Chân dung một chàng trai du học sinh
Sau kinh nghiệm chia nhà chung với mấy cậu bạn Việt Nam, cô bạn mình tuyên bố sau này sẽ chỉ lấy chồng là dân đã đi du học về. Đơn giản vì những chàng trai du học thì ít nhiều đều từng phải tự… nấu ăn và khả năng là những người thích chia sẻ mọi công việc nhà. Một chàng trai du học đã phải tự xách giỏ đi chợ, tính toán thế nào để mỗi bữa đi chợ không vượt quá chỉ tiêu, phải nhớ mang theo bao nilon kẻo quên thì sẽ phải tốn tiền mua túi (để tiết kiệm và bảo vệ môi trường mà).
Ngoài ra, chàng trai du học sinh biết loại phó-mát nào chưa thử qua để bóc bỏ giỏ, chàng trai du học sinh biết sà vào hàng nào để mua thịt được lợi hơn, biết phân biệt đắt rẻ giữa các quầy hàng hay từng thương hiệu siêu thị… Khâu nấu ăn thì tất nhiên chàng trai du học sinh sẽ dày dặn kinh nghiệm hơn rồi, họ làm gì có tiền mà ra quán, cũng chẳng có mẹ ở cạnh để nấu nướng cho.
Tất nhiên, lấy một người chồng hay quen một ai đó không phải chỉ để người đó nấu ăn cho mình, nhưng rõ ràng vẫn có một số trải nghiệm mà chàng trai du học thấu rõ hơn ai hết.
– Chàng trai du học rất lo học. Không nói đến những chàng trai du học được cha mẹ cho qua nước ngoài bằng mọi giá và bất chấp khả năng, những chàng trai du học theo diện tự túc và gia đình không khá giả thì thường rất chú trọng vào vấn đề này. Mục tiêu của họ khi đi du học là để tích lũy kiến thức, mang về một tấm bằng với thành tích càng cao càng tốt. Có đi du học rồi mới biết là chuyện học khó và cần thiết sự nghiêm túc đến chừng nào. Những ngày đầu, chàng trai du học sẽ có khi nào ngồi thư viện cả ngày để dịch quá trời bài giảng vì không hiểu hết. Đôi khi, họ không thể hiểu cả những ghi chú của chính mình vì thầy giảng quá nhanh. Đến kỳ thi, sẽ chỉ có thi thật học thật vì nếu gian lận nghĩa là họ sẽ bị từ chối vào học bất cứ cơ sở đào tạo nào khác, trong một vài năm liền. Và họ tập trung vào việc học vì biết rằng cái giá mà gia đình đã trả cho chuyến đi này không chỉ là những cầm cố, vay mượn mà còn cả thời gian, tâm sức và rất nhiều sự tin tưởng của cả nhà.
– Chàng trai du học có chí kiếm tiền và tham vọng làm giàu. Vì không có gia đình làm hậu phương, không có xe đi, không được phát tiền ăn sáng hàng tháng, không được đỡ đần vào cuối tháng khi phải trả hóa đơn… nên chuyện chi tiêu của họ luôn được tính toán kỹ lưỡng. Chàng trai du học thậm chí có những ngày trằn trọc không ngủ được vì chẳng biết nên chọn học tiếp hay đi làm nhà máy, làm lặt vặt một năm để kiếm tiền học lại. Chàng trai du học suy nghĩ cả mấy tháng liền có nên chi tiền mua giày mới. Để mua một đôi ủng chất lượng cho mùa tuyết, đôi khi họ phải ăn mì spaghetti với nước sốt cà chua trong cả mấy tuần liền.
– Chàng trai du học tôn sùng sự sòng phẳng. Chàng trai du học không chi tiền khi thấy mình “lạc giữa rừng hoa”. Đi chơi, đi ăn uống thì bạn bè trả riêng. Không có chuyện dắt các bạn gái đi ăn ly chè, uống ly café (café bán ở máy tự động thì thỉnh thoảng). Họ quyết liệt với từng đồng tiền của mình, nhất là những đồng tiền do chính tay mình làm ra từ những cuối tuần đi bưng phở ở nhà hàng châu Á hay lăn lộn khuya khoắt ở nhà máy. Nếu có vấn đề tài chính với các công ty, tổ chức ở quốc gia đó, họ sẵn sàng gọi điện “kiện tới nơi” chứ không cả nể, cho qua.
– Chàng trai du học cởi mở với mọi sự khác biệt. Chàng trai du học có bạn bè đến từ mọi nơi trên thế giới: Phi, Mĩ, Úc, Á, Âu… và cũng nhờ vậy mà họ dần hình thành cho mình sự cởi mở ít nhiều khi nhìn nhận một sự khác biệt nào đó, từ tôn giáo, chính trị, sắc tộc, quan điểm đến cả những vấn đề vẫn còn được xem là cấm kỵ ở một số quốc gia (chẳng hạn như vấn đề đồng tính).
– Chàng trai du học văn minh trong cư xử. Từ việc được giữ cửa, họ dần có thói quen giữ cửa cho người khác, bất kể đó người đó là nam hay nữ, khi bước vào một tòa nhà nào đó. Chàng trai du học sẽ “cám ơn”, “xin lỗi” đầu môi chót lưỡi bất cứ khi nào họ vấp lỗi, hay được ai đó làm ơn cho một việ nào đó. Chàng trai du học bỏ ra khỏi quán từ khi điện thoại còn rung, sẵn sàng giơ tay vẫy chào biểu lộ sự cám ơn khi được xe cộ nhường đường khi đi qua vạch kẻ…
– Chàng trai du học biết cách hưởng thụ cuộc sống. Họ có thể sẽ không hút thuốc (vì sợ tốn tiền), không uống rượu (vì có thể công việc yêu cầu hay đơn giản là kỳ thi đang tới), và sẵn sàng cảm thấy sung sướng cả nhiều ngày sau đó nếu hôm nay trời bỗng nắng đẹp (vì không cần tốn tiền sấy áo quần mà có thể phơi ngoài ban-công ký túc xá).
Nếu có cơ hội, hãy thử yêu một chàng trai du học trở về nước hoặc yêu một chàng du học sinh ngay trong quãng thời gian du học của bạn. Cuộc đời có mấy lắm, nếu chỉ ăn pho-mát con bò cười thì sẽ không bao giờ biết được mùi pho-mát xịn nó “nặng đô” tới mức nào phải không? Huống gì chàng trai du học lại có lắm những nét tính cách thú vị thế kia!
Lê Tuyết/ Tin nhanh Online