Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Một trận tao ngộ chiến khốc liệt của quân tình nguyện Việt Nam
Đội quân kia cũng nhìn sang bên này, bỗng giật mình tháo súng. Địch rồi! Nhanh hơn một khoảnh khắc, khẩu M.79 của anh Sơn, b trưởng trinh sát đã kéo “póc”, oành một trái phủ đầu.
LTS: Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.
Bài 14: Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Một trận tao ngộ chiến khốc liệt của quân tình nguyện Việt Nam
Từ màn “chào hỏi” của lính Pol Pot…
Cách đây bốn mươi năm có lẻ mấy tháng, vào khoảng tháng 4, tháng 5 năm 1982, Trung đoàn 2 chúng tôi đóng quân ở S’toung.
Thời gian đó ban Hậu cần Sư đoàn 9 có một kho đạn nằm ngay cạnh thị trấn, trong một cái chùaphía sau lưng trung đoàn bộ. Gần như để phủ đầu, mới đến ngày thứ 3 dừng chân, tụi lính Kh’mer Đỏ tập kích ngay.
Lời chào hỏi quá giản dị, chừng 6 trái M.79 với vài băng đạn nhọn léc chéc xỉa vào rồi câm bặt. Ta không bắn lại một phát nào. Duy nhất có một lần như thế rồi im luôn, như thể gây tiếng nổ chỉ để cảnh báo rằng có quân đội Pol Pot đang ở đây. Đó hẳn là bọn địch trong dân.
Nhưng đêm đêm, và cả ban ngày nữa ở phía núi Hồng, hướng tây bắc đội hình đứng chân của trung đoàn, tiếng pháo, tiếng hoả lực vọng lại vẫn rền rền. Do lực lượng quá mỏng, Bộ tư lệnh 719 lúc đó chỉ đủ sức bám giữ, đánh địch quanh địa bàn tỉnh Siêm Riệp.
Ở Kampong Thom chỉ có các đội công tác và đoàn chuyên gia quân sự của tỉnh Tiền Giang. Địa bàn này vốn là căn cứ chính của Pol Pot với lực lượng địch khá mạnh. Chúng ngang nhiên đi lại trên lộ số 6 giữa ban ngày và lập hẳn một căn cứ giang thuyền để kiểm soát toàn bộ khu vực bãi biển Hồ.
“Nhiệm vụ của Sư đoàn 9 lúc này là phải phá tan căn cứ giang thuyền, đẩy địch lên vùng núi cách càng xa lộ 6 càng tốt. Đồng thời giúp bạn củng cố chính quyền xã ấp, trừng trị địch lũng đoạn ở hai huyện Chi K’reng (Siêm Riệp) và huyện S’toung (KP Thom).
Pôn Pốt đã cử tên Un Ươn, một tên trùm gián điệp đứng đầu để nắm dân, kích động dân chống lại bộ đội tình nguyện Việt Nam…” (trích lịch sử Sư đoàn 9).
Vừa kịp dựng xong lán trại, hầm hào tại vị trí đứng chân mới, tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 được lệnh hành quân lung sục bao vây căn cứ giang thuyền Biển Hồ – cái căn cứ mà trung đoàn 3 cùng Sở chỉ huy nhẹ sư đoàn 9 sang trước nhưng phải huỷ kế hoạch tấn công do bị lộ vì có gián điệp trong dân báo cho địch.
Nhận lệnh, tiểu đoàn 4 lặng lẽ lên đường trong đêm. Ngày thứ 2 không có nước. Rừng cao hơn, thưa hơn, chẳng hứa hẹn điều gì là sắp tới nguồn nước. Các vạch xanh đứt đoạn, thể hiện suối cạn một mùa trên bản đồ chằng chịt, nhưng khô khốc trơ đáy toàn sỏi cuội cát vàng.
Cả tiểu đoàn đã gần như lả đi. Đã có một số ý kiến đòi quay lại cái lạch nhỏ nước xanh lè rong rêu phía sau, cách đấy 2 ngày hành quân bộ. Có quay lại được thì chưa đến nơi đã chết. Một ý kiến điên rồ không tưởng!
Tiểu đoàn quyết định dừng chân nghỉ đêm tại chỗ trước đây là suối. Một số anh em đào khoét lòng suối kiếm nước trong tuyệt vọng. Họ vừa đào vừa lấy đất còn hơi ẩm áp vào mặt, lem nhem như hề. Các tấm tăng được trải trũng để hứng sương.
Một đêm cháy họng nữa dần trôi qua. Tới sáng hôm sau, cái bi đông nhựa đựng nước giải của Căn liên lạc với anh Lược chính trị viên treo đầu võng đã rỗng không.
Có ai đó khát quá đã uống trộm mất rồi! Nhìn quanh toàn những thăng thất thần, trõm mắt, môi vều tướng, chẳng biết ai lấy.
Lệnh hành quân tiếp! Gia “Kà bây” cối nằm im so trên võng. Hỏi sao không dậy chuẩn bị đi? Gia mệt mỏi bảo đằng nào cũng chết khát, nằm đây chết cho khoẻ. Chúng mày cứ đi đi! Kệ tao!
Thì kệ mày! Tha cái thân còn chưa xong, khiêng vác gì nổi? Anh Lược dọa nó rồi thúc lính hành quân. Đại đội đi được một quãng đã thấy nó loạng choạng mò bám theo.
Đi được nửa cây số nữa gặp cái lạch nhỏ sâu hoắm. Trên mặt lạch lục bình ken dày, xanh ngắt mọc cao thẳng đuột ngang tới thắt lưng. Anh em đặt tên là lạch “Trời cứu”. Mọi người nhào tới nhấc bèo ra. Săm sắp chỉ khoảng 5 phân nước bùn, đục ngầu do rút rễ bèo.
Sống rồi! Lính tiểu đoàn để nghiêng chén bát, ca inox, hớt nước trên mặt bùn. Một số trải tăng vào những chỗ trũng, gạt bùn bám ở rễ lục bình rồi vắt rễ lấy nước. Sáng kiến này có vẻ khả thi vì nước lấy được trong hơn.
Lạch nhỏ, chưa chen xuống được, những người chờ trên bờ vặn thân bèo lính đang lấy nước ném lên, nhai rau ráu hít nước như voi hít bã mía. Một lát uống đủ, các bi đông cũng tràn đầy. Mấy ông lo xa, còn cắt cả thân lục bình, bó thành bó gùi theo.
Trong đời không có thứ nước nào ngon bằng cái thứ nước rễ bèo lờ lờ hôm ấy. Mặc dù uống xong thì chỉ muốn gây sự chửi nhau với ai đó vì nó ngứa mồm quá thể.
… tới trận tạo ngộ chiến có một không hai
Lại đi tiếp! Trinh sát cùng đại đội 1 đi đầu. Vẫn rừng thưa xen lẫn trảng. Qua một cái trảng con, vừa tiếp bìa rừng thì có tiếng chạm lá loạt soạt. Một đơn vị dài dằng dặc, quân phục xanh rì đang hành quân qua mũi trinh sát tiểu đoàn, cách có vài chục thước.
Đơn vị nào ngon vậy ta? Đội quân kia cũng nhìn sang bên này, bỗng giật mình tháo súng. Địch rồi! Nhanh hơn một khoảnh khắc, khẩu M.79 của anh Sơn, trung đội trưởng trinh sát đã kéo póc oành một trái phủ đầu.
Toán lính trung đội 1 cũng kịp lia túi bụi mấy loạt AK. Địch bị đánh đúng khúc giữa, chạy giạt sang hai bên, bỏ lại cả một thùng đại liên đầy mật ong chắc vừa lấy trong rừng. Sau phút đầu bị choáng, chúng bắt đầu quay lại nổ súng rát.
Trung đội 1 và trinh sát bây giờ rơi vào thế bất lợi, nằm chết gí giữa hai làn đạn trên trảng trống. Anh Yên hô anh em xung phong bám lấy bìa cụm cây dầu lông trước mặt. Chỗ này gần địch hơn nhưng nhiều vật che khuất. Cuối cùng, phần lớn b1 và trung đội trinh sát cũng bám được vào bìa rừng.
Ban chỉ huy đại đội kịp lùi về khoảng rừng cạp mé trảng sau. Phụng thông tin 2w trung đội tôi khoác máy chạy theo nhưng không kịp, bị đạn nhọn té sấp giữa trảng. Thịnh đen Hà Nội lính c4, vác cái chân cối 82mm nằm gần trung đội 1 hơn nhưng cũng nhấp nhổm muốn bò lui.
Nó sợ khẩu đội cối 82 không có chân không bắn được. Anh Sơn lúc này đã bị thương lần thứ 2, quát nó: “Anh em không được bỏ chạy, bò lên đây! Có chết thì anh em mình cũng chết tại đây!”.
Anh ấy vẫy tay gọi nó trườn lên cho gần, nhưng chẳng hiểu sao, Thịnh đen lại vùng lên, vác chân cối chạy trở lui. Đạn nhọn địch lại rồ lên. Một viên bắn vỡ gót làm nó quỵ xuống. Nó hăng lên, trườn như con thằn lằn về cuối trảng.
Từ đó làm bia sống bắn tập cho bọn địch đang núp sau cái ụ mối bìa bên kia. Bò được chục mét thì nằm luôn bất động.
Xạ thủ B.40 Đặc cũng đang bị kẹt giữa trảng, thấy vậy thổi quả B.40 vào ụ mối rồi vùng chạy được lên hướng trung đội 1. Quả đạn không trúng đích nhưng nổ sát sườn làm bọn địch chờn, lùi lại vì biết lộ mục tiêu. Từ đó, tốp anh Yên, anh Sơn và trung đội trinh sát bị cắt rời khỏi đội hình tiểu đoàn.
Cối 82 đại đội 4 bắt đầu “toong, toong…!”. Hoả lực lên tiếng đã khích động tinh thần anh em lên nhiều. Đại đội 2, phần còn lại của đại đội 1 bắt đầu tổ chức xung phong bám bìa rừng lên cứu bồ. Gần như có bao nhiêu hoả lực, bọn địch dồn vào cả trung đội 1 và tốp trinh sát tiểu đoàn 4 đang nằm ngáng ngang đội hình chúng nó.
Nhưng vẫn nghe tiếng M.79 của anh Sơn, tiếng trung liên của thằng Đăng kéo đều. B.40 của thằng Đặc đã nổ đến trái thứ 4, còn hai trái nữa là hết đạn. Nghe mà xót ruột! Cụm địch bên phải bắt đầu lùi dần.
Cối 82 đã phải nâng tầm. Cuối cùng, bọn bên trái cũng chạy nốt! Tiểu đoàn đánh lên đến nơi, anh Yên đã hy sinh. Anh Sơn b trưởng trinh sát bị B.40 tiện mất một giò. Thằng Đặc cháy mông do nằm xuôi bắn B.40 cứu thằng Thịnh, không để ý góc an toàn.
Trận tao ngộ chiến này, tiểu đoàn 4 hy sinh 3 người, bị thương 4 người. Những người hy sinh gồm anh Yên b trưởng b1 (quê Tam Dương-Vĩnh phúc); Thịnh đen (Phố Trần Nhật Duật-Hà Nội); thằng Phụng 2W (Hương Thuỷ- Huế).
Anh Yên người nhỏ, da trắng trẻo, môi đỏ thắm như môi con gái. Đơn vị vừa mới cho về phép cưới vợ. Chẳng biết kịp có mầm sống nào kế tục chưa? Không hiểu sao cứ ai được về phép để cưới vợ, khi trở lại đơn vị thường hay hy sinh.
Bọn Polpot đếm được toi tại chỗ 6, số tử trận và bị thương khác không xác định được. Thêm món chiến lợi phẩm đặc biệt, là một thùng đại liên đầy mật ong thơm mùi hoa tràm của rừng thấp biển Hồ.
*** Đây là một trận tao ngộ chiến qua lời kể của bạn đồng đội tôi là Nguyễn Thiện Căn, liên lạc đại đội 1 tiểu đoàn 4 quê thôn Mai Hiên, Mai Lâm huyện Đông Anh, Hà Nội. Lúc xảy ra trận đánh này, tôi đã rời tiểu đoàn 4 của mình, rút lên trung đoàn bộ.