Chàng trai du học Anh 4 năm về Việt Nam vẫn thất nghiệp
Tưởng đi du học về sẽ tìm được một công việc lý tưởng với mức lương cao chót vót, nào ngờ nhiều du học sinh ngậm đắng nuốt cay vì xin việc quá khó.
Áp lực việc làm đối với một du học sinh về nước là vô cùng lớn, lớn hơn nhiều so với những bạn sinh viên tốt nghiệp trong nước. Chưa kể trong thời buổi 4.0 hiện nay, những bạn sinh viên trong nước còn dễ dàng tiếp cận với kiến thức và kinh nghiệm phương Tây mà không cần phải tốn chi phí như du học sinh. Vậy lợi thế của du học sinh là gì? Là cái mác hay có gì hơn?
Chỉ mới cách đây vài giờ, trên một group của hội du học sinh ở Anh Quốc, một bạn gái đã tâm sự câu chuyện thất nghiệp của anh trai mình và ngay lập tức nhận được rất nhiều lời khuyên:
Anh trai mình cũng đi du học ở Anh 4 năm (3 năm undergrad + 1 năm masters). Undergrad là Bsc Accounting and Finance (Uni Reading), grad là Msc Finance (Uni of Bath). Bằng 2:1, có kinh nghiệm làm từ thiện ở oxfam và 1 internship ở uni. Tốt nghiệp từ hồi hè năm trước và về nước.
… tới bây giờ anh mình vẫn thất nghiệp. Kiếm việc miệt mài, về VN còn đi học thêm tiếng Nhật nhưng vẫn không xin được việc, kể cả internship. Cứ được gọi phỏng vấn xong là rớt. Càng ngày thấy ổng càng chán nản, thất vọng và gầy đi rất nhiều so với hồi 2 anh em còn ở Anh. Đỉnh điểm là ảnh vừa chia tay người yêu. Chị người yêu xin được việc ở cty lớn nên vô cùng bận, cuối tuần thì chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi cùng gia đình nên 2 người ngày càng xa nhau và cuối cùng thì chia tay.
Mình thấy anh dạo này có vẻ có dấu hiệu trầm cảm, thường nói nhảm, nói một mình. Tuần trước đi phỏng vấn với công ty nào ấy mà bị người ta bảo em còn non kém và hơi hiền, bị từ chối, ảnh về nhà lăn đùng ra giường khóc tu tu như đứa con nít. Ba mẹ mình rất lo và buồn vì ảnh là con trai duy nhất trong nhà.
Mình cũng không hiểu tại sao không xin được việc, chắc do phỏng vấn trả lời không tốt hay thế nào… Ảnh apply mấy job liên quan tới finance, và còn cả mấy job không liên quan ví dụ như HR hay admin, nhưng cũng không có kết quả. Người ta nhìn CV thấy đẹp gọi tới phỏng vấn rồi sau đó trượt, cứ vậy lặp lại hoài. Nộp các công ty từ lớn, trung bình tới nhỏ vẫn rớt.
Từ bé tới giờ 2 anh em mình sống chung với nhau và vô cùng gần gũi nhau, mình chưa bao giờ thấy anh như vậy cả. Anh là người vui vẻ, hài hước và lạc quan, nhưng có lẽ do thất nghiệp lâu quá nên cảm thấy không còn vui như trước.
Có anh chị hay bạn nào đã trải qua hay biết ai đã trải qua khó khăn như vậy chưa? Và nên làm thế nào đây? Giúp mình với…
Nguyên văn tâm sự của cô em gái
Tâm sự vừa đăng lên đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của cộng đồng du học sinh Anh. Phần lớn đều khuyên anh chàng nên đi khám bệnh, đi chơi, và quan trọng nhất là nên hạ thấp kỳ vọng của mình xuống, đừng đòi hỏi mức lương quá cao. Viethome xin trích đăng những bình luận có ích nhất:
Một bạn nói: ”Theo mình vì chưa có kinh nghiệm thực tế, chỉ có các kiến thức academic. Chắc ở bên này lâu, không va chạm với xã hội Việt Nam nên về khó xin việc. Có thể làm được việc nhưng vòng phỏng vấn quyết định first impression. Anyway, không nên đặt kì vọng công việc quá cao, cứ bước đầu là tìm được việc đã. Uh nhưng tóm lại là vẫn nên tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm lý vì không nên coi nhẹ các dấu hiệu trên. Nói nhảm một mình là nặng rồi đó, mất ngủ lâu không chữa trị là nguy hiểm”.
Một bạn khác khuyên: “Xem lại hồ sơ xin việc và cách trả lời câu hỏi phỏng vấn. “Non kém” là nhận xét mà thường nhà tuyển dụng ít khi dùng vì nó hơi aggressive. Thường họ dùng là thiếu kinh nghiệm, hoặc chưa phù hợp với công việc. Chị nghĩ anh em nên xem lại cách trả lời phỏng vấn của mình. Anh em nên nhờ những người bạn, hoặc đàn anh đàn chị của mình interview thử rồi họ feedback lại cho. Biết vấn đề ở đâu rồi sửa. Good luck nhé ”.
Một thành viên thắc mắc: ”Không biết anh bạn deal lương ra sao, nhiều khi họ thấy du học đòi lương cao mà kinh nghiệm chưa nhiều họ đánh rớt đó. Mình nghĩ trong năm đầu đi làm thì xin kiểu internship cọ xát vài tháng hoặc chấp nhận lương thấp tí để quen dần, cải thiện thêm thu nhập bằng cách dạy tiếng Anh chẳng hạn. Phải dẹp tự ti để hỏi han người này người kia để họ có thông tin job gì hay họ cho mình biết (networking ấy). Rải nhiều hồ sơ vào”.
Một lời khuyên chân thành khác: ”Có thể là do anh em đã kì vọng quá nhiều ở bản thân và đòi lương cao hơn mặt bằng chung chăng? Bằng du học sinh cũng chỉ thuận lợi hơn các bạn trong nước một chút thôi. Tiếng Anh bây giờ chả cần đi du học vẫn đầy người giỏi nên cũng ko phải lợi thế gì quá khác biệt. Về bắt đầu từ đầu cũng nên khiêm nhường chút. Vấn đề tâm lý thì nan giải hơn vì do tự gây áp lực lên bản thân mình, cộng với việc so sánh mình với người khác. Nếu còn so sánh thì còn khổ thôi. Người tâm lý yếu dễ trầm cảm, hoang tưởng. Thực tế chị đã gặp tình huống 1 người bạn, cũng đi học master Anh về, không xin được việc ưng ý, mẹ bạn đó nói ra nói vào là tốn tiền du học về mà giờ không xin được việc nên bạn đó phát bệnh tâm thần đó em ạ. Và giờ không còn bình thường được như xưa nữa”.
Một bạn khác khuyên: ”Theo mình khi trả lời phỏng vấn mà quá thật thì cũng rất dễ trượt. Mình từng làm HR tuyển dụng, thường thì đúng là mình nên thật thà nhưng có thể làm đẹp thêm kinh nghiệm mình từng có; có những kinh nghiệm mình tưởng nhỏ nhưng nếu biết cách truyền đạt khi phỏng vấn thì đều được ghi nhận. Dù hiền nhưng có thể học để trở nên tự tin. Anh bạn nên tìm người để trò chuyện, tâm lý cả thôi còn bằng cấp thế là thoải mái rồi”.
Một lời khuyên có lý: ”Có một thực trạng chung là 80-90% những người đi du học về khó xin việc tại Việt Nam. Lý do duy nhất: Nhà tuyển dụng và ứng viên không thỏa mãn nhau. Nhà tuyển dụng thấy CV đẹp nhưng khi phỏng vấn năng lực và kỹ năng không đáp ứng nhiều. Ứng viên thường lựa chọn apply vào các công ty top, sau khi trượt sẽ giảm bớt chỉ tiêu xuống các công cty nhỏ và thấy nản. Tại sao không làm ngược lại? theo cá nhân mình, anh bạn nên nghỉ ngơi trước. Đầu óc có thoải mái thì mới có giải pháp. Chúng ta làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc. Tự làm kinh doanh cũng được đâu nhất thiết đi làm thuê”.
Một bạn cho biết: ”Mình cũng du học châu Âu và nhận ra đa số du học sinh châu âu rất hiền và thiếu kinh nghiệm, thua xa ứng viên Việt Nam. Mình thì nghĩ có 2-3 phương án. 1 là có thể thử các tổ chức phi chính phủ trước công ty. 2 là tự học thêm kĩ năng cứmg và mềm, ĐẶC BIỆT LÀ MỀM vì du học sinh Âu vô cùng thiếu kĩ năng mềm, nhất là ở môi trường Việt Nam, học thêm tiếng có thể để tạm sau. 3 là đừng bảo cố gắng quá dễ áp lực nhưng cũng đừng bảo nghỉ ngơi đi dễ tự ti, nói chung là nó nhạy cảm lắm nói gì cũng dễ làm anh ý không ổn về tâm lí nên tuỳ trường hợp ứng xử khéo chút ạ”.
Một bạn khuyên: ”Chị nghĩ vấn đề là kỹ năng mềm và kỹ năng trả lời phỏng vấn của anh em có vấn đề nên mới trượt từ cty lớn đến công ty nhỏ, không liên quan đến academic background. Em lại nói anh em quá lành thì khả năng là các cty thấy anh em không nhanh nhẹn và sắc sảo. Kinh nghiệm làm từ thiện oxfarm và intern có thể ko phải là real job nên anh em vẫn coi như fresh graduate thôi. Cái này phải từ từ thay đổi. Trong ngắn hạn thì gia đình nên thấy tính cách anh hợp việc gì thì đi xin việc đó, ví dụ giảng dạy hoặc nghiên cứu hoặc việc văn phòng đơn giản. Nếu quen thân ai làm doanh nghiệp thì xin cho anh vào intern 1 thời gian để họ kèm cặp và nắm được thế mạnh của anh, từ đó mới có hướng đi mới”.
Một lời khuyên hữu ích khác: ”Ai về đa phần cũng bị vậy thôi bạn. Cuộc đời thật rất khác. Cái bằng dù giỏi cũng chỉ là vài dòng chữ. Lời khuyên của mình là luôn dành 2/3 tgian làm bất kỳ công việc j có thể làm. 1/3 để liên tục đi kiếm 1 cv mới tốt hơn và phù hợp hơn. Và tìm việc đừng apply những chỗ viển vông, nên tinh ý những nơi thực cần. Và anh bạn có thể hiện là mình được việc thì sẽ ok thôi. Chúc vui.”
Lại có người khuyên bạn quay trở lại Anh để làm nail hoặc chạy Grab… nhưng dĩ nhiên đó không phải là điều một du học sinh muốn khi mà họ đã lựa chọn về Việt Nam để phát triển sự nghiệp.