Chứng khoán Mỹ: Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, Dow Jones lao dốc hơn 400 điểm
Kinhtedothi – Chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ hai liên tiếp do quan ngại về căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong ngày 2/8 khi nhà đầu tư cân nhắc căng thẳng chính trị leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và phản ứng đối với những nhận định từ các Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về chính sách sắp tới của ngân hàng trung ương.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 sụt 0,67% xuống 4.091,19 điểm sau khi mất gần 1% ở đầu phiên. Chỉ số này thu hẹp đà giảm sau khi chuyên cơ chở bà Pelosi hạ cánh an toàn tại sân bay Tùng Sơn, thành phố Đài Bắc. Chỉ số Dow Jones mất 402,23 điểm (tương đương 1,23%) xuống còn 32.396,17 điểm. Cổ phiếu Caterpillar gây sức ép lên chỉ số Dow Jones, khi sụt mạnh sau báo cáo kết quả lợi nhuận đáng thất vọng. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0,16% xuống còn 12.348,76 điểm, mặc dù cổ phiếu Uber tăng vọt 18,9% sau báo cáo lợi nhuận khả quan.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall diễn biến xấu hơn trong phiên giao dịch buổi chiều sau phát biểu của một số chủ tịch ngân hàng dự trữ địa phương như dội một “gáo nước lạnh” vào bất kỳ vọng nào cho rằng FED sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất, thậm chí giảm lãi suất trong thời gian tới.
Charles Evan, Chủ tịch FED Chicago, dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% tại cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới, sau đó sẽ là các lần tăng 0,25% cho tới đầu quý II/2023. Trong khi đó, Chủ tịch FED San Francisco Mary Daly nhận định ngân hàng trung ương Mỹ còn “rất nhiều việc phải làm” trong cuộc chiến chống lạm phát.
Sau đó, Chủ tịch FED tại Cleveland Loretta Mester cho biết FED cần nhiều hơn các bằng chứng cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh trong vòng một vài tháng tới trước khi quyết định chấm dứt kế hoạch tăng lãi suất.
Tối ngày hôm 2/8, theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đáp chuyến bay tới Đài Loan (Trung Quốc) sau nhiều đồn đoán trước đó. Các quan chức Trung Quốc liên tục đưa ra cảnh báo sẽ “hành động” nếu chuyến đi này được thực hiện. Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan sau 25 năm từ chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich vào năm 1997.
Ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đặt chân tới Đài Loan (Trung Quốc), Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố tập trận tại 6 khu vực quanh đảo Đài Loan.
Trung Quốc cũng triệu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Nicholas Burns liên quan tới chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tối 2/8.
Trong cuộc trao đổi với Đại sứ Mỹ Nicholas Burns, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã “phản đối mạnh mẽ” chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, nơi Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất. “Động thái này cực kỳ sai lầm và hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trung Quốc sẽ không ngồi yên”, Xinhua dẫn lời Thứ trưởng Tạ Phong cho biết.
“Tôi cho rằng chuyến đi này sẽ không gây ra bất kỳ sự gián đoạn kinh tế nào. Tuy nhiên, những thông tin bên lề về sự kiện này thu hút sự quan tâm không nhỏ từ phía dư luận và đó là điều mà chúng ta cần phải theo dõi trong những ngày tới,” Mona Mahajan, Chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Edward Jones, chia sẻ trong chuyên mục “Squawk Box” của CNBC. “Căng thẳng địa chính trị chính là tâm điểm chú ý trong năm nay và đang có những tác động sâu sắc tới một loạt các thị trường tài chính, hàng hóa,” bà nói.
Một số doanh nghiệp đáng chú ý như Starbucks, Paypan và AMD công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II khi thị trường đóng cửa. Tất cả đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vượt dự báo.
Trong tuần này, nhà đầu tư còn dành sự quan tâm tới báo cáo việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp công bố vào ngày 5/8 để có cái nhìn rõ hơn về thực trạng thị trường việc làm nói riêng và kinh tế Mỹ nói chung.
Thị trưởng chứng khoán toàn cầu đỏ rực trong ngày 2/8 khi căng thẳng địa chính trị leo thang vì kế hoạch đến Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/8, chỉ số Hang Seng (HSI) tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 2,4%, còn chỉ số chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc sụt 2,3%.
Các nhà phân tích dự báo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đô la Đài Loan sẽ tiếp tục suy yếu trong những ngày tới.
Tại thị trường chứng khoán châu Âu, chỉ số DAX của Đức (DAX) và CAC 40 (CAC40) của Pháp lần lượt mất 0,3% và 0,4%, trong khi FTSE 100 (UKX) tại thị trường London đi ngang.