Cuộc sống của sinh viên Y và những điều chưa ai nói với bạn

Người ta thường nói: “Cuộc đời chẳng mấy ai có thể đạt được như ý nhưng ít nhất bạn cũng có thể sống như bạn mong muốn. Thành công là điều ai cũng muốn có nhưng nếu thất bại bạn hãy tin rằng sẽ có lúc bạn mạnh mẽ hơn từ những điều làm bạn tổn thương. Kết quả không quan trọng, quan trọng là bạn đã làm được điều mà bạn muốn. Thế nên dù khó khăn bủa vây hay thất bại gần kề bạn cũng đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình”.

Đã có lúc tôi đã nghĩ mình sẽ từ bỏ giấc mơ đó. Có lẽ cuộc sống lúc đó quá khó khăn. Hồi tôi học lớp 2, bố tôi bị bệnh, bao nhiêu tiền bạc trong gia đình mẹ tôi bán hết để mua thuốc mong sao chữa lành cái căn bệnh quái ác này của bố tôi, một căn bệnh đã làm tiêu tan hạnh phúc của một gia đình. Dần dần gánh nặng trong gia đình tôi đặt lên đôi vai bé nhỏ của mẹ tôi. Hai đứa em trai và tôi vẫn còn quá nhỏ. Nhiều lúc mẹ tôi nói: “Thôi con nghỉ học đi để hai đứa em con đi học.”. Nghe câu nói ấy của mẹ tôi như sấm chớp qua tai, tôi như cứng người lại, lặng im và khóc thầm trong tâm. Tôi tự hỏi: “ Mình phải nghỉ học ư? Tôi sẽ không được đi đến trường nữa hả?” Với một đứa bé lúc đó có 12 tuổi ngoài việc học và làm nón giúp mẹ tôi thì tôi chẳng biết làm gì cả.

Tôi đã khóc khóc nhiều lắm và cũng chẳng biết mình sẽ làm gì đây. Tôi tự nhủ với mình là không được nghỉ học, học là con đường giúp mình thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Thế là mấy ngày sau tôi năn nỉ mẹ tôi: “Con sẽ cố gắng làm thật nhiều nón để rồi mẹ cho con đi học”. Bởi từ nhỏ lúc 8 tuổi tôi đã biết làm nón. Ở làng tôi, trẻ con giúp đỡ bố mẹ bằng công việc này. Trong thâm tâm mẹ tôi không muốn cho tôi dừng lại con đường học chữ bởi mẹ thấu hiểu hơn ai hết khi mẹ phải bỏ học bởi gia đình quá đông anh em. Vì quá túng thiếu nên mẹ cũng không biết phải làm sao. Và thật may mắn cho tôi, lúc đó biết được hoàn cảnh của tôi, cô giáo chủ nhiệm đã giúp tôi xin một học bổng để giúp tôi có thể tiếp tục đi học.

Kết quả hình ảnh cho sinh viên y

Ảnh minh họa.

Năm tháng cứ trôi qua, dần tôi cũng lớn và học xong lớp 12. Khi biết mình đậu cả 2 trường đại học, tôi vô cùng vui sướng biết bao. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ đi học ở trường Đại học Sư phạm và trở thành một cô giáo vì sẽ không tốn tiền học phí. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn muốn trở thành một bác sĩ khi tôi ý thức được trong gia đình mình có bao nhiêu người đau ốm: bố tôi, mẹ tôi… Khi tôi trở thành bác sĩ, tôi có thể giúp bố tôi, mẹ tôi và những người hàng xóm xung quanh mình. Chính lúc đó, khi biết đến Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin thì tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết và tôi sẽ có cơ hội thực hiện được ước mơ của mình rồi.

Trong gia đình, ngoài mẹ tôi thì tôi thương đứa em trai út của tôi nhiều nhất. Em tên là Bôn. Bôn học rất giỏi. Từ một ngôi trường tiểu học nhỏ gần làng tôi, Bôn thi đậu vào trường THCS Nguyễn Tri Phương, một ngôi trường lớn ở thành phố Huế mà bất cứ học sinh cấp 2 nào cũng muốn học. Với thân hình nhỏ bé của một cậu học trò lớp 5 ở nông thôn, vậy mà Bôn vẫn cứ quyết tâm theo học ở đó. Với cái tuổi ấy, các bạn cùng trang lứa được bố mẹ đưa đón vậy mà Bôn phải tự xoay sở một mình. Hàng ngày, Bôn phải dậy từ rất sớm 5 giờ 30 phút để đạp trên chiếc xe đạp cũ để đến trường với quãng đường dài hơn 12 km. Dù mưa gió thế nào, Bôn vẫn vui vẻ ngày ngày đến trường.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ngày đó, ngày mà tôi không thể nào quên được. Đó là vào tháng 10, năm Bôn học lớp 6. Ở Huế, vào tháng này thời tiết đã se lạnh và thường mưa liên miên. Đối với học sinh nông thôn thì đây là những tháng vất vả nhất vì trời thường mưa to, gió lớn và hay có lụt, đường đến trường đầy “ổ voi với ổ gà”. Chiều hôm đó cũng là một ngày mưa to. Cả nhà đang lo lắng là đã hơn 7 giờ tối rồi mà Bôn vẫn chưa về. Lòng tôi nôn nóng và nhìn mãi ra ngoài sân để xem Bôn đã về chưa. Khoảng hơn 7 giờ 30 thì Bôn về đến nhà. Tôi như nhẹ nhõm được cả người. Thấy tay Bôn nhem nhuốt dầu mỡ xe đạp còn lốp xe bị xẹp thì tôi hiểu tại sao Bôn lại về muộn rồi. Vậy mà khuôn mặt Bôn vẫn cứ vui vẻ và tươi cười khi mẹ tôi hỏi: “Xe con chỉ bị hư thôi mà!”.

Thực ra tôi biết xe đạp Bôn bị hỏng, trên đường đi học về do trời tối quá các quán sửa xe đã đóng cửa hết nên Bôn đành dắt xe đi bộ về nhà với quảng đường hơn 7km trong trời mưa tối và bụng đói. Thế là qua lần đó, tôi đã nói với mẹ lấy một ít tiền từ số tiền mà tôi nhận được từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin để mua cho em một chiếc xe đạp mới.

*******

Thấm thoát đó mà đã được 5 năm rồi, tham gia ngôi nhà chung PVFC là một niềm vinh dự đối với em. Năm năm học tập dưới môi trường đại học cộng với sự quan tâm của các anh chị trong Quỹ, tôi thấy mình thật sự mạnh dạn hơn, biết được nhiều hơn và trưởng thành hơn. Có cơ hội được tiếp xúc và gặp gỡ các bạn sinh viên trên khắp cả nước, các bạn có hoàn cảnh tương tự như mình, thậm chí còn khổ hơn mình. Mùa hè năm ngoái, có lẽ tôi là một thành viên trong nhóm Huế có cơ hội may mắn cùng với chị Vân (bên Quỹ) đến huyện A Lưới – tỉnh Thừa Thiên Huế, một huyện vùng núi nghèo của tỉnh. Đó là một ngày khó quên khi được cùng chị Vân trò chuyện suốt dọc đoạn đường dài. Hôm đó, chị phụ trách lên trao học bổng cho các học sinh nghèo của huyện A Lưới và mấy trăm quyển vở mới của Quỹ cho trường tiểu học nơi đây.

Suốt dọc đường đi mới biết được nỗi khó khăn của người dân ở nơi này. Bởi vì hôm trước trời mưa nên sáng hôm đó xe của chúng tôi phải dừng lại rất nhiều lần để chờ xe cẩu xúc đi những bãi đất đá ở trên đường. Khi đến nơi thì đã hơn 11 giờ, ai nấy đều đói bụng. Vậy mà khi thấy các em nhỏ vui sướng nhận những phần học bổng của chị Vân trao chúng tôi quên đi hết những mệt mỏi. Tôi cảm nhận được niềm vui của các em, cũng giống như khi tôi nhận được học bổng của Quỹ vậy. Khuôn mặt của các em háo hức mừng rỡ. Khi chị Vân đại diện Quỹ phát biểu về Quỹ học bổng, tôi nhận thấy được ý nghĩa nhân văn của Quỹ, sự hình thành và phát triển của Quỹ hơn bao giờ hết. Sau đó, chúng tôi đến ngôi trường cấp 1 cách đó khoảng 3km. Mọi người trong nhóm cùng mang những quyển vở của Quỹ để trao cho các em. Đó là trải nghiệm khó quên mà lần đầu tiên tôi được cùng các anh chị làm một chút gì đó cho quê hương của chính mình.

Việc học tập cũng có những nét tương đồng như bao bạn sinh viên khác nhưng có lẽ cũng có những điểm khác so với các ngành học khác, bởi ngành Y thì cần phải thực tập thường xuyên trong một môi trường đặc biệt, môi trường bệnh viện và tiếp xúc hàng ngày với những người bệnh. Trong những năm thực tập tại nơi đây thì có lẽ buổi trực đầu tiên tại khoa Nội Thận – Bệnh viện Trung ương Huế khi tôi là sinh viên năm thứ ba là một đêm đáng nhớ nhất. Đêm đó tôi được phân công cùng trực với người bạn cùng lớp. Hai đứa còn khá bỡ ngỡ với môi trường bệnh viện. Tôi được giao nhiệm vụ đi đo huyết áp và đếm mạch cho tất cả bệnh nhân trong hai phòng bệnh. Sau khi đo xong thì tôi cảm thấy yên tâm khi tất cả bệnh nhân đều có chỉ số huyết áp và mạch khá ổn định. Một lát sau, có người nhà bệnh nhân đến báo là có một bệnh nhân không được khỏe, khó thở, tím tái. Tôi nhanh chóng cầm máy đo huyết áp đến thì nhìn thấy một bệnh nhân nữ khoảng 30 tuổi với vẻ mặt xanh xao, tôi cảm nhận được sự mệt mỏi, đau đớn trong con người chị.

Tôi đo đi đo lại mấy lần mà vẫn không thể nào đo được, mạch của chị rất yếu. Tôi hốt hoảng nhanh chóng báo cho bác sĩ trực và các chị y tá biết. Sau đó chị được chỉ định truyền máu, thở oxy và điều trị một cách tích cực. Ngồi bên cạnh chị là người chồng của chị. Tôi được biết là hai anh chị cưới nhau đã được hai năm và có một bé gái 1 tuổi. Xem bệnh án tôi biết là chị mắc bệnh Lupus ban đỏ, một bệnh tự miễn hiện vẫn chưa có thuốc để điều trị. Bệnh này hay gặp ở phụ nữ trẻ tuổi và thường tử vong muộn nhất là ba năm sau khi phát hiện bệnh với độ tuổi khá trẻ. Thật không may mắn cho chị khi chị chỉ được hưởng hạnh phúc quá ngắn ngủi với chồng con. Chị được chẩn đoán bệnh khá muộn, chỉ sau vài tháng thì bệnh chị xấu dần và phải nhập viện.

Một giờ sau khi truyền máu thì các dấu hiệu sống của chị vẫn không có dấu hiệu khả quan. Nhìn vẻ mặt ốm yếu xanh xao và những giọt nước mắt trên đôi mắt chị tôi nghĩ tại sao một người phụ nữ trẻ như thế tại sao lại phải ra đi quá sớm như vậy. Cả ê kíp cứ như vậy và đành ngậm ngùi nhìn chị ra đi trong yên lặng, thậm chí chị vẫn chưa nhìn thấy đứa con gái của mình lần cuối. Người chồng yêu quý của chị bật khóc ở hành lang. Cả phòng bệnh như lặng yên hẳn, chẳng có ai nói câu gì. Qua câu chuyện cảm động của chị làm tôi yêu và trân trọng cuộc sống này hơn nữa. Mình thật hạnh phúc và may mắn khi được sống mạnh khỏe hơn bao nhiêu người khác. Và mình cần sống sao cho có ý nghĩa trong cuộc đời này để xứng đáng với những gì mà mình nhận được trong đời, vui vẻ đón nhận những gì sẽ đến với mình bởi vì đó là cuộc sống…

Theo Nguyễn Thị Thủy/ Đại học Ydược Huế