Châu Âu vẫn căng thẳng vì người nhập cư

Châu Âu đang chứng kiến một nghịch lý, trong khi lượng người di cư tới khu vực này giảm tới hai phần ba so với mức đỉnh điểm năm 2015 thì những chia rẽ và bất hòa của các nước EU về vấn đề người di cư lại không giảm mà còn bùng lên mạnh mẽ.

Giọt nước tràn ly

Một chuyến tàu xuyên quốc gia chạy từ Ý dừng lại ở nhà ga nằm trong lãnh thổ Pháp, cách biên giới khoảng một dặm. Tại đây, cảnh sát Pháp lên tàu, kiểm tra, mời những người di cư không giấy tờ xuống. Tất cả được chở bằng ô tô, qua những con đường đồi núi, ngược trở lại Ý. Những người bị từ chối vào Pháp thường phải đi bộ 5 dặm về thị trấn Ventimiglia (Ý), nơi họ lại tìm cách bắt tàu sang Pháp.

“Tôi đã nghĩ về việc sẽ trốn ở đâu trên tàu lần tới”, Mohammed Yaugoub Ali, 19 tuổi, từ Sudan nói với Washington Post.

Tình trạng trên vẫn đang diễn ra ngày này qua ngày khác ở vùng biên giới giữa Pháp và Ý trong suốt ba năm qua, cho thấy những căng thẳng về vấn đề người di cư ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù năm nay tỷ lệ người di cư sang châu Âu đã giảm mạnh.

Theo New York Times, nếu năm 2015 có 850.000 người tị nạn đến Hy Lạp để tiếp tục tìm đường đến các nước Bắc Âu thì năm nay con số này còn 13.000 người. Tương tự, tại Ý năm nay có 17.000 người so với 150.000 người vào năm 2015. Trong năm 2016, trung bình mỗi tháng có 62.000 người tìm cách xin tị nạn ở Đức thì năm nay chỉ còn hơn 15.000 người, mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Hy Lạp và Ý là các nước thuộc “tuyến đầu”, tức là nơi mà người tị nạn vượt Địa Trung Hải cập bến đầu tiên, sau đó mới tìm cách đi tiếp. Năm 2015, trong số một triệu người di cư tới châu Âu thì có khoảng 854.000 người tới Hy Lạp và 146.000 người tới Ý.

Các nước EU trong suốt thời gian qua vẫn chia rẽ về trách nhiệm tiếp nhận những người di cư. Trong khi một số nước đồng ý thì một số nước khác đóng cửa biên giới, coi họ là mối đe dọa an ninh và gánh nặng cho nền kinh tế.

Ngọn lửa bất đồng vẫn âm ỉ cháy suốt ba năm qua và lại được thổi bùng lên gần đây sau khi Pháp và Ý chỉ trích lẫn nhau về vụ tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp trên tàu cứu hộ Aquarius cách đây ít lâu.

Con tàu của một tổ chức phi lợi nhuận đã cứu 629 người di cư trái phép tại vùng biển Địa Trung Hải, trên đó có 7 phụ nữ mang thai và 123 trẻ em không có người thân đi cùng. Tuy nhiên, Ý và Malta đã từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này.

Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini còn tuyên bố đóng cửa suốt mùa hè đối với tàu của các tổ chức phi chính phủ hoạt động cứu hộ người di cư từ châu Phi sang châu Âu trên biển Địa Trung Hải.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cáo buộc Ý là “vô trách nhiệm”. Quan điểm của ông là trên cơ sở nguyên tắc và giá trị của châu Âu, Pháp ủng hộ việc tiếp nhận những người trốn chạy khỏi áp bức. Tuy nhiên, ông Macron lại có lập trường cứng rắn đối với những người di cư để tìm kiếm cơ hội kinh tế. Ông cũng chống lại việc tái định cư những người đã có cơ hội xin tị nạn tại các nước khác ở châu Âu song vẫn đứng núi này trông núi nọ.

Về phần mình Ý cho rằng ông Macron là “đạo đức giả” vì đã đẩy những người tị nạn trở lại Ventimiglia (Ý).

“Ông Macron đã hoàn toàn đóng cửa biên giới của mình”, Andrea Spinosi, một quan chức đảng cực hữu League ở Ventimiglia, đối tác trong liên minh mới của Ý đang dẫn đầu phong trào dân túy, nói. “Tất cả những người di cư này đều muốn đến Pháp. Vậy mà họ nói chúng chúng tôi là những người phân biệt chủng tộc”.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cảnh báo, châu Âu sẽ bước vào viễn cảnh đen tối tương tự cuộc khủng hoảng 2015 nếu không tìm được tiếng nói chung về vấn đề người di cư.

Quá sớm để nói về thành công

Trong không khí căng thẳng đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp cuối tuần trước tại Brussels để giải quyết vấn đề mà Thủ tướng Đức Angela Merkel cho là sẽ “quyết định số phận của châu Âu”.

Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thẳng thừng cho biết nước này sẽ phủ quyết “tuyên bố về di cư”, nếu các nước thành viên không có những hành động cụ thể giúp Ý đối phó với vấn nạn này.

Sau 10 tiếng hội đàm căng thẳng, các nước cuối cùng đã nhất trí những điều khoản về tình nguyện tiếp nhận người di cư, lập các trung tâm kiểm soát người tị nạn chung và hạn chế sự di chuyển của người di cư bên trong khối. EU cam kết sẽ sát cánh với Ý và các nước tuyến đầu khác trong hành động ngăn chặn việc đưa người di cư khỏi Libya qua vùng trung tâm Địa Trung Hải. EU cũng sẽ hỗ trợ tài chính cho Tây Ban Nha, Morocco để ngăn chặn tình trạng người di cư đổ về từ phía tây Địa Trung Hải.

Trong khi đó, mỗi ngày, dọc theo con đường núi quanh co ở khu vực biên giới, những người di cư như David Omoh, sau khi bị Pháp trả về, lại đi bộ tới thị trấn Ventimiglia (Ý), mang theo chiếc ba lô nặng.

Ở Ventimiglia, người di cư đôi khi ngủ ở bên ngoài ga xe lửa, hay trên cầu vượt đường cao tốc. Tại đây cũng có một trại chính thức của Hội Chữ thập đỏ, nhưng nó nằm cách xa trung tâm và nhiều người di cư không muốn. Những tháng gần đây, cảnh sát nhiều lần buộc những người di cư phải dọn dẹp chỗ ở tạm, nhưng chỉ vài giờ sau, đâu lại vào đấy.

“Chúng tôi còn trẻ và cần làm việc”, David Omoh, 22 tuổi, người Nigeria nói. Anh đã có giấy phép lao động ở Ý nhưng không thể tìm được việc làm. Omoh cho hay anh đã 3 lần cố gắng nhập cư vào Pháp, nhưng không thành công. Nước Pháp, sau khi phải hứng chịu các vụ tấn công khủng bố, hiện đang áp dụng các chính sách siết chặt đối với người di cư. Năm ngoái, Pháp tiếp nhận 14% trong tổng số 200.000 đơn xin tị nạn mới của EU.

Thị trưởng vùng Menton, ông Jean-Claude Guibal, cho biết ngay cả khi người di cư không được phép nhập cảnh thì sự hiện diện của họ cũng tạo ra những tâm lý căng thẳng.

“Pháp, giống như nhiều quốc gia ở châu Âu, có nền văn hóa Thiên chúa giáo. Trong khi các nước phía nam Địa Trung Hải có nền văn hóa Hồi giáo. Pháp đặc biệt nhạy cảm trong việc bảo vệ tính đồng nhất”, ông giải thích.

Tổng thống Pháp Macron cho rằng các nhà lãnh đạo của châu Âu tự do cần phải chấp nhận thực tế là lục địa này “không thể chào đón tất cả mọi người”.

“Tôi muốn nước Pháp và sự gắn kết quốc gia vẫn còn nguyên vẹn”, ông nói.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk mặc dù vui mừng vì các nước đã đạt được thỏa thuận về người di cư, song cảnh báo khó khăn vẫn đang ở phía trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thừa nhận, bất đồng sâu sắc giữa các nước vẫn đang tồn tại và “còn nhiều việc phải làm để khắc phục điều đó”.