Con em cộng đồng người Việt tại trời Âu nỗ lực học và gìn giữ tiếng Việt.

Cộng đồng người Việt có khoảng 80-100.000 người đang sinh sống ở nhiều thành phố của nước Nga. Con em trong cộng đồng, những thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên tại Nga luôn được các bậc cha, mẹ hướng cho học tiếng Việt để nhớ về cội nguồn, hiểu biết về truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

 

Có thể nói, các gia đình người Việt đang sinh sống ở nhiều thành phố khác nhau của nước Nga đều ý thức được tầm quan trọng của việc cho con em học tiếng Việt. Trước hết, đây là phương tiện giao tiếp, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng và với họ hàng, dòng tộc ở quê hương.

Vì vậy, được sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Ekaterinburg (thủ phủ của vùng Ural), Hội người Việt tại tỉnh Svedlovsk, cũng như một số cá nhân trong cộng đồng, lớp học tiếng Việt dành cho con em các gia đình đã được khai giảng vào mùa hè năm ngoái (2018). Đều đặn vào hai buổi chiều trong tuần, các em được cha, mẹ đưa đến lớp, đặt tại Trung tâm thương mại Hà Nội.

 

Lớp học tiếng Việt ở thành phố Ekaterinburg.

 

Anh Lê Thanh Hải – một phụ huynh có con theo học tại đây, cho biết: “Theo tôi nghĩ, mình là người Việt Nam thì con mình phải biết tiếng Việt để nhớ về cội nguồn, để về Việt Nam thăm ông bà. Cháu học hai buổi, thứ Hai và thứ Bảy. Các cháu nhà tôi biết chữ cái, đánh vần được rồi, nói hơi kém, nhưng chắc sẽ tốt thôi. Về nhà lúc rảnh rỗi, ngày nghỉ thì hướng dẫn thêm cho các cháu.”

 

Cô giáo hướng dẫn học sinh viết bài.

 

Anh Hải có vợ là người Nga, nên các con của anh đều nói được tiếng Nga, nhưng như anh quan niệm, cần phải cho các con học tiếng Việt để hiểu biết về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc. Nhiều phụ huynh ở đây có chung suy nghĩ như anh, do đó nhu cầu cho con em học tiếng Việt là rất lớn. Đây là thuận lợi để mở lớp. Tuy nhiên, dạy tiếng Việt cho các em ở môi trường chủ yếu nói tiếng Nga không hề đơn giản.

Cô giáo Đinh Thị Tuyết Mai, đang là sinh viên năm thứ 6 trường Đại học Y-Thành phố Ekaterinburg chia sẻ: “Em dạy lớp tiếng Việt được gần 1 năm, khó khăn rất nhiều. Có em còn nhỏ, 7 tuổi, vừa vào lớp một, có em lớn hơn đã có ý thức, đã học tiếng Anh thì các em học dễ hơn. Em phải chia giờ học làm sao cả lớp đều muốn học. Khó khăn nữa là có em thì mẹ hoặc bố là người Nga, có gia đình thuần Việt: một môi trường toàn nói bằng tiếng Nga, hoặc ngược lại toàn nói bằng tiếng Việt, nên em phải sử dụng cả tiếng Việt và Nga để cả lớp đều hiểu”.

Cô giáo Mai sang Nga sinh sống cùng với bố, mẹ từ 14 năm trước, thành thạo cả tiếng Việt và tiếng Nga. Cùng với tình yêu trẻ em, không đặt nặng về chế độ thù lao, cô Mai đã và đang đồng hành với các em ở lớp tiếng Việt này.

 

Cô giáo tặng quà cho các em ở lớp tiếng Việt tại thành phố Kazan do nỗ lực học tập.

 

Ông Ngô Phương Nghị – Tổng lãnh sự Việt Nam tại Ekatetinburg cho biết, sách giáo khoa cho các em sử dụng, do Bộ Giáo dục Việt Nam biên soạn, được cung cấp thông qua Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, bà con chỉ bỏ công vận chuyển sang. Nhưng chọn được giáo viên chuẩn về tiếng Việt lại không dễ.

“Quả thật tìm giáo viên là quá trình khó khăn của cộng đồng, bởi vì cộng đồng yêu cầu giáo viên chuẩn về tiếng Việt, không bị giọng quá nặng hoặc vùng miền, và phải có tri thức”, ông Nghị nói. “Có giáo viên trưởng thành ở đây, tiếng Nga tốt nhưng tiếng Việt phải chuẩn, chúng tôi sàng lọc kỹ, cuối cùng cũng tìm được. Tiêu chuẩn nữa là giáo viên phải tâm huyết. Đến giờ tôi thấy các giáo viên ở đây rất tâm huyết, vì các cháu.”

Cũng thuộc vùng Ural, nhưng ở thành phố Kazan, từ 3 năm nay đang duy trì được hai lớp dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng. Theo ông Đàm Danh Lam – Chủ tịch Hội người Việt tại Kazan, tất cả cộng đồng người Việt ở Nga đều có nhu cầu về tiếng Việt, đây là vấn đề cấp bách, nhưng không phải tỉnh nào cũng làm được.

“Dạy tiếng Việt ở Nga rất khó, phải có cô giáo, cần sự chuyên nghiệp của giáo viên. Cộng đồng thì quỹ hạn chế, để thuê một giáo viên ở Việt Nam sang chi phí rất lớn. Hàng ngày các cháu đi học, buổi chiều các cháu về thì thời gian rất ít, chỉ có thể dạy vào thứ Bảy, Chủ nhật. Phải làm sao con cháu thích đến học”.

Ông Lam rất mừng là hai lớp tiếng Việt, tổ chức ở nhà Hữu nghị-thành phố Kazan, đang được các giáo viên dạy ngày càng có chất lượng hơn, tạo được sự thích thú, thu hút các em đến học. Không những thế, đến đây các em còn được học hát, múa, vẽ tranh, tìm hiểu về truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc qua các hoạt động chung như tổ chức Tết thiếu nhi, rằm Trung thu, Tết cổ truyền…

Những nỗ lực của các bậc cha mẹ và cả cộng đồng cũng như tự thân các em trong việc học tiếng Việt đều hướng đến đích chung là các thế hệ trẻ người Việt ở Ekaterinburg, ở Kazan, ở nhiều thành phố khác của nước Nga đều thành thạo tiếng Việt, hiểu biết, trân trọng những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc; góp phần mình vào xây dựng quê hương, đất nước./.

Nguồn: Anh Tú/VOV-Moscow