Có 20 tỷ tiết kiệm, tôi vẫn bắt các con cho 10 triệu mỗi tháng, xem như công nuôi dạy chúng nên người
Dạo này có thời gian, tôi thường lên mạng đọc tâm sự của mọi người. Trong số đó, có những người bằng tuổi tôi nhưng đến giờ phút này vẫn còn khổ sở vì con quá. Không biết mai sau thế nào, còn bây giờ, tôi cảm thấy mình may mắn khi con cái đều thành đạt và có hiếu với bố mẹ.
Trước kia vợ chồng tôi là dân buôn bán, một tay nuôi 3 đứa con khôn lớn. Ngày ấy chúng tôi làm lụng vất vả lắm. Thế nhưng có một nguyên tắc mà chồng tôi luôn tuân thủ, đó là dù mình có khổ thế nào thì cũng phải lo cho các con ăn học đàng hoàng. Chẳng nói đâu xa, vì hoàn cảnh nên nhiều gia đình chỉ cho con học hết cấp 2. Sau đó thì đưa nhau lên thành phố làm việc. Con tôi thấy bạn kiếm được tiền, cũng về xin bố mẹ cho nghỉ học. Tôi nói luôn:
“Tuổi này của con là học hành. Còn kiếm tiền, sau này có đầy thời gian. Chỉ cần mình có tri thức thì đi đâu cũng tìm được việc”.
Nghe lời bố mẹ răn dạy, cả 3 đứa con trai của chúng tôi đều rất hiếu học. Năm nào chúng cũng có giấy khen mang về nhà, thậm chí khi chưa học xong đại học, chúng đã được người ta đến mời về làm việc. Tất nhiên, thành tích học tập của các con tôi sẽ chỉ tốt khi chúng thật sự phấn đấu. Thế nhưng việc giáo dục của bố mẹ cũng vô cùng quan trọng. Nếu ngày ấy, vợ chồng tôi không cương quyết bắt học hành thì bây giờ, chúng đâu thể trở thành ông nọ bà kia được.
Nuôi 3 đứa con vất vả nhưng hễ có tiền, vợ chồng tôi lại đầu tư vào đất. Ngày ấy đất rẻ lắm, đường xá lại chưa thuận tiện nên vài chục triệu cũng mua được mảnh to đùng rồi. Tầm chục năm trở lại đây, chỗ tôi bắt đầu mở rộng đường. May mắn là những miếng đất chúng tôi mua đều được đền bù. Hoặc nếu không thì cũng có lãi gấp vài chục lần.
Nghĩ mình đã già, cần một khoản tiền để dự phòng, chồng tôi mới bàn bạc:
“Thôi thì mình bán đất rồi bỏ tiền vào ngân hàng cho chắc ăn. Mình có tuổi rồi, trẻ trung gì nữa đâu mà để đó đợi giá đất tăng”.
Thế là chúng tôi bán hết đi, tổng cộng được hơn 20 tỷ. Tôi gửi hết số tiền ấy vào ngân hàng, thi thoảng lại lấy tiền lãi ra tiêu. Thú thật, nhiều gia đình có tiền như nhà tôi thì sẽ lục đục. Nào là các con đòi chia tài sản, rồi mất đoàn kết giữa anh em với nhau. Còn riêng nhà tôi, bán đất được bao nhiêu, tôi không giấu đứa nào hết. Vừa gửi tiền vào ngân hàng xong, tôi gọi 3 đứa con trai và các con dâu về nói chuyện. Trong bữa cơm, tôi cũng chia sẻ thật lòng:
“Bố mẹ vừa bán hết đất để dành, dư ra 20 tỷ. Mẹ gửi tiết kiệm hôm qua rồi. Nói thật, ông bà già rồi nên chẳng dùng đến số tiền ấy. Sau này bố mẹ có khuất núi thì 3 đứa chia 3. Nhưng lúc còn sống, bố mẹ không muốn các con nhìn vào khoản tiền này. Vì nếu nhìn sâu rộng ra thì các con phải hiểu, công nuôi dạy và đầu tư ăn học mà bố mẹ cho gấp rất nhiều lần con số 20 tỷ”.
Các con tôi đều là những người thành đạt ngoài xã hội, thành ra, chúng không có một chút thắc mắc nào về việc tại sao mẹ bán đất mà không chia tiền. Thậm chí sau khi biết tôi sẽ rút lãi để tiêu, con cả còn đứng ra huy động:
“Đó là vốn tuổi già của bố mẹ, bố mẹ cứ giữ lấy. Còn bọn con bây giờ có điều kiện rồi, cũng muốn làm tròn đạo hiếu để các cháu học tập. Con đề nghị các anh em tháng gửi bố mẹ 10 triệu để chi tiêu. Còn ai biếu nhiều, ai biếu ít thì bọn con sẽ tự thống nhất với nhau. Miễn là tháng nào bố mẹ cũng có tiền là được”.
2 đứa con lại nghe xong cũng gật gù đồng ý. Còn vợ chồng tôi thì mát lòng mát ruột. Ở cái tuổi này rồi, đi ra ngoài có tỷ nọ tỷ kia cũng chẳng quan trọng nữa. Cái chính là con cháu có hiếu thuận với mình hay không. Hôm bữa cô hàng xóm nhà tôi có sang than thở chuyện con cái từ mặt nhau vì đất cát. Tôi nghe mà rùng mình. Đúng là thời buổi này, đồng tiền rất quan trọng. Nhưng nhiều người quên rằng đạo đức mới là thứ cốt lõi.
Bây giờ vợ chồng tôi đã mấp mé 60 tuổi. Được trời thương nên sức khỏe hai ông bà khá ổn định. Bình thường, chúng tôi sẽ ở nhà, trồng rau nuôi cá đợi các con về thì ăn uống tụ tập. Còn khi nào nhớ cháu quá, chúng tôi lại đặt vé máy bay vào thăm chúng. Ngày còn trẻ, tôi cứ ao ước khi nào có tiền sẽ đi du lịch chỗ này chỗ kia. Các con biết nên vào mấy dịp đặc biệt, chúng lạ gửi thêm tiền rồi dặn:
“Đợt này thời tiết đang tốt, bố mẹ tranh thủ đi chơi đâu đó cho vui. Vừa đổi không khí lại vừa được ngắm nhìn thế giới”.
Đấy, cuộc đời cũng chỉ như vậy là mãn nguyện rồi phải không mọi người? Chính vì thế, việc bố mẹ có tiền hay không không ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Cái quan trọng nhất là chúng ta dạy con cái như thế nào. Hãy cứ làm một tấm gương thật tốt và nghiêm khắc, sau này về già, chính chúng ta sẽ được hưởng quả ngọt mà lúc trẻ mình vun trồng.