Chuyên gia khuyến cáo: Đừng đi du học Canada nếu chưa biết 3 điều quan trọng này

Muốn dự đoán xem học sinh này có theo kịp chương trình Canada hay không là một việc khả thi, nằm trong tầm tay của mỗi học sinh và cha mẹ, thầy giáo.

Như nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác, Canada luôn chào đón sinh viên quốc tế đến học tập. Đặc biệt ở Việt Nam, những năm gần đây, rất nhiều phụ huynh lựa chọn cho con du học xứ sở lá phong đỏ ngay từ cấp 2, cấp 3 bởi nền giáo dục chất lượng, chi phí học tập khá hợp lý và nhiều chính sách rộng mở…

Nhận định về việc cho con đi du học từ khi còn học phổ thông, anh Bảo Nguyễn – Nhân viên điều hành bậc hậu cử nhân (MA và PhD) của một trường đại học ở Canada với 20 năm kinh nghiệm, đồng thời là người có nhiều bài viết được phụ huynh yêu thích về du học Canada chia sẻ: “Học sinh rất nên đi du học từ phổ thông, có điều không phải chỉ sang Canada, mà sang đây phải đặt để đúng vào môi trường giáo dục phù hợp, học với dân Canada và có người Canada hướng dẫn, dạy bảo cách học hành, hội nhập xã hội. Còn nếu chỉ mua vé sang mà mù mờ thông tin thì cũng như nhảy đại xuống đại dương, tự các em phải bươn chải, ngụp lặn”.

Anh Bảo cũng cho rằng, nếu hiểu biết cặn kẽ về nền giáo dục Canada, đồng thời tự đánh giá mình đúng mức, mỗi học sinh có thể hiểu được những khiếm khuyết để từ đó chuẩn bị từ khi còn ở Việt Nam. Như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều tiền bạc, thời gian.

Điều cần thiết là phụ huynh và học sinh cần xác định trình độ của bản thân so với mặt bằng giáo dục Canada. Muốn dự đoán xem học sinh này có theo kịp chương trình Canada hay không, cũng là một việc khả thi, nằm trong tầm tay của mỗi học sinh và cha mẹ, thầy giáo. Theo anh Bảo, những khảo nghiệm này có thể làm được ngay bây giờ bằng các hành động cụ thể như sau:

1. Về nhận thức

Hãy hỏi xem học sinh này có bao giờ tự mình tìm hiểu trên net trực tiếp bằng tiếng Anh, qua các phương tiện truyền thông như báo chí, YouTube, Google về cuộc sống xã hội, hệ thống giáo dục bên này hay chưa.

Hãy hỏi xem học sinh này đã có những suy nghĩ gì về ngành học tương lai tại nước ngoài. Những suy nghĩ đó dựa trên các cơ sở thực tế nào? Các em đã làm những nghiên cứu gì để lên ý tưởng như vậy?

Để vào được các ngành chuyên môn mình chọn, các em sẽ phải học các môn cụ thể là gì, trường nào dạy, học bao lâu, được mấy điểm trung bình để đạt điểm chuẩn university/ college? Những câu hỏi ở trên đây có thể rất là phức tạp mà nhiều phụ huynh/học sinh Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến. Nhưng đối với một học sinh Canada lớp 10 thì là thực tế, là kiến thức căn bản đã được rèn luyện từ nhỏ.

Khảo nghiệm tâm lý là bước đầu tiên để trả lời 2 câu hỏi: Động cơ học tập và sự trưởng thành trong nhận thức. Muốn du học, mỗi học sinh phải ý thức được tầm quan trọng của du học và từ đó trực tiếp tìm hiểu, phác thảo kế hoạch học tập. Đó là trách nhiệm tối thiểu ban đầu.

Sự trưởng thành trong nhận thức là một phần của tính độc lập, tự chủ, nền tảng để học hành và hội nhập xã hội sau này. Nếu thiếu nền tảng đó thì khi va chạm thực tế sẽ nản chí và bị bỏ lại phía sau. Nếu bản thân thiếu tính tự chủ, động cơ học hành và năng lực học vấn thì sẽ lâm vào tình trạng sống bấp bênh, không mục đích ở nước ngoài và dạt hẳn sang bên lề xã hội.

2. Về trình độ tiếng Anh

Ở Việt Nam, học chuyên ngành (English) Anh văn hết 4 năm đại học mà khả năng nghe, nói, đọc, viết gần bằng một người bình dân Canada, Mỹ, Anh… thì được xem như thành công. Còn môn học English ở Canada là môn văn chương, dạy cách sử dụng nghệ thuật ngôn ngữ để biểu đạt tư tưởng. Hai môn English tuy cùng tên gọi, nhưng ở hai nơi khác nhau thành ra nội dung khác nhau.

Trong thực tế thì hầu hết những sinh viên tốt nghiệp ngành English đại học ở Việt Nam hay những em có điểm IELTS cao, lúc sang Canada vẫn “tiếng được tiếng mất”. Tình trạng đó diễn ra ngắn thì vài năm còn dài thì cả đời. Khả năng ngôn ngữ có thể chứng thực được rất dễ dàng. Một sinh viên du học không thể tự điền đơn, viết thư giải trình, làm thủ tục du học mà phải thuê dịch vụ làm thì nghĩa là em đó vẫn chưa thành thạo tiếng Anh. Làm đơn du học là điều dễ dàng, đơn giản nhất so với các bài vở, học thi ở Canada.

Để thẩm định trình độ giáo dục, mỗi học sinh ngoại quốc khi du học Canada phải thi Assessment Test (Bài kiểm tra năng lực) hai môn English và Math (Toán). Những em đạt điểm tốt môn English sẽ được sắp vào học chung với học sinh bản xứ ngay. Còn những em nào yếu tiếng Anh sẽ được học chương trình English as a Second Language (ESL), dịch nôm na là tiếng Anh vỡ lòng. Chương trình này rất dễ, chơi nhiều hơn học.

ESL có từ 4 đến 6 levels (cấp độ) tuỳ theo chương trình của mỗi Sở giáo dục địa phương. Dựa trên số điểm thi English mà học sinh du học sẽ được sắp vào level thích hợp. Các em sẽ được học và thi đậu hết các level này rồi mới được chuyển sang học chương trình English chính thức. Tuy nhiên, các em cũng có thể học các môn không cần giỏi tiếng Anh như Thể dục; Âm nhạc; Kỹ thuật… ngay từ đầu. Thời gian học ESL của học sinh ngoại quốc nhanh nhất là một học kỳ, còn lâu thì một năm trở lên.

Khả năng tiếng Anh của mỗi học sinh Việt Nam sẽ bộc lộ trong kỳ thì English Assessment Test. Khác với thi IELTS, môn thi English Assessment mỗi nơi mỗi khác. Học sinh không thể “học tủ” như kiểu luyện IELTS Việt Nam. Mỗi em phải tự chủ động suy nghĩ, tự làm bài để nhận điểm số trung thực.

Mỗi em có ý định du học nên làm thử để biết trình độ của mình ở đâu so với mặt bằng chung. Sang Canada làm bài điểm kém thì sắp lớp thấp, như vậy tốn nhiều thời gian, tiền bạc của cha mẹ. Nếu chưa làm bài nổi bây giờ thì hãy ở lại Việt Nam, tự học cho giỏi. Sau đó hãy tự tìm kiếm trên Google làm thêm các bài khác để trau dồi ngôn ngữ. Càng làm thì sẽ càng giỏi hơn và không sợ sệt gì nữa.

Những em không đủ năng lực tiếng Anh thường tránh né kỳ thi Assessment Test của trường công bằng cách vào trường tư quốc tế tí hon. Vào trong đó, các em sẽ càng kém tiếng Anh hơn vì chỉ co cụm bên lề xã hội, không giao tiếp được với học sinh Canada. Nhiều trường tư chất lượng thấp (không phải tất cả) sẽ dễ dàng cho “khống điểm” English Advanced (cấp độ tiếng Anh) để các em có credit (tín chỉ) vào đại học. Cha mẹ cứ tưởng rằng con mình giỏi nhưng các em này càng học lên cao thì sẽ càng đuối, càng tốn tiền. Không đủ sức thì phải học xuống dưới hoặc theo những chương trình chung chung, không ra chuyên môn cụ thể.

3. Lỗ hổng kiến thức

Kỳ thi sắp lớp Assessment Test chỉ có 2 môn Toán và English. Vì thế, nó không thể “trám” nổi lỗ hổng kiến thức của các môn khoa học tự nhiên và xã hội như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Triết học, Xã hội, Kinh tế, Tài chính… Những kiến thức này phải trải qua một quá trình tích lũy từ các lớp dưới lên trên.

Sang du học mà những thuật ngữ, tri thức, khái niệm khoa học bằng tiếng Anh ở các lớp dưới không có thì cũng giống như một công trình rỗng ruột. Muốn tránh tình trạng này thì phải có kế hoạch cụ thể, học trước từ Việt Nam.

Một học kỳ, học sinh Canada chỉ chọn học có 4 môn. Ngày nào cũng vào học đều đặn 4 môn này, mỗi môn 2 tiết, 5 ngày/tuần. Vì vậy, các cuốn sách giáo khoa rất dày, học sinh phải tự đọc, tự học và làm bài nộp cho thầy cô.

Nếu học sinh Việt Nam có ý định du học nhưng chưa bao giờ tự Google đọc sách giáo khoa Canada, nghe thầy cô Canada dạy trên YouTube thì khi qua học sẽ rất đuối. Các em cần tìm hiểu trước một số sách giáo khoa để đọc qua cho biết. Sau đó thì tự tìm kiếm trên Google các loại sách và các bài giảng cho môn mà mình sẽ học bên Canada. Phải tự học trước những môn đó để trám bớt các lỗ hổng. Nếu không chuẩn bị, sang đây sẽ lọt thỏm vào vực sâu thuật ngữ, kiến thức chuyên môn và khó lòng lấy điểm cao được.

(Afamily)