Cô gái Việt chia sẻ bí quyết chi tiêu ở Na Uy.

Na Uy tương đối thoả mãn với tiêu chuẩn của cuộc sống của tôi, tuy nhiên nó cũng khiến nhiều người nước ngoài phải cân nhắc chi tiêu kỹ lưỡng để không phải thất vọng khi sống tại đây.

 

 

Na Uy trước nay vẫn nổi tiếng là một trong những đất nước đắt đỏ nhất châu Âu. Vì vậy, nếu bạn đang có kế hoạch chuyển tới Na Uy để học tập, làm việc hay du lịch, những thông tin về các loại chi phí sinh hoạt ở Na Uy dưới đây sẽ giúp cho các bạn một cái nhìn tổng quát về các hạng mục ngân sách chính.

 

co-gai-viet-chia-se-bi-quyet-chi-tieu-o-na-uy

Na Uy nổi tiếng là một trong những đất nước đắt đỏ nhất châu Âu. Ảnh: Flickr

 

Theo các khảo sát của Economist Intelligence Unit và ECA International so sánh chi phí tại hơn 400 thành phố trên thế giới thì các thành phố lớn của Na Uy hầu như đều nằm trong top những nơi đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài.

Số liệu mới nhất vào tháng 5 cho thấy có 3 thành phố của Na Uy nằm trong nhóm những thành phố đắt đỏ nhất châu Âu. Thành phố tôi đang sống Tromso xếp thứ 4.

Trong khi Na Uy tương đối thoả mãn với tiêu chuẩn của cuộc sống của tôi, thì nó cũng khiến nhiều người nước ngoài phải cân nhắc kỹ lưỡng và rất cẩn thận trong việc xem xét ngân sách chi tiêu của họ để không phải thất vọng khi sống tại đây.

Thuê hoặc mua nhà

Khi nói đến việc thuê nhà, chi phí sẽ phụ thuộc nhiều vào vị trí, diện tích, điều kiện nhà và các thiết bị nội thất. Năm ngoái, giá thuê trung bình ở các thành phố lớn ở Na Uy rơi vào khoảng 30 USD cho một m2. Tuy nhiên, đây chỉ là giá trung bình.

Tại trung tâm thành phố, một căn hộ với một phòng ngủ có giá thuê khoảng 1.300 USD một tháng và một căn hộ với 3 phòng ngủ có giá thuê khoảng 2.400 USD một tháng. Giá cả giữa các thành phố có chênh lệch nhưng không quá khác biệt.

Nếu bạn là sinh viên, bạn có thể tìm thuê nhà do trường xây dựng dành cho sinh viên ở theo diện gia đình hoặc thuê theo phòng tại ký túc xá của trường. Với sinh viên ở theo diện cả gia đình, giá thuê sẽ thấp hơn giá thị trường đôi chút. Với sinh viên ở theo phòng, giá dao động cho một phòng khoảng 20 m2 và có bếp chung với các phòng khác rơi vào khoảng 600 – 950 USD một tháng.

Ngoài chi phí thuê nhà, bạn cũng sẽ phải đặt cọc khoảng 1-3 tháng tiền thuê tuỳ quy định của chủ nhà và cũng phải trả các chi phí sinh hoạt khác như tiền điện, điện thoại, Internet… Chi phí cho các tiện ích như điện, nước… có phần chững lại trong những năm gần đây, tuy nhiên, nó cũng không hề thấp.

 

[Caption]Thông tin cho thuê nhà được đăng tải trên finn.no, trang thương mại điện tử lớn nhất của Na Uy. Một phòng chỉ 8 m2 đang được rao cho thuê với giá khoảng 600 USD một tháng hay một phòng 38 m2 ở trung tâm có giá 1300 USD một tháng.

Thông tin cho thuê nhà được đăng tải trên finn.no, trang thương mại điện tử lớn nhất của Na Uy. Một phòng chỉ 8 m2 đang được rao cho thuê với giá khoảng 600 USD một tháng hay một phòng 38 m2 ở trung tâm có giá 1300 USD một tháng.

 

Hiện tôi và gia đình thuê một căn chung cư với diện tích 55 m2 tại một khu dân cư có cơ sở hạ tầng khá mới và hiện đại, nằm gần trung tâm, gần trường cấp 2, bến xe buýt cách nhà 50 m, chỉ có một phòng ngủ, chưa bao gồm ban công diện tích 20 m2, có chỗ để xe dưới hầm, với giá gần 1.300 USD một tháng. Giá thuê này được áp dụng từ 12/2014 cho tới nay chủ nhà vẫn chưa tăng giá nhưng thực tế giá thị trường với căn tương tự sẽ cao hơn.

Ngoài chi phí thuê nhà, chúng tôi phải trả tiền điện khoảng hơn 100 USD một tháng. Các chi phí như Internet, điện thoại di động, truyền hình… hết khoảng gần 1.000 USD một năm.

Trung bình các gia đình ở Na Uy dành khoảng hơn 31% tổng chi tiêu hàng năm của họ, tương đương với khoảng 17.000 USD cho nhà ở và các tiện ích liên quan.

Mua nhà hay bất động sản ở đây cũng không hề rẻ. Giá chào bán trung bình trên toàn quốc năm 2015 dao động trong khoảng từ 4.000 – 6.000 USD cho một m2. Ngoài ra, người mua cũng phải chịu tương đối nhiều các loại phí khác như phí môi giới, thuế đất, phí đại lý…

Ăn uống

Những cửa hàng tạp hoá, siêu thị ở Na Uy thường đắt hơn hầu hết các nước châu Âu khác, một phần vì thuế GTGT lên tới 15% đối với các thức uống không cồn và thực phẩm.

Trung bình, một hộ gia đình người Na Uy tiêu khoảng 700 USD mỗi tháng cho việc mua sắm thực phẩm và các đồ uống không cồn, khoảng 150 USD cho thuốc lá và rượu (với một mức thuế cao hơn). Thực phẩm nhập khẩu tại các siêu thị châu Á còn đắt đỏ hơn. Nếu bạn không thể sống mà không có đồ ăn Á, thì hãy xác định một gia đình gồm 2 vợ chồng, một con nhỏ sẽ chi tiêu hết khoảng 900 USD tháng cho thực phẩm và đồ uống không cồn.

Tất nhiên, con số trên là con số trung bình và chi phí của riêng bạn có thể chênh lệch tuỳ thuộc bạn đang ở đâu (càng về phía Bắc thì giá thực phẩm càng đắt), thói quen ăn uống, phong cách sống… Mỗi tháng, chi phí cho thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác trong gia đình tôi thường tiêu tốn khoảng 1000 – 1.200 USD, tất nhiên có thể thấp hơn một chút nếu các bạn biết tiết kiệm hoặc săn đồ giảm giá.

Các siêu thị và cửa hàng tiện ích tại đây luôn có khuyến mãi và giảm giá các mặt hàng khác nhau. Tôi không phải tín đồ săn hàng giảm giá nhưng cũng thường xuyên lựa chọn được và mua được đồ tốt vào những đợt này. Các mặt hàng giảm giá sẽ thay đổi theo mỗi tuần và tuỳ theo ngày.

Ví dụ vào cuối tuần, giá các loại rau, quả sẽ giảm hơn, hoặc các loại hàng hoá có hạn sử dụng ngắn như thịt tươi, sữa, cá… thì càng gần tới ngày hết hạn giá lại càng giảm (đến ngày hết hạn, toàn bộ hàng sẽ được loại bỏ). Nếu bạn có nhu cầu sử dụng sớm và ngay cũng có thể lựa chọn những sản phẩm này với giá rẻ mà không cần phải lo lắng gì về chất lượng.

Nếu bạn đi ăn ngoài, bạn sẽ phải trả khoảng hơn 100 USD cho một bữa ăn tầm trung dành cho hai người. Giá một nửa lít bia là khoảng 10 USD.

Di chuyển

 

co-gai-viet-chia-se-bi-quyet-chi-tieu-o-na-uy-2

Các loại phương tiện công cộng ở Na Uy rất tiện lợi nhưng tất nhiên cũng không hề rẻ. Ảnh: Wired

 

Các loại phương tiện công cộng ở Na Uy rất tiện lợi nhưng tất nhiên cũng không hề rẻ.

Giá vé xe buýt lẻ, sử dụng được trong một tiếng rưỡi, có giá khoảng 6 USD, trong khi vé tháng có giá khoảng 85 USD. Giá mở cửa taxi là 7 USD, mỗi km giá 3 USD và mỗi giờ chờ có giá lên tới gần 70 USD.

Nếu có mặt hàng gì đó có thể chấp nhận được về giá ở Na Uy thì có lẽ đó là xăng, chưa tới 2 USD một lít. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ bạn có tiền mua xe ôtô để đi hay không mà là có tiền để học lái xe hay không.

Chi phí học lái xe có thể cao gấp nhiều lần giá bạn mua một chiếc xe ôtô đã qua sử dụng. Cụ thể, chi phí tối thiểu cho việc học lái xe là khoảng gần 4.000 USD nhưng không có nhiều người có thể thi đỗ ngay ở lần đầu tiên với hệ thống đào tạo và thi cử rất chặt chẽ ở đây. Mỗi lần thi lại, họ cần phải nộp thêm phí và trung bình để có được bằng lái bạn sẽ phải tiêu tốn tới 6.000 – 8.000 USD.

Y tế và giáo dục

Na Uy nổi tiếng có nền giáo dục tân tiến và hoàn toàn miễn phí, kể cả với sinh viên nước ngoài. Có thể bạn sẽ phải đóng một khoản phí cho trường đại học nhưng nó cũng không đáng kể, tối đa chỉ khoảng 60 USD cho tất cả các kỳ học.

Hệ thống y tế công cộng tại Na Uy được bảo trợ bởi các chương trình bảo hiểm và chi trả từ tiền thuế cao của người lao động. Do đó, người nước ngoài làm việc tại Na Uy chỉ phải trả một khoản phí mang tính danh nghĩa khoảng 15 USD cho mỗi lần đi khám bác sĩ.

Những trường hợp cấp cứu và thuốc được kê theo toa cũng thường được miễn phí. Phụ nữ mang thai và trẻ em là những đối tượng được miễn phí hoàn toàn ở các dịch vụ y tế.

 

co-gai-viet-chia-se-bi-quyet-chi-tieu-o-na-uy-3

Những thành phố lớn của Na Uy hầu như đều không quá đông đúc, rất có tổ chức và an ninh, gần gũi với thiên nhiên. Ảnh: Visit Oslo

 

Những thành phố lớn của Na Uy hầu như đều không quá đông đúc, rất có tổ chức và an ninh, gần gũi với thiên nhiên. Bạn chỉ mất 15 – 30 phút để đi vào rừng hoặc leo núi. Mọi thứ có thể đắt đỏ đến mức gây sợ hãi nếu như bạn cứ muốn quy đổi nó ra tiền Việt Nam.

Tuy nhiên, mức lương ở Na Uy nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Công việc bồi bàn, pha chế rượu hay thu ngân đều cho bạn mức lương cao gấp đôi so với Mỹ. Xã hội Na Uy dân chủ và coi trọng bình đẳng. Có thể nói mọi người thường không bị căng thẳng khi làm việc ở Na Uy. Họ thường nói “tar det med ro” (cứ bình tĩnh).

Linh Phan