Câu chuyện xót xa của du học sinh, bố mẹ sợ người ta “cười “: Tao tạch rồi, đang chuẩn bị mua vé máy bay về nước đây
Nhà tớ không nghèo, chị em tớ đều học giỏi. Tớ vẫn không hiểu tại sao bố mẹ tớ lại nhất quyết không cho chị đi đâu. Bảo sợ buồn thì cũng không hẳn, vì tớ vẫn ở nhà suốt. Ừ thì cũng buồn, cũng nhớ, nhưng đâu phải là một đi không trở lại, là chỉ có hai ông bà vò võ thân già rau cháo nuôi nhau? Chị trượt học bổng. Bố mẹ tớ mừng ra mặt
Năm 24 tuổi, chị gái tớ muốn đi du học. Bố mẹ tớ sống c.h.ế.t không cho đi, bảo bằng ấy tuổi rồi không lo lấy chồng còn đi đâu? Nhưng chị gái tớ kiên quyết lắm:
– Dù bố mẹ nói thế nào, lần này con cũng quyết tâm đi. Bố mẹ cho con tiền đi là mừng, không thì con cũng xoay xở để đi.
Nhà tớ không nghèo, chị em tớ đều học giỏi. Tớ vẫn không hiểu tại sao bố mẹ tớ lại nhất quyết không cho chị đi đâu. Bảo sợ buồn thì cũng không hẳn, vì tớ vẫn ở nhà suốt. Ừ thì cũng buồn, cũng nhớ, nhưng đâu phải là một đi không trở lại, là chỉ có hai ông bà vò võ thân già rau cháo nuôi nhau?
Chị trượt học bổng. Bố mẹ tớ mừng ra mặt. Còn chị buồn xo. Đêm nằm chiếc gối thấm đầy nước mắt.
Rồi xoay xở thế nào, chị cũng kiếm được một suất đi theo diện học ngôn ngữ. Cũng mất một khoản kha khá. Bố mẹ tớ nhất quyết không cho tiền, vì nghĩ là chặn đi con đường tài chính, chị sớm muộn cũng từ bỏ ý định. Bố mẹ tớ cho rằng, chị chỉ đang viển vông, hão huyền. Chỉ có tớ biết, đó là ước mơ từ thuở bé của chị, một ước mơ luôn lấp lánh tận sâu đôi mắt chị mỗi khi nghe bất kì ai nhắc về đất nước ấy. Chị nhắc đến “miền đất hứa” bằng tất cả những trìu mến thương yêu và đam mê nồng cháy nhất.
Cuối cùng chị cũng đi được. Sang bên ấy chị vừa học, vừa làm, vật lộn với cuộc sống nơi đất khách quê người, ngày đi học, tối về lại đi làm thêm. Nhưng chị vẫn vui, mỗi khi kể về cuộc sống bên ấy, chị luôn ánh lên sự tự hào và háo hức, hân hoan như đứa trẻ lần đầu được đi du lịch xa nhà.
Nhưng bố mẹ tớ buồn cười lắm.Bố mẹ nói dối là chị được công ty cử đi công tác. Bố mẹ không muốn “người ta” biết được chị “bằng ấy tuổi” rồi còn đi học hành này nọ, lại còn chẳng được học bổng trăm nghìn đô để mà tự hào vỗ ngực. Bố mẹ sợ “người ta” cười…
Mỗi ngày lễ tết ở nhà, chị lại gọi về hỏi thích gì không chị mua rồi gửi về cho. Tớ thích cả nghìn tỷ thứ, đất nước phồn hoa ấy có bao nhiêu điều mới lạ. Nhưng tớ chỉ lắc đầu: “Không, chả cần cái gì hết ở nhà cái gì chả có. Mua làm gì tốn tiền”. Tớ biết sang đấy chị chỉ đi bán hàng thuê ở siêu thị, đi bưng bê ở nhà hàng, đi phát tờ rơi ở các khu phố. Cầm món quà ấy, tớ thực sự không đành lòng.
Người lớn buồn cười lắm ấy. Mỗi khi có ai hỏi chị sang đấy “có sướng không?”, “có giầu không?”, “gửi về nhà được mấy trăn triệu rồi?”, tớ lại thấy thương chị kinh khủng. Sao không ai hỏi chị sang đó có vất vả không, có gặp khó khăn gì không, ăn uống có quen không, hay cuộc sống có hạnh phúc không? Người lớn vất vả quen rồi, đáng ra nên hiểu những vất vả ấy chứ nhỉ?
Ngày hôm nay, sau khi kết thúc 1 năm rưỡi chương trình học, chị xin được công việc tốt lắm, nhưng lại nhận được tin mình bị từ chối gia hạn Visa. Vậy là chị chuẩn bị phải về nước, về nước, theo bố mẹ tớ nói là, với hai bàn tay trắng.
Chị gọi về cho tớ, cười hề hề:
– Tao tạch rồi, đang chuẩn bị mua vé máy bay về nước đây.
Tớ biết chị buồn, buồn hơn tất thảy những gì mọi người biết. Chỉ tớ mới thấy ánh mắt lấp lánh và nụ cười hạnh phúc của chị, cũng chỉ tớ mới thấy giọt nước mắt chị nuốt ngược vào trong. Chị buồn không phải vì trượt Visa, vì phải tạm biệt đất nước ấy, mà chị buồn vì khiến bố mẹ tớ buồn, vì chị đã trở về với “hai bàn tay trắng”. Chị cảm thấy có lỗi, thứ tội lỗi mà thực tế chị chẳng hề liên quan.
Chị bảo tớ:
– Người ta nói gì tao chả sợ, tao sợ bố mẹ không biết ăn nói thế nào với người ta.
Tớ trộm nghĩ, người ta là cái quái gì sao mà ghê gớm thế?
Ừ đúng thế thật. Lúc đi thì nói dối là đi làm, giờ trở về không kèn không trống, đến tiền mua cái xe để đi cũng chẳng có nữa. Tớ mặc kệ những người nói chị ngu ngốc khi chuốc lấy thất bại vào người, bởi người ta cũng không thể hiểu những gì chị đã cố gắng và những gì chị đã chinh phục được. Thứ thành công chị đạt được không thể tính bằng những con số hay bằng những vật chất. Vốn dĩ họ chỉ nông cạn đến mức nhìn thấy thứ “thành công” biểu đạt nơi túi tiền mà thôi.
Nhưng tôi lại giận bố mẹ. Quay đi quay lại, bố mẹ cũng chỉ lo “người ta cười”. Và tôi tự hỏi, lo “người ta cười” làm gì khi chính con mình “đang khóc”? Người lớn thực buồn cười quá…
Vài ngày nữa, tớ sẽ đi đón chị mình. Không biết bố mẹ tớ có đi không. Có khi lại chỉ có hai chị em. Ai nói bố mẹ tớ không thương chị, tớ còn mắng cho. Bố mẹ tớ thương con, tớ biết. Bố mẹ nào mà chẳng thương con?
Chỉ là đôi khi, người lớn vẫn thật khó hiểu và buồn cười quá…
Sưu tầm