Cây cầu kỳ lạ ở Mỹ: Thi thoảng lại ‘biến mất’

Tuy được xây dựng để nối hai bên bờ, cầu Nebraska gần Tionesta (Pennsylvania, Mỹ) không mấy khi có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Nebraska anh 1

Cây cầu mở hay đóng? Đó là câu hỏi thường trực trong suy nghĩ của những người sống gần khu vực cầu Nebraska (Tionesta, Pennsylvania, Mỹ). Ngay cả ngày đẹp trời, cây cầu cũng chỉ cách mặt nước vài centimet, còn lại thường xuyên bị ngập, thậm chí chìm nghỉm dưới nước. Ảnh: Bridgehunter.

Nebraska anh 2

Công trình có chiều dài 57 m này được xây dựng năm 1933 qua lạch Tionesta, phục vụ thị trấn đốn gỗ nhỏ ở Nebraska. Ban đầu, cầu vẫn được sử dụng bình thường. Ảnh: Kyle Yates Photography.

Nebraska anh 3

Tuy nhiên, khi các hoạt động và sự phát triển ngày càng tăng dọc sông Allegheny gần đó, Tập đoàn Xây dựng Quân đội của Mỹ đã xây đập Tionesta để ngăn ngừa việc ngập lụt ở hạ lưu. Đập hoạt động từ năm 1940, nghĩa là vùng Nebraska sẽ chìm dưới nước. Cư dân chuyển đi, nhưng cây cầu ở lại, và suốt nhiều thập kỷ, nó biến mất rồi xuất hiện khi mực nước đập dâng hoặc hạ. Ảnh: Explorevegamo.

Nebraska anh 4

Cây cầu đã trở thành một huyền thoại ở địa phương, với trang Facebook riêng và phim tài liệu riêng. Nó được xem như bóng ma của những ngày xưa cũ. Ảnh: Historicbridges.

Nebraska anh 5

Mỗi mùa xuân, người ta lại chờ xem cây cầu xuất hiện với hy vọng nó vẫn sử dụng được. Cầu cũng được xem như một minh chứng cho kỹ thuật xây dựng thời đó, khi có độ bền vững đáng kinh ngạc. Dù bị ngập nước thường xuyên suốt nhiều năm, cầu vẫn còn nguyên vẹn, cho xe cộ qua lại được. Ảnh: Atlas Obscura.

Nebraska anh 6

Nebraska anh 7

Tùy thuộc vào mực nước và thời điểm trong năm mà du khách có thể thấy cây cầu. Vào mùa đông, cầu có thể chìm dưới băng hoặc lộ diện hoàn toàn. Ảnh: Getty Images.

Nebraska anh 8

Và vào mùa hè khi có những cơn mưa lớn, cầu ngập đến ngang thân, tạo thành thử thách thú vị cho những người chèo thuyền kayak. Tuy nhiên, người chèo thuyền được khuyến cáo cần cẩn thận, do không thể lường được các rủi ro có thể xảy ra dưới nước. Ảnh: Atlas Obscura.

Theo Zingnews