Chỉ ăn rau quả để giảm cân, chữa bệnh… sẽ tốt cho sức khỏe, thật không?
Ăn thô (chỉ ăn rau quả, bỏ thức ăn qua chế biến) đang là lựa chọn của rất nhiều người mong muốn được giảm cân nhanh hay “chữa lành cơ thể”. Dù là phương pháp lành mạnh, có lợi cho sức khỏe nhưng bác sĩ không khuyến khích ăn thô hoàn toàn, vì sao?
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn thô hoàn toàn, cần cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau – Ảnh: BÌNH NGHI
Thời gian gần đây nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội về việc thực hiện chế độ ăn thô sẽ giúp giảm cân, chữa lành cơ thể… Họ cho rằng nấu ăn sẽ phá hủy các enzyme và chất dinh dưỡng tự nhiên của thực phẩm.
Trước trào lưu vẫn “hot” theo thời gian, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM) – cho biết ăn thô nghĩa là ăn thức ăn không qua chế biến và thực phẩm chủ yếu từ nguồn thực vật (chủ yếu ăn rau quả), hạn chế tối đa ăn động vật.
Có một số người chọn ăn thô từ nguồn động vật nhưng ăn sống (cá sống, trứng sống…).
Vậy ăn thô có thật sự giảm cân, tốt cho sức khỏe? Bác sĩ Minh Hạnh phân tích, ăn thô là tốt khi những dưỡng chất có trong thực phẩm giữ được nguyên vẹn, đặc biệt là những vitamin tan trong nước và khi đun ở nhiệt độ cao như vitamin B, vitamin C.
Đồng thời ăn thô sẽ giúp nhanh giảm cân vì chỉ ăn thực vật nên hạn chế được những thực phẩm chế biến sẵn vốn thường chứa nhiều đường, muối, chất béo…
Tuy nhiên với những loại vitamin E, D, hay chất Beta carotene (chất chống oxy hóa có trong cà chua hay những thực phẩm có màu cam, đỏ) chỉ hoạt động tốt khi được nấu lên, người ăn thô có thể không dung nạp được những loại vitamin này.
Bên cạnh đó, người ăn thô thường không thu nạp nhiều năng lượng từ đường, động vật và mỡ động vật nên dù được giảm cân nhưng lại thiếu chất, đặc biệt là chất đạm từ động vật, vitamin B12, canxi và các vi khoáng chất. Do đó, người ăn thô sẽ có khối lượng xương thấp và dễ bị loãng xương hơn so với người ăn đầy đủ.
Đặc biệt điều cần chú ý nhất là an toàn thực phẩm. Thức ăn khi qua chế biến, được nấu ở nhiệt độ cao sẽ giảm được độc tố cũng như vi sinh vật bám trên bề mặt thực phẩm. Còn với ăn thô, không qua chế biến thì rất khó đảm bảo điều này nếu chọn phải thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không được rửa sạch.
Bác sĩ Minh Hạnh khuyến khích người dân không nên ăn thô hoàn toàn, mà phải tùy trường hợp và cách thức thực hiện. Những nhóm người đặc biệt như phụ nữ mang thai, người già, trẻ em, trẻ đang trong độ tuổi tăng trưởng… thì không nên ăn theo chế độ này.
“Ăn thô có lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ăn hoàn toàn tất cả các thực phẩm, mà nên chọn lựa một số thực phẩm có thể ăn thô và bổ sung thêm một số thực phẩm khác để bữa ăn đa dạng và cân đối hơn, từ đó giúp cơ thể đủ chất, khỏe mạnh, năng động, hoạt động tốt hơn, chứ không phải giảm cân nhưng mệt mỏi, thiếu sức sống…”, bác sĩ Minh Hạnh khuyến cáo.
(Tuổi Trẻ)