Cô gái Việt lấy thầy giáo Tây, buổi hẹn đầu tiên được tặng vòng hoa đám ma
Chiếc vòng hoa đám ma được anh Dalen mua với giá khoảng hơn 500 nghìn tiền Việt
“Cảm ơn anh vì anh đã yêu em và luôn lắng nghe, nhường nhịn, ở bên em trong những lúc khó khăn 9 năm nay, 4 năm yêu, 5 năm kết hôn. Bây giờ mình đã có bé Ryan niềm hạnh phúc viên mãn hơn. Em yêu anh và Ryan rất nhiều”. Đó là những dòng nhắn gửi của chị Minh Phương dành cho ông xã người Canada của mình – anh Dalen. 5 năm kết hôn đến bây giờ nhớ lại kỷ niệm tình yêu của mình và anh, chị lại mỉm cười hạnh phúc bởi nào ngờ “ghét của nào trời lại trao của ấy”.
Tổ ấm nhỏ của chị Minh Phương.
Chị Minh Phương sinh ra ở Sài Gòn. 18 tuổi chị sang Trung Quốc du học đến năm 26 tuổi rồi lấy chồng và theo chồng sang Canada định cư đến nay. Hiện nay, chị đang là quản lý và sáng lập một trường ngoại ngữ cũng như làm về Youtube của riêng mình còn ông xã chị, anh Dalen bên cạnh là tư vấn viên giáo dục, nghiên cứu sách giáo khoa tại Canada còn là giáo viên tiểu học.
Chia sẻ về chuyện tình yêu của mình và ông xã, chị Phương cười cho biết, vợ chồng chị gặp nhau tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Khi ấy cả 2 đều học thạc sĩ, tiến sĩ ở đây. Anh chị có cơ duyên gặp gỡ nhau lần đầu tiên là khi đi quay quảng cáo điện thoại cho một công ty di động ở Trung Quốc. Tuy nhiên ngay lần đầu tiên gặp gỡ, cả 2 lại có ấn tượng không mấy tốt đẹp về nhau, thậm chí chị rất ghét anh Dalen.
Chị Phương kể, hồi đó có một người bạn hỏi chị và anh Dalen có muốn đi quay quảng cáo và muốn một bữa ăn thịnh soạn miễn phí không, vậy là cả 2 đồng ý. 7h sáng, 8 người tham gia tập trung ở ký túc xá sinh viên. Chị Phương và anh Dalen có cơ hội ngồi chung một xe taxi với 2 người bạn khác nữa, tất cả mọi người làm quen và trao đổi số điện thoại cho nhau.
Sau khi quay quảng cáo xong, chị và anh cũng được sắp xếp chỗ ngồi ăn gần nhau. Vì anh Dalen mới qua Trung Quốc được một vài tuần nên mọi thứ đều lạ lẫm. Hễ thấy gì anh cũng chụp và khi ngồi kế chị, anh cũng lấy máy chụp cận mặt. Thấy vậy, chị tỏ ra khó chịu và liền mượn máy ảnh của anh để xem rồi xóa những bức hình của mình ở trong đó.
“Bạn đang làm gì camera của tôi vậy?” – anh Dalen la lớn tiếng khi nhìn thấy chị Phương xóa ảnh trong máy mình khiến tất cả mọi người kể cả đạo diễn cũng quay lại hỏi chị.
“Tôi không làm gì hết. Bạn chụp hình mình thấy không thích nên xóa vậy thôi” – chị Phương đáp.
Anh chị có ấn tượng không mấy tốt đẹp về nhau sau lần gặp đầu tiên.
Kể từ đó, chị có ấn tượng không tốt với anh Dalen, thậm chí còn rất ghét anh. Mặc dù cả 2 ở cùng một khu ký túc xá, người tầng 8, người tầng 9 nhưng chị cũng không liên lạc với anh. Bẵng đi một thời gian khoảng 3 tháng sau, chị Phương có buổi thi thuyết trình ở Trung Quốc và cần có những người bạn nước ngoài đóng kịch hỗ trợ. Đúng lúc đó, các bạn chị đi Thượng Hải quay quảng cáo khiến chị không còn một ai để nhờ giúp đỡ. Trong lúc bối rối, chị lục lại danh bạ điện thoại của mình và thấy tên anh Dalen.
“Mình cần người quá, thấy tên nước ngoài nên gọi điện thử xem sao. Mình không nhớ bạn ý là người mình ghét trước đó. Mình gọi điện, bạn bắt máy. Sau khi biết bạn là du học sinh Canada, mình mới nhớ ra đó là anh chàng mình rất ghét. Tuy nhiên mình cần người quá không biết làm sao. Dalen đồng ý và sau buổi thuyết trình đó, mình có cách nhìn khác về Dalen. Anh là người tốt, giúp mình rất nhiệt tình”, chị Phương cười nhớ lại.
Từ đó, cả 2 trở thành bạn tốt của nhau trong vòng 6 tháng và anh Dalen đã cầm cưa được chị sau đó. Chia sẻ về kỷ niệm hẹn hò của mình, chị Phương lại bật cười khi nhớ lại món quà là chiếc vòng hoa đám ma anh tặng chị trong buổi hẹn hò lãng mạn đầu tiên.
“Khi mình đồng ý hẹn hò một vài ngày, Dalen đề nghị gặp ở phòng KTX của mình để tặng cho mình một món quà nho nhỏ. Khi Dalen gõ cửa, mình mở cửa phòng thấy vòng hoa màu trắng, màu tím, mình muốn té xỉu vì vòng hoa này là vòng hoa đám ma chứ không phải để tặng người yêu.
Người châu Á mình rất cấm kỵ điều này, tự nhiên khi không đến phòng bạn gái tặng vòng hoa giống như đám ma nên mình sững người. Mình hỏi “Ủa sao bạn lại tặng mình hoa kỳ vậy?” và mình giải thích ý nghĩa của nó.
Trong khi đó, Dalen là người nước ngoài thấy vòng hoa tưởng màu tím lãng mạn. Hơn nữa, anh bị một ông chủ bán hoa Vũ Hán lừa nói vòng hoa này tượng trưng cho sự lãng mạn của tình yêu và bán cho anh với giá cắt cổ 100 nhân dân tệ (khoảng 20-30 đôla tương đương hơn 500 nghìn tiền Việt)”, chị Phương cười nhớ lại món quà “dở khóc dở cười”.
Anh chị yêu nhau 4 năm mới kết hôn.
Chị Phương và anh Dalen yêu nhau 4 năm mới tiến tới hôn nhân, trong khoảng thời gian 4 năm ấy, anh chị cùng nhau trải qua rất nhiều kỷ niệm. Sau khi hết học bổng thạc sĩ, anh chị cùng xin học bổng tiến sĩ tại một trường Quảng Châu và một trường Vũ Hán. Tuy nhiên trớ trêu thay, chị đậu ở một trường Vũ Hán còn anh đậu ở một trường Quảng Châu. Vậy là cả 2 yêu xa từ đó. Dẫu từ Quảng Châu đến Vũ Hán cách nhau mấy trăm km, đi tàu lửa hết 10 tiếng còn tàu cao tốc hết 4 tiếng nhưng cuối tuần nào thứ 6, anh Dalen cũng đi xe lửa về Vũ Hán thăm chị rồi chủ nhật quay lại Quảng Châu học. Chính hành động ấy của anh khiến chị cảm động rất nhiều.
Chị Phương cho biết, chị ở Việt Nam, anh Dalen ở Canada. Cả 2 gặp gỡ và học tập ở Trung Quốc. Tuy nhiên buổi gặp gỡ đầu tiên của chị với mẹ chồng tương lai không phải ở Trung Quốc mà ở Việt Nam vào năm 2012. Anh Dalen đã rủ mẹ về Việt Nam chơi vì có bạn ở đây sẽ thuận tiện cho việc đặt khách sạn, vui chơi hơn. Lần gặp mẹ chồng tương lai đầu tiên, chị Phương bị ấn tượng bởi sự hiện đại, sexy dù mẹ chồng đã hơn 60 tuổi. Không chỉ vậy, bà còn là người vô cùng trau chuốt vẻ bề ngoài, một ngày có thể thay 5-6 bộ quần áo mỗi lần ra ngoài. Chị nhớ, thời điểm đó cũng là Tết Nguyên Đán ở Việt Nam nên gia đình chị và gia đình anh Dalen cũng có bữa cơm thân mật với nhau vào mồng 3 Tết.
Anh Dalen cầu hôn chị Phương.
Chia sẻ về màn cầu hôn của mình, chị Phương cho biết, sau khoảng 1 năm hẹn hò như trúng phải tiếng sét ái tình nên anh Dalen đã quyết định cầu hôn chị. Anh cùng mẹ đã lên kế hoạch mời chị đi du lịch ở đảo Bali, Indonesia và cầu hôn chị ở đây.
“Đi du lịch, mẹ anh thuê căn biệt thự rất đẹp, lộng lẫy ở Bali. Có 1 hôm mẹ bảo mọi người phải mặc đẹp, mặc áo dài nha để chụp hình với nhau làm kỷ niệm tại Bali. Mình nghi rồi, thậm chí mẹ còn dậy sớm ủi áo dài cho mình. Trong lúc chụp hình, mẹ tặng mình bộ trang sức và sau đó anh Dalen quỳ xuống cầu hôn mình”, chị Phương chia sẻ.
Sau 2,5 năm cầu hôn, chị Phương và anh Dalen quyết định tổ chức đám cưới ở Việt Nam vào năm 2015. Trong đám cưới của chị, mọi người trong gia đình anh Dalen đều sang tham dự, bạn bè của anh chị từ Canada, Estonia, Malaysia, Trung Quốc,… cũng đều qua và làm nên một đám cưới vô cùng ý nghĩa với chị.
“Đêm động phòng của tụi mình vô cùng đáng nhớ, vợ chồng mình uống với khách quá say. Hơn nữa, trước đám cưới, mình phải làm luận văn tiến sĩ Trung Quốc rồi lo tổ chức đám cưới từ A-Z nên rất mệt. Đêm động phòng cả 2 thở phào nhẹ nhõm, lăn ra ngủ, anh Dalen còn ngáy khò khò”, chị Phương cười.
Anh chị tổ chức đám cưới năm 2015.
Sau khi hoàn tất thủ tục, chị Phương theo chồng sang Canada sinh sống. Thời gian đầu mới sang chị rất bất ngờ về phong tục tiêu tiền riêng và vô cùng sòng phẳng giữa bố mẹ với con cái. Thậm chí đi ăn ở đâu, mọi người đều chia đôi hóa đơn, kể cả thuế phí phục vụ.
Không chỉ vậy, chị còn choáng ngợp bởi sự thân thiện của người Canada khi đi đâu trên đường, dù mới gặp lần đầu cũng đều chào nhau, hỏi han về sức khỏe, công việc như thân thiết từ rất lâu.
Đến nay sau 5 năm kết hôn, chị đã quen dần và thích nghi với cuộc sống nơi đây. Sau khi kết hôn, vợ chồng chị chững chạc hơn, lãng mạn hơn xưa, yêu và hiểu nhau nhiều hơn. Ông xã chăm sóc chị từng ly từng ý. Mỗi khi đi làm mệt, anh lại hỏi thăm, mát xa cho chị trước khi đi ngủ. Khi có con, anh nghỉ một tháng chăm sóc bé 24/24 trong 2 tuần đầu để chị chỉ việc ngủ và chăm con ban đêm 2 tuần kế tiếp để chị có giấc ngủ ngon phục hồi sức khỏe. Không chỉ vậy, anh còn chia sẻ việc nhà từ giặt giữ, nấu ăn, rửa chén, hút bụi, cất quần áo,… cho chị.
“Anh là một người chồng hoàn hảo. Anh chăm sóc nấu những món ăn Việt Nam cho mình như trứng mắm, canh chua, cá kho tộ,… Anh còn thích ăn những món Việt Nam như mắm tôm, mắm ruốc, nước mắm nữa. Hai vợ chồng mình chăm sóc nhau tốt quá nên cả 2 đều mập lên được 10kg”, chị Phương cho hay.
Theo chị Phương, để cuộc sống sau hôn nhân mãi hạnh phúc như thuở còn yêu, mọi người nên trò chuyện với nhau những lúc khó khăn, nên ngồi nói chuyện với nhau khi cãi nhau xong và đừng bao giờ để chiến tranh lạnh xảy ra trong ngôi nhà của mình. Như vậy thì cuộc sống hôn nhân mới bền chặt, hạnh phúc.