Chủ quán cơm Hà Nội ở Marseille
Marseille, thành phố cảng miền Nam là một trong những địa điểm đầu tiên tại Pháp có người Việt Nam sinh sống. Nơi đó có gia đình bà Trần Thị Sâm luôn sát cánh cùng phong trào Việt kiều tại Marseille trong những năm kháng chiến từ 1946 – 1975.
Chồng bà Sâm là ông Nguyễn Văn Tiến – một thuỷ thủ quê ở Bình Lục (Hà Nam) đã sang Pháp làm thuê tại Marseille. Ông Tiến là một trong những cá nhân tiêu biểu của phong trào người Việt tại Pháp.
Những kỷ niệm về Bác Hồ
Cách đây hơn 10 năm, khi về Việt Nam trao tặng kỷ vật cho Khu Di tích Phủ Chủ tịch, bà Sâm đã kể lại những ấn tượng khó quên trong những lần gặp Bác Hồ của chồng mình. Vào tháng 6/1946, ông Nguyễn Văn Tiến được cử là một trong những thành viên đại diện cho cộng đồng người Việt ở Marseille đến Biarritz để gặp phái đoàn Việt Nam sang thăm Pháp. Đó cũng là lần đầu ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dịp này, một người bạn đã tặng ông Tiến một bức ảnh nhỏ chụp Bác cùng phái đoàn tuỳ tùng Việt Nam và Pháp thăm phong cảnh ở ngoại ô Biarritz vào ngày 17/6/1946. Thời điểm ấy, những hình ảnh có Bác Hồ đều được coi như là món quà quý giá để bà con kiều bào ở bên đó tặng nhau.
Bà Trần Thị Sâm (ngoài cùng, bên phải) nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại sự kiện Xuân Quê hương 2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Kỷ niệm đáng nhớ khác là tháng 9/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên trong phái đoàn Việt Nam đến thăm Marseille, Bác đã đi thăm và nói chuyện với kiều bào và hàng ngàn lính thợ người Việt ở hai trại lính từ Đông Dương sang, trong đó có ông Tiến.
Trong cuộc gặp ấy, Bác căn dặn bà con phải đoàn kết, giữ gìn sức khỏe, ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc, thực hành đời sống mới cần, kiệm, liêm, chính và ham học hỏi. Bác còn dặn dò bà con phải giữ được tình cảm và sự thân thiện với người Pháp.
Đặc biệt, trước khi chia tay, Phái đoàn đã tặng quà cho những người lính thợ Việt Nam một tấm phù điêu hình tròn, được đúc bằng đồng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian sau, các anh em lính thợ đã tin tưởng gửi ông Tiến giữ tấm phù điêu quý giá này.
Quán cơm ấm tình Việt
Sang định cư cùng chồng tại Pháp từ năm 1958, ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Sâm từng là nơi hội họp và đón tiếp rất nhiều phái đoàn Việt Nam khi sang Pháp. Ngôi nhà ấy nằm đối diện cảng cũ – nơi con tàu Amiral Latouche – Tréville từng cập bến ngày 6/7/1911, đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên đặt chân lên đất Pháp.
Từ năm 1963, gia đình ông bà còn mở quán cơm Việt mang tên Hà Nội. Với nhiệm vụ được giao, quán cơm Hà Nội đã trở thành địa điểm liên lạc, đón đưa các đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến công tác ở Marseille, trong đó có các nhà ngoại giao lỗi lạc như Xuân Thủy, Mai Văn Bộ, Võ Văn Sung, Đại tướng Mai Chí Thọ… Đặc biệt, đây còn là nơi ông Vũ Kỳ – Thư ký của Bác Hồ đến ở và làm việc trong đợt công tác của ông tại thành phố này.
Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, gia đình bà Sâm vẫn luôn một lòng hướng về Tổ quốc, tiếp tục công tác vận động quần chúng và hoạt động tích cực trong cộng đồng người Việt. Với những đóng góp cho đất nước, cả hai ông bà đều được nhận phần thưởng Huân chương Kháng chiến của nhà nước Việt Nam tặng cho những kiều bào có công.
Những chuyến trở lại quê hương
Năm 1976, vợ chồng bà Sâm được mời tham gia đoàn Việt kiều về thăm Tổ quốc và họ đã đến thăm Nhà Sàn Bác Hồ. Thời gian sau khi ông mất, bà vẫn gìn giữ những kỷ vật quý về Bác đã được ông Tiến nâng niu gìn giữ trong hơn 60 năm
Cũng theo ý nguyện của ông Tiến, vào năm 2008, bà Sâm đã mang những kỷ vật này về quê hương và tặng lại Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Đó chính là bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn tuỳ tùng Việt Nam và Pháp thăm phong cảnh ở ngoại ô Biarritz vào ngày 17/6/1946 và tấm phù điêu hình tròn, được đúc bằng đồng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giờ đây, đã 88 tuổi nhưng bà Sâm vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện trong nước và công tác cộng đồng người Việt tại Pháp. Sau gần 10 năm mới trở lại quê hương đón Tết Nguyên đán vừa qua, bà rất vui mừng trước sự phát triển vượt bậc cùng những thành tựu đổi mới toàn diện của đất nước. Và mỗi lần kể lại kỷ niệm và nhắc đến Bác Hồ, bà chủ quán cơm Hà Nội những năm tháng cũ ở Marseille lại rưng rưng xúc động.