COVID-19: Thế giới trên 1,2 triệu người t ử vong; Châu Âu ngày càng nghiêm trọng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 463.124 trường hợp mắc COVID-19 và 5.727 ca t ử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 50,7 triệu người.

Chú thích ảnh
Khu vực cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Maria ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 50.713.104 ca, trong đó có 1.261.642 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 216 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 35.775.333 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 92.349 ca và 13.621.344 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 8/11, thế giới có tới 143 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, bang Victoria, Australia, ngày 19/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (96.363 ca), Ấn Độ (46.661 ca), Pháp (38.619 ca) và Italy (32.616 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 491 ca), Mexico (485 ca), Mỹ (480 ca) và Italy (459 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 10,1 triệu ca mắc, trong đó 243.290 trường hợp tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với hơn 8,5 triệu người mắc với 126.225 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với hơn 5,6 triệu ca mắc và 162.286 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mashhad, Iran, ngày 29/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước. Trong 24 giờ qua Philippines ghi nhận thêm 2.442 ca mắc COVID-19 – mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 19/10, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 396.395 ca, trong đó 7.359 trường hợp t ử vong.

Iran cũng ghi nhận số ca t ử vong trong 1 ngày cao chưa từng thấy. Theo Bộ Y tế Iran, nước này đã ghi nhận thêm 459 trường hợp không qua khỏi, đưa tổng số người tử vong tại nước này lên 38.291. Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện là 682.486. Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, nhà chức trách đã đóng cửa các trường học, thánh đường, cửa hàng và nhà hàng ở nhiều khu vực trên cả nước.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Suncheon, Hàn Quốc, ngày 8/11/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới hằng ngày đã tăng trở lại mức trên 100 ca, trong bối cảnh xuất hiện các ổ nhiễm mới gây lo ngại khi mùa Đông đang đến. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận thêm 143 ca nhiễm mới, trong đó có 118 ca lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca mắc COVID-19 lên 27.427 ca. Số ca nhiễm mới này tăng mạnh so với 89 ca ngày 7/11, song giảm nhẹ so với 145 ca ngày 6/11. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 478 ca.

Hiện giới chức y tế Hàn Quốc vẫn cảnh giác về tình trạng bùng phát các ổ nhiễm lẻ tẻ tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão và những cơ sở có xu hướng dễ lây nhiễm khác.

Chú thích ảnh

Bất chấp số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao, chính quyền Moskva chưa quyết định áp đặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt như giai đoạn đầu đại dịch COVID-19. Ảnh: Trần Hiếu – Pv TTXVN tại Nga
Tại châu Âu, Nga đã ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp có số ca nhiễm mới trên 20.000. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 20.498 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.774.334.

Các địa phương có nhiều ca nhiễm nhất là thủ đô Moskva (468.269 ca), tỉnh Moskva (91.524), và thành phố St. Petersburg (70.023 ca). Cũng trong 24 giờ qua, Nga có 286 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 trên cả nước lên 30.537 người.

Trong khi đó, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thông báo nước này sẽ ban hành lệnh giới nghiêm tại nhiều địa phương từ ngày 9/11 nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Cụ thể, lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt từ 23h hôm trước đến 6h hôm sau và có hiệu lực tại 121 trong tổng số 308 tỉnh này của nước này, trong đó có thủ đô Lisbon và thành phố Porto.

Ngoài ra, trong 2 tuần tới, người dân sẽ không được rời khỏi nhà từ 13h hôm trước đến 5h hôm sau vào hai ngày cuối tuần. Một số cửa hàng thương mại sẽ đóng cửa trong thời gian này.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Cascais, Bồ Đào Nha. Ảnh

Tại CH Séc, Ngân hàng Quốc gia Séc (ČNB) đã quyết định giữ nguyên các mức lãi suất ngân hàng với hy vọng lãi suất thấp sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, dự báo mới nhất của ČNB về phát triển kinh tế năm nay có phần lạc quan hơn so với những dự đoán trước đây, dù nhận định tình hình năm sau sẽ tiêu cực hơn.

Thống đốc ČNB Jiří Rusnok cho biết dự báo năm nay mức suy giảm kinh tế Séc khoảng 7,2% và tăng trưởng khoảng 1,7% trong năm tới. Trước đó, dự báo của ČNB nhận định suy giảm kinh tế năm nay khoảng 8,2%, và tăng trưởng 3,5% trong năm 2021 và 4,2% vào năm 2022. Theo ông Rusnok, hiệu suất của nền kinh tế Séc kể cả đến cuối năm 2022 cũng không thể đạt được mức trước khủng hoảng dịch bệnh hồi đầu năm nay.

Trong khi đó, người phát ngôn ČNB Markéta Fišerová cho biết Hội đồng Ngân hàng quyết định giữ nguyên các mức lãi suất cơ bản, với lãi suất thương mại tiếp tục là 0,25%. Theo các chuyên gia kinh tế, mức lãi suất này khả năng sẽ được duy trì trong thời gian dài.

Chú thích ảnh
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 8/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.213 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên gần 24.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 852 ca bệnh phát sinh và 4 ca t ử vong trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.029 ca bệnh mới và 24 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 23.985 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 156 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 999.300 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 867.109 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Việt Nam, Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 8/11.