Cô gái Việt kể về một năm chật vật thích nghi với mẹ chồng ở Châu Âu.
‘Xoong nồi lúc nào cũng phải sáng choang, giặt áo trắng phải đúng nước 90 độ…’, chị My kể lại sự kỹ tính của mẹ chồng và cuộc sống làm dâu ở trời Tây.
Chị Hà My, 32 tuổi, kết hôn với người chồng Hy Lạp cách đây hai năm. Anh chị hiện sống ở Munich, Đức, cùng mẹ chồng. Chị My có một bé trai gần một tuổi.
Chị chia sẻ mẹ chồng chị rất tốt, chăm lo cho con cháu nhưng bà có những nguyên tắc khá cứng nhắc. Chị với bà từng đấu khẩu suốt ngày, rồi chiến tranh lạnh cả tháng… Phải mất hơn một năm chị mới có thể thích nghi và làm thay đổi suy nghĩ của bà.
ảnh minh họa
Dưới đây là chia sẻ của chị về hành trình hòa nhập với mẹ chồng:
Tôi kết hôn với chồng Hy Lạp năm 2015. Trước khi làm đám cưới, vài người bạn của tôi cảnh báo rằng mẹ chồng ở các nước Địa Trung Hải không thoáng như mẹ chồng Anh, Pháp, Đức… Tôi không tin lắm vào điều đó vì tôi thấy bạn bè mình khi lấy Tây hầu như được bố mẹ chồng yêu chiều và quan tâm hết mức…
Tôi chỉ thực sự thấm thía lời cảnh báo đó khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Mẹ chồng tôi năm nay 56 tuổi. Bà một mình nuôi chồng tôi khi con mới chỉ mấy tháng tuổi sau khi chồng bỏ đi. 10 năm trước bà sang Đức làm việc, sau đó đưa cả chồng tôi sang đây. Hiện giờ bà ở nhà lo việc nội trợ.
Khó khăn đầu tiên của tôi với mẹ chồng là vấn đề giao tiếp. Bà sang đây đã lâu nhưng chỉ nói tiếng Đức bập bõm. Vốn tiếng Đức của tôi cũng là con số 0 tròn trĩnh, vì tôi nói chuyện với chồng chủ yếu bằng tiếng Anh. Hai mẹ con ở nhà nói không ai hiểu ai nên xảy ra nhiều điểm bất đồng. Bà theo thói quen vẫn nói tiếng Hy Lạp như khi có chồng tôi, nên tôi không hiểu gì hết. Bà dặn dò gì cũng ù ù cạc cạc gật gù cho xong.
Mẹ chồng tôi là người cực kỳ kỹ tính, gian bếp của bà lúc nào cũng phải sạch sẽ, sáng choang, đáy nồi, xoong chảo lúc nào cũng phải cọ sạch như mới… Khăn lau riêng dành cho từng loại, lau tay, lau bát đĩa…
Tính tôi xuề xòa nên không cẩn thận như bà được. Thế là cứ mỗi lần tôi rửa xong, bà lại ra ngó nhìn nói rửa thế này chưa sạch, rồi lại hì hục ra cọ lại.
Gian bếp mẹ chị My lúc nào cũng phải gọn gàng, sạch sẽ. Ảnh minh họa.
Dao bà cũng phân loại rõ ràng, cái nào cắt rau, cái nào cắt thịt… không bao giờ dùng nhầm. Tôi không thể nhớ rõ “nhiệm vụ” từng cái nên vẫn hay dùng dao hoa quả thái rau, hay dao cắt thịt để mổ cá… Mẹ chồng tôi chưa phát hiện ra vụ này nhưng chồng nhìn thấy đã nhắc nhở tôi cẩn thận không mẹ nhìn thấy lại mắng. Tức mình, tôi mua ngay một bộ dao mới, muốn làm gì thì làm, đỡ phải vừa làm vừa ngó nghiêng mẹ chồng.
Việc giặt quần áo cũng khiến tôi khốn đốn nhiều lần. Ở Việt Nam, tôi vẫn thường có thói quen tống hết vào máy giặt. Nhưng không, mẹ chồng tôi cẩn thận lắm, đồ trắng phải giặt riêng, và phải giặt nước 90 độ C, đồ màu giặt riêng, đồ đen giặt riêng… Cái thói cẩu thả của tôi khiến mẹ chồng không vừa ý chút nào. Chồng tôi lại bênh vợ nên nhiều khi bà không vui.
Nửa năm đầu sống chung là khoảng thời gian tôi khủng hoảng nhất. Những mâu thuẫn nho nhỏ khiến mối quan hệ tôi với mẹ chồng xấu đi nhanh chóng. Bà nói A, tôi nói B, có khi mỗi người nói một kiểu, chẳng ai hiểu nội dung, nhưng ai cũng biết đối phương đang nói không tốt về mình. Đỉnh điểm là có thời gian tôi và bà chiến tranh lạnh, không ai nói với ai câu nào, chỉ giao tiếp vài câu cơ bản khi cần thiết. Bà nấu món Hy Lạp cho bà và chồng, còn tôi tự nấu đồ Việt và ăn một mình.
Tôi không kể cho ông xã nghe những mâu thuẫn của tôi và mẹ vì không muốn anh phải khó xử. Cái gì tôi muốn nói mới nhờ anh dịch giúp. Ví như hồi tôi bầu, bụng to khó chịu nên tôi chỉ cọ được bồn rửa mặt và bồn cầu thôi, không thể ngồi xuống cọ bồn tắm được… Trong khi bà cứ cằn nhằn là sao tôi làm, lại chừa lại cái này, cái kia… Nhờ chồng nói nên bà không bắt tôi làm nữa. Từ lần đó tới giờ, bà làm hết công việc này. Nói chung, tôi sẽ chỉ viện đến chồng trong những tình huống tôi không thể xoay xở.
Khi tôi sinh bé trai đầu lòng, quan điểm khác nhau trong cách chăm bé khiến mâu thuẫn giữa tôi và bà được đẩy lên tới đỉnh điểm. Ví như bà cứ thích bế, rung rung khi ru cháu ngủ, trong khi tôi cố làm mọi cách để bé tự ngủ. Trời mùa đông rất lạnh, bác sĩ dặn không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm, nhưng bà lúc nào cũng giục tôi phải tắm cho con đi…
Khác biệt trong cách chăm son khiến chị My và mẹ sinh
Đến lúc ăn dặm, bà cũng muốn cho cháu tuân theo chế độ ăn từ 35 năm trước, theo kinh nghiệm nuôi bố nó. Lịch của bà là 7 giờ bú sữa, 10 giờ ăn trứng, 11h30 ăn rau củ, 15h30 ăn trái cây…. Tôi phải đấu tranh rất nhiều để bà thấy như vậy là không hợp lý. Tôi để bà cho ăn theo menu của bà 3 ngày, sau đó ăn theo menu của tôi 3 ngày rồi so sánh phân của bé, để bà thấy sự khác biệt…
Vừa nuôi con nhỏ vất vả, vừa phải giải thích với mẹ chồng khiến tôi cảm thấy căng thẳng cực độ.
Tôi từng nghĩ đến việc khi con lớn một chút sẽ nói với chồng ra ngoài sống riêng. Nhưng một sự cố đã thay đổi gần như toàn bộ sự việc…
Gần nửa năm trước, mẹ chồng tôi bị ốm. Bà mệt nên nằm bệt cả tuần, không làm được gì. Tôi chưa nấu món Hy Lạp bao giờ nhưng cố gắng lên mạng tìm hiểu, rồi hỏi chồng bà thích ăn món gì rồi hì hục vào bếp nấu cho bà… Tôi cũng nấu cho bà tô cháo hành kiểu Việt Nam để bà giải cảm… Sau thời gian đó, thấy tôi chăm sóc tận tình nên thái độ của bà đã thay đổi dần. Bà vui vẻ, cởi mở và thương tôi hơn trước. Bà có thể kì cạch cả đêm làm bánh cho tôi, bắt tôi ăn hết, không cho chồng đụng vào miếng nào… Giờ cho bé ăn cái gì, bà cũng nói với tôi, hai mẹ con thoải mái trao đổi chứ không mặt nặng mày nhẹ như trước.
Sau này tôi hiểu ra lỗi cũng do mình, do tôi chưa cẩn thận, chưa biết cách sắp xếp mọi việc và chưa hiểu bà lắm nên mới nảy sinh mâu thuẫn. Mẹ chồng tôi là người rất yêu thương con cháu, chỉ là đôi khi vẫn áp dụng theo cách cổ hủ từ thời xưa. Nếu tôi quan tâm tới bà nhiều hơn một chút, dẹp bỏ cái tôi của mình xuống một chút, có lẽ mẹ con tôi đã yêu thương nhau sớm hơn… Nhưng muộn vẫn còn hơn không…
Nhìn bà đang bận rộn làm cho tôi mẻ bánh mới, tôi thấy lòng bình yên đến lạ.