Chia tay vợ Việt đã 8 năm, chồng Đức “gà trống nuôi 2 con”, học nấu hơn 50 món VN để con ghi nhớ quê mẹ

Những ngày đầu trở thành bố đơn thân đối với người đàn ông Đức này thật không dễ dàng. Ông đã học nấu các món ăn Việt để chiêu đãi các con, đồng thời tìm hiểu văn hóa Việt để nhắc con ghi nhớ cội nguồn quê mẹ.

Sau khi kết thúc một cuộc hôn nhân, người trong cuộc thường sẽ có tâm lý không muốn liên quan hay nhắc nhớ gì đến người cũ. Bởi dù ai đúng ai sai, dù ly hôn vì lý do gì thì đa phần đều không còn thiện cảm với nhau như lúc ban đầu.

Sở dĩ tôi dùng từ “đa phần” vì đâu đó trong xã hội hiện đại ngày nay, vẫn có những cặp đôi “gãy gánh” nhưng vẫn cư xử rất tích cực. Có thể bản thân họ thuộc tuýp người văn minh, xuề xòa, dễ chịu, hoặc là họ sống vì con cái… Chẳng hạn như câu chuyện về người đàn ông Đức “gà trống nuôi con” rất yêu quê hương vợ cũ mà tôi vừa đọc trên Thanh Niên sáng nay.

hình ảnh

Ông Jens Berhausen (Ảnh: Thanh Niên)

Người đàn ông ấy có tên là Jens Berhausen (48 tuổi, ở TP. Mainz thuộc nước Đức, là kỹ sư trong lĩnh vực cơ khí). Theo Thanh Niên đăng tải thì năm 2009, ông Jens có dịp đến Việt Nam và vô cùng ấn tượng khi được trải nghiệm nhiều phong cách ẩm thực độc đáo. Được biết trước đó vào năm 2000, ông gặp một cô gái Việt Nam tại Đức rồi cả hai quyết định “về chung nhà”. Người đàn ông Đức được vợ Việt nấu cho ăn nhiều món Việt nhưng phải 9 năm sau ông mới khám phá nhiều hơn về ẩm thực của quê hương vợ.

Ông Jens kể rằng ông và vợ từng có khoảng thời gian sống hạnh phúc cùng nhau, sinh được 2 người con hiện 20 tuổi và 13 tuổi. Tiếc là vào năm 2015, họ không còn tìm thấy tiếng nói chung nên quyết định chia tay. Những ngày đầu trở thành bố đơn thân đối với người đàn ông Đức này thật không dễ dàng. Chỉ khi các con đã lớn thì mọi việc đối với ông mới trở nên trơn tru, nhẹ nhàng dần đi.

Tuy ở đất nước Đức nhưng ông Jens thường xuyên tự vào bếp nấu nhiều món ngon truyền thống của Việt Nam cho các con thưởng thức. Bởi ngoài tình yêu ẩm thực Việt, ông còn muốn các con ghi nhớ, gắn kết với văn hóa, cội nguồn quê hương mẹ. “Từ khi hai vợ chồng chia tay, tôi đã tìm tòi học nấu các món ăn Việt để có thể thường xuyên “chiêu đãi” các con những món mà mẹ chúng vẫn thường nấu. Tôi cũng bắt đầu tìm hiểu về văn hóa Việt để chia sẻ với các con. Tôi muốn chúng tiếp tục được kế thừa, am hiểu về cội nguồn của mình”, ông Jens chia sẻ.

hình ảnh

(Ảnh: Thanh Niên)

Hiện tại, ông bố đơn thân này có thể nấu được hơn 50 món ăn Việt khác nhau ở các vùng miền khác nhau. Trong đó, ông tự tin nhất với món phở gà, phở bò, bún cá Hà Nội… Để biết cách sử dụng nguyên liệu và gia vị Việt, ông đã tự học tiếng Việt thông qua sách vở, Youtube, bạn bè người Việt… Nhờ đó trau dồi vốn ngoại ngữ cần thiết, dễ bề tra cứu, tham khảo trên mạng.

Ông Jens cảm thấy rất vui mỗi khi chia sẻ món ăn lên mạng xã hội và được mọi người tấm tắc khen ngợi, đón nhận. Người bố đơn thân cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại bên các con và cho biết tương lai sẽ đưa các con về Việt Nam thăm thú. Có lẽ xuất phát từ tình thương to lớn của một người cha dành cho con cái cộng với sự yêu mến đất nước Việt Nam mà ông Jens đã làm được những điều tích cực dẫu cho hạnh phúc với vợ không còn nữa.

hình ảnh

Bữa ăn thịnh soạn toàn những món ngon Việt Nam của ông Jens khiến các con rất thích (Ảnh: Thanh Niên)

Người ta chia tay xong thường sẽ nghĩ xấu, nói xấu về nhau, đôi khi là tranh chấp tài sản, con cái… nhưng cũng có những người lớn muốn để quá khứ được ngủ yên, tập trung nuôi dạy con cái lớn khôn thành tài và nhắc nhở các con không quên về cội nguồn cha mẹ… Theo tôi, đó cũng là điều nên làm.

Nói về chuyện đối xử văn minh với người cũ và với con cái hậu đổ vỡ, tôi từng đọc được trên Zingnews câu chuyện rất thú vị. Cụ thể, con gái của một người phụ nữ đã đăng tải video quay lại cảnh mẹ mình cùng bố ruột mình và bố dượng “sum họp” hết sức thân tình.

Trong video, hai người chồng bận rộn nấu nướng trong bếp. Trong khi một người đứng bếp nấu thì người kia ở cạnh phụ nhặt rau, thái rau. Hai anh vừa làm vừa tíu tít trò chuyện, thân thiết vô cùng. Mâm cơm vừa nấu xong cũng là lúc người vợ từ phòng ngủ bước ra phòng khách, thoải mái ngồi xuống bàn đợi cơm. Cô con gái là người quay clip, có lẽ đã quá quen thuộc với những tình huống như thế này nên cười đùa vui vẻ với mẹ: “Đã tới lúc gọi hai ông chồng của mẹ ra ăn tối rồi đấy mẹ ơi”. 

hình ảnh

Chồng cũ và chồng mới cùng vào bếp nấu cơm, hai anh rất thân nhau (Ảnh: SCMP)

Thế là hai người đàn ông đi ra ngồi xuống cạnh nhau, mâm cơm bắt đầu trong không khí vô cùng ấm cúng, bốn người vừa ăn vừa trò chuyện. Tôi không thấy bài viết đề cập ngọn nguồn của cuộc hôn nhân này như thế nào, chỉ biết là hiện tại chồng cũ của người phụ nữ cũng đã có gia đình mới hạnh phúc.

Thật lạ lùng mà cũng thật nể phải không mọi người, dù đã ly hôn nhưng đôi vợ chồng vẫn giữ quan hệ tốt đẹp, chồng mới và chồng cũ xem nhau như bạn thân, con cái không mất đi tình thương mà còn nhận thêm nữa là đằng khác.