Câu chuyện buồn Hàn Quốc: Người trẻ bỏ mặc cha mẹ cho chính phủ chăm sóc
Khi mà người trẻ Hàn Quốc ngày một bỏ đi truyền thống chăm sóc người già, để mặc lại trách nhiệm đó cho người già và chính phủ tự giải quyết, con số người già Hàn Quốc tự tự đang tăng chóng mặt.
Ở độ tuổi 70, ông Son cũng không mong muốn gì nhiều. Người đàn ông già cả này chỉ ước ông ấy có khoảng 10.000 won, tương đương khoảng 9USD, để sống mỗi ngày. Hàng ngày, ông cùng với mấy người bạn đi mua những tô súp có giá khoảng 2.500 won để ăn trưa, sau đó họ đi uống cafe với giá 200 won.
Mỗi tháng, ông nhận tiền lương hưu từ chính phủ khoảng 250 nghìn won, nhưng cuối cùng ông chẳng tiết kiệm được đồng nào, chi phí cuộc sống đã ngốn hết chỗ tiền đó.
Thậm chí ông còn không có tiền để sưởi ấm căn hộ, mỗi đêm ông chỉ dám bật sưởi lên một lúc rồi sau đó phải tắt đi. Thế nhưng ở một đất nước dân số già không ngừng đối diện với đói nghèo và thách thức không ngừng trong hệ thống lương hưu, ông vẫn may mắn hơn quá nhiều người khác.
Khi mà người trẻ Hàn Quốc ngày một bỏ đi truyền thống chăm sóc người già, để mặc lại trách nhiệm đó cho người già và chính phủ tự giải quyết, con số người già Hàn Quốc tự tự đang tăng chóng mặt, theo bài đăng mới đây trên báo Nikkei.
Năm 2017, tỷ lệ tự tử tính trên 100 nghìn dân duy trì ở mức 48,8 người với nhóm người từ 70 tuổi trở lên, ở mức 70 người trên 100 nghìn dân với nhóm độ tuổi từ 80, theo số liệu của trung tâm ngăn ngừa tự tử Hàn Quốc, một cơ quan thuộc Bộ Y tế Hàn Quốc. Tỷ lệ tự tử trung bình của toàn quốc là 24,3.
Dù Tổng thống Hàn Quốc đang rất nỗ lực muốn thay đổi hệ thống hưu trí vốn được coi như yếu nhất châu Á, vấn đề này dường như sẽ vẫn còn ám ảnh các chính trị gia sau nhiều thập kỷ nữa.
Giáo sư tại đại học Dongguk ở Seoul – Hàn Quốc, ông Cho Hyun-yun, nhận xét: “Việc chính phủ không thể đối phó và thậm chí vô trách nhiệm đã dẫn đến việc người già đói nghèo và tự tử nhiều. Rõ ràng chính phủ nên giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng đói nghèo cho người già”.
Vấn nạn đói nghèo trong người cao tuổi tại Hàn Quốc tồi tệ hơn rất nhiều nước khác cũng trong khu vực châu Á và cũng đối diện với tình trạng dân số già. Số liệu của OECD cho thấy vào năm 2015, 45,7% người Hàn Quốc tuổi từ 66 trở lên
sống trong tình trạng đói nghèo – tỷ lệ cao nhất trong OECD và cao hơn rất nhiều so với con số 19,6% của Nhật.Thế hệ người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 60 đến 80 là thế hệ cuối cùng còn hỗ trợ tài chính cho cha mẹ mình, và nói rộng hơn ra, đó cũng là thế hệ đầu tiên sẽ không còn được hưởng hỗ trợ kiểu đó từ con cái họ. Ông Kang năm nay đã 79 tuổi nói: “Thế hệ con cái tôi không hề có khái niệm cần phải hỗ trợ cho cha mẹ mình như thế nào. Tôi không thể hỏi xin con trai hay con dâu tiền”.
Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, ông Kim Yu-kyung, nhận xét: “Cấu trúc gia đình của Hàn Quốc đã trở nên nhỏ hơn, xã hội ngày một ích kỷ hơn. Người ta tin rằng chính phủ nên hỗ trợ cho người già chứ không phải gia đình”. Thế nhưng đến nay, hệ thống của chính phủ đang thất bại thảm hại.
Theo: bizlive.vn