Chàng trai 25 tuổi thiết kế robot cho lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ
Với điểm GPA xuất sắc cùng nhiều kinh nghiệm thực chiến từ thời sinh viên, Võ Nguyên An trở thành kỹ sư thiết kế robot cho lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM, Võ Nguyên An, sinh năm 1997, quyết định “gap year” một năm để chuẩn bị hồ sơ, tiếng Anh và du lịch trước khi đi du học. Ước mơ của An là đến nước Mỹ học ngành cơ khí, theo đuổi sở thích lắp ráp ôtô. Tháng 4/2016, An trúng tuyển Đại học Virginia Tech ở Blacksburg, bang Virginia. Trường không cấp học bổng nên bố mẹ phải chu cấp cho An mỗi năm khoảng 45.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) để con trai theo đuổi đam mê.
“Ba phải làm công việc ba không thích để kiếm đủ tiền cho con đi học, để sau này con có thể làm được công việc mà con thích”, câu nói của bố theo An từ Việt Nam sang Mỹ, là động lực để chàng trai trẻ cố gắng học tập.
Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, kết quả học của An không được như mong muốn. Như nhiều du học sinh khác, nam sinh gặp rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Để thích nghi, An chủ động giao tiếp và kết bạn với người bản xứ, luyện kỹ năng nghe nói và ứng xử. Với việc học, An lập kế hoạch chi tiết thời gian học tập ở từng môn, thời gian nghiên cứu, luyện tập. Nam sinh cũng nhận ra dù chỉ thuộc diện “khá” ở Việt Nam nhưng nền tảng về các môn khoa học tự nhiên là điểm mạnh của em so với nhiều sinh viên khác. Cùng với niềm đam mê lĩnh vực cơ khí và tập trung cao độ vào việc học, từ năm thứ hai, dù có nhiều môn chuyên ngành khó, việc học của An trở nên dễ dàng hơn. Tháng 5/2021, An nhận bằng cử nhân Khoa học Kỹ thuật Cơ khí, chuyên ngành Cơ khí ôtô với điểm GPA 3.62/4.0, nằm trong top 10% sinh viên điểm cao của trường.
Trong thời gian học, để làm quen với thị trường lao động Mỹ, An ứng tuyển và trúng vị trí thực tập sinh thiết kế bảng vẽ 2D tại một công ty về điện khi đang học năm thứ hai. Năm tiếp theo, An nộp đơn ứng tuyển thực tập đến gần 50 công ty và được nhận làm thực tập sinh ở hãng xe Volvo Trucks khu vực Bắc Mỹ trong vai trò kỹ sư bán hàng.
An nhớ lại, mỗi tuần công ty này nhận khoảng 10.000 đơn đặt hàng sản xuất xe ôtô tải, xe đầu kéo theo yêu cầu của khách nên thường xuyên trong tình trạng quá tải, xử lý đơn hàng chậm trễ. Sau một tháng làm việc, An đề nghị giúp công ty tìm ra một công thức xử lý hệ thống đơn hàng theo mức độ ưu tiên nhằm tăng độ hài lòng của các đối tác lớn. Việc này giúp An nhận được lời mời làm việc toàn thời gian sau khi tốt nghiệp.
“Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm sau đó khiến việc kinh doanh công ty đình trệ và không thể thuê thêm người mới”, An nói, sau đó anh đã nộp hồ sơ tới hơn 30 công ty khác.
Tháng 3/2021, chàng trai nhận được lời mời làm việc chính thức từ Framatome, công ty kinh doanh lò phản ứng hạt nhân của Pháp có chi nhánh tại Mỹ và gia nhập vào tháng 7 cùng năm. Công việc của An là kỹ sư xây dựng, thiết kế và tính toán độ bền kết cấu của các nhà máy năng lượng hạt nhân. Dù vậy, làm việc được chừng nửa năm, An thấy mình “không hợp lắm” vì công việc có phần khô khan, phải làm toán cả ngày. Đúng lúc này, một người bạn trong công ty rủ An về làm chung vì nhóm đang thiếu người.
Tháng 2/2022, An trở thành kỹ sư bậc 1, chuyên thiết kế robot để kiểm tra các thông số trong lò phản ứng hạt nhân. Kỹ sư người Việt chủ yếu đảm nhận phần cơ khí (hình dạng, kết cấu) robot. Khi thiết kế robot có khả năng bơi dưới nước để kiểm tra các thông số trong lò phản ứng hạt nhân, An phải đảm bảo mọi chi tiết cực kỳ chắc chắn, không được rơi bất kỳ con ốc, bộ phận nào. Đồng thời, robot phải có khả năng làm việc nhanh để tránh người điều khiển robot ở quá lâu trong khu vực lò phản ứng, dễ nhiễm chất bức xạ. Chàng trai cũng phải tính toán để robot tiếp cận được ở những góc rất hẹp nhưng phải dễ điều khiển nhất. Để đảm bảo robot đạt tiêu chuẩn, An thường xuyên trau dồi thêm kiến thức về lập trình và điện. “Nếu không có kiến thức về điện, em làm sai phần kết cấu robot thì khi kỹ sư khác đi đường điện gắn chip sẽ khó gắn bảo trì”, An lý giải.
An cho hay, có những con robot cần cả năm để phát triển. Việc thiết kế robot tùy thuộc vào yêu cầu công việc của nhà máy hạt nhân. Khi có đề bài, kỹ sư trẻ thường dành thời gian lên ý tưởng và triển khai.
“Khi làm việc, em thấy mình như đang chơi. Mỗi lần làm ra con robot rồi thấy nó chạy, em cười hớn hở như thấy con mình đang chạy”, An ví von. Thông thường, An chỉ cần dùng nửa ngân sách theo quy định để thiết kế xong một robot đạt yêu cầu. Sau 9 tháng làm việc, chàng trai trẻ hai lần được tăng lương và thưởng. An hiện nhận lương khoảng 110.000 USD (hơn 2,7 tỷ đồng) một năm và được công ty tài trợ thẻ xanh EB-3 để ở lại Mỹ làm việc trong 10 năm tới.
Ngày biết con trai tìm được công việc tốt và đúng sở thích tại Mỹ, bố của em đã khóc. Sau khi ổn định công việc, tháng 5 vừa qua, An đặt vé máy bay mời bố mẹ qua Mỹ chơi. “Bố mẹ muốn gì, em cũng mua hết. Bố em thích đồng hồ, em mua mấy cái luôn”, An chia sẻ.
Theo An, người nước ngoài như em gặp nhiều bất lợi khi tìm việc tại Mỹ vì môi trường cạnh tranh. An từng rải đơn xin việc nhiều nơi và cũng thường xuyên bị từ chối, nhưng niềm đam mê giúp An kiên trì theo đuổi mục tiêu. An nhìn nhận để trở nên nổi bật, ứng viên người nước ngoài phải giỏi chuyên môn bằng hoặc hơn người bản địa.
“Nhiều người đi làm chỉ muốn xong việc là về. Nhưng em nghĩ khác. Em đam mê thiết kế và muốn sản phẩm phải hoàn hảo, tốt, bền, dễ sử dụng và bảo trì nên em dành rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, vì tập trung cao độ nên hiệu suất làm việc của em rất cao. Em nghĩ nhờ vậy mà em nổi bật hơn các kỹ sư trẻ khác”, An chia sẻ.
Chàng trai 25 tuổi nói sẽ làm thật tốt công việc hiện tại để được chịu trách nhiệm các dự án lớn hơn. An đặt mục tiêu đạt mức lương gần gấp đôi hiện tại và lấy bằng thạc sĩ trong vòng 6 năm tới.
Trong thư giới thiệu về An gửi tới Đại học Bách khoa California (California Polytechnic State University, Pomona), tiến sĩ S. Christian Mariger – người từng dạy An môn Động cơ và Hệ thống truyền động ở Đại học Virginia Tech, đánh giá An cần cù, thông minh, nhạy bén trong học tập và có khả năng lãnh đạo bẩm sinh.
“Bên cạnh sự ham học hỏi, An là người nói được, làm được, có tính kỷ luật cao để thành công với mọi mục tiêu đề ra”, ông viết.