gần 500 triệu đồng) từ một kẻ lừa đảo tự xưng là luật sư và con trai của họ, do AI giả giọng.
Cặp vợ chồng già Ruth Card (73 tuổi) và Greg Grace (75 tuổi) đã nhận được một cuộc gọi từ “cháu trai Brandon”, nói rằng anh ta đang ở trong tù nhưng không có ví hay điện thoại. Anh ta cần tiền để hòa giải và được thả ra. Cặp vợ chồng đã đến ngân hàng ở Regina, Saskatchewan và rút 3.000 CAD (khoảng 52 triệu đồng), hạn mức tối đa mỗi ngày.
Khi họ đến chi nhánh thứ hai để rút thêm tiền, một giám đốc ngân hàng đã kéo họ vào văn phòng của anh ta vì anh có một khách hàng quen khác đã nhận được một cuộc gọi tương tự và biết được giọng nói chính xác đến kỳ lạ đã bị giả mạo. Đó là khi họ nhận ra rằng mình đã bị lừa. “Chúng tôi tin chắc rằng chúng tôi đang nói chuyện với Brandon”, cặp vợ chồng này chia sẻ.
Đây không phải là nạn nhân duy nhất. Benjamin Perkin, thành viên trong gia đình bị lừa đảo chia sẻ rằng bố mẹ anh đã bị lừa 21.000 USD (gần 500 triệu đồng) vì kẻ lừa đảo sử dụng một giọng nói do AI tạo ra nghe giống như giọng nói của anh để nói chuyện với cha mẹ anh và vòi tiền. Kẻ lừa đảo tự xưng là luật sư nói rằng anh đang ngồi tù vì giết một nhà ngoại giao trong một vụ tai nạn xe hơi, và cần 21.000 USD cho chi phí pháp lý. Cha mẹ của anh ta đã thu tiền mặt và gửi tiền cho kẻ lừa đảo thông qua Bitcoin.
Mặc dù Perkin không biết làm thế nào những kẻ lừa đảo tìm ra giọng nói của anh ấy, trước đó anh ấy đã đăng video về trượt tuyết trên YouTube. Đó có thể là công cụ cho kẻ xấu lợi dụng để giả danh anh.
Lừa đảo liên quan đến công nghệ AI có trước sự xuất hiện của ChatGPT và các bot AI khác hiện đang lan rộng với tốc độ chóng mặt. Vào tháng 1, ElevenLabs, công ty đứng sau VoiceLab – công cụ AI tái tạo giọng nói, cảnh báo ngày càng nhiều phần mềm giả giọng có mặt trên thị trường, dẫn đến tình trạng lạm dụng. Với mức phí 5 – 330 USD/tháng (khoảng 115.000 đồng đến 7,5 triệu đồng), ngày càng có nhiều kẻ xấu sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dù các công cụ này ngày càng xuất hiện tràn lan, nhưng khó để truy tìm những tên trộm nhân bản giọng nói. Nạn nhân của các vụ lừa đảo bằng giọng nói cũng thường không có nhiều thông tin để cung cấp cho cảnh sát điều tra, khiến các quan chức khó xử lý, đặc biệt là đối với những vụ lừa đảo quy mô nhỏ.
(hoahoctro.tienphong.vn)