Cuộc sống du học với những niềm vui “nhỏ mà không nhỏ”
Đó là những khoảnh khắc bạn biết mình đã thực sự trở thành một phần của cuộc sống du học, dù đơn thuần đó chỉ là khi nhận được nụ cười của một khách hàng nơi quán ăn bạn đang chạy bàn hay được một người bạn bản xứ rủ đi thư viện.
Ngày của những khách hàng hào phóng
Katie Le (du học sinh tại James Cook University, Úc) mới đây đã chia sẻ trên Facebook của mình về một ngày làm việc vô cùng đặc biệt: “20AUD, đó là tiền tip mà tôi nhận được ngày hôm nay từ cặp vợ chồng người Úc, vốn là khách quen của nhà hàng. Cứ như thường lệ, vào dịp cuối tuần, hai vợ chồng lại tới và gọi khá nhiều đồ ăn, tụi tôi vẫn hay đùa họ là những vị khách VIP. Hôm nay họ lại đến sau 2 tuần trở về từ chuyến du lịch quanh châu Âu. Chỉ gọi những món nhẹ vì họ nói đã ăn khá no sau bữa trưa. Lúc ra đưa hóa đơn tính tiền, người vợ mỉm cười đưa tiền và còn nhét vào tay tôi thêm 20AUD, “it’s for you, darling”. Tôi đã rất bất ngờ vì ở Úc vốn không có văn hóa tippings, và nhà hàng vốn cũng không có tiền lệ nhận tiền tips, huống hồ giá trị order chỉ tầm trên 50AUD, mà tiền tips những 20AUD. Tôi đã từ chối và mỉm cười trả lời “No, it’s my job”. Người vợ vẫn cố nhét tiền, và nói rằng, họ chỉ muốn cám ơn vì tôi đã luôn đón tiếp họ bằng “the happiest smile” và vì thái độ phục vụ số một, hết sức tận tình của tôi”.
Katie chia sẻ thêm, đó là lần đầu tiên trong quãng thời gian làm thêm thời du học mà cô bạn nhận được tiền tip nhiều như vậy (vì thông thường tiền tip chỉ từ 10-20% giá trị của hóa đơn, tùy thuộc vào nền văn hóa – Hotcourses). Nhưng có lẽ, niềm vui lớn nhất của Katie đó chính là tình cảm mà hai người khách quen đã dành cho cô sự thân thiện của cô bạn và áp lực công việc ngày hôm đó chắc hẳn đã ít nặng nề hơn rất nhiều.
Hotcourses khuyên bạn: Nếu làm thêm tại các nhà hàng, khách sạn hoặc những công việc trong ngành dịch vụ nói chung, bạn nên luôn giữ nụ cười hoặc ít nhất thể hiện thái độ thân thiện trong khâu phục vụ. Điều này không chỉ giúp gây thiện cảm với khách hàng, chủ quán, đồng nghiệp mà còn có thể giúp bạn kiếm thêm thu nhập nhờ vào tiền tip hoặc những khoản thưởng cuối tháng nữa đấy!
Thêm một người bạn, thêm một niềm vui
Lê Trung Hiếu, đại sứ trường học (student ambassador) tại Đại học Southampton, lại rất vui khi được được một “đàn em” người nước ngoài nhớ đến mình. Chuyện là anh bạn kia đã từng tham gia Open Day cách đây 2 năm và ở trong nhóm mà Hiếu phụ trách. Sau 2 năm, cậu học sinh đó khi nhìn thấy Hiếu đã lại gần vui vẻ bắt tay trò truyện rằng cậu vẫn rất ấn tượng, nhớ Hiếu là “người Việt Nam” và học “ngành Đóng Tàu”. Niềm vui lớn nhất của Hiếu là khi anh bạn kia cho biết sẽ trở thành sinh viên của ĐH Southampton tháng 9 năm nay. Chia sẻ trên Facebook, Hiếu tâm sự: như vậy, mình cảm thấy mình đã hoành thành tốt nhiệm vụ quảng bá hình ảnh như một đại sứ cho khóa học, ngôi trường và về con người Việt Nam. ”
Tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường Đại học sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm vui như vậy đấy. Cô bạn Catarina người Mexico của tớ cũng từng “đảm đương” chức vụ đại sứ trường học tại The Hague University of Applied Sciences. Ngoài việc nhận được một khoảng “thù lao” của trường mỗi khi tham gia triển lãm Đại học, phát triển các mối quan hệ với những chuyên gia trong ngành giáo dục, Catarina cho biết công việc này còn giúp cô bạn mở rộng mạng lưới bạn bè rộng khắp, trước hết là với những “đồng nghiệp” cũng là đại sứ trường học của những trường Đại học khắp Hà Lan, và nhất là các em học sinh sắp sửa vào học tại trường.
Andrew (du học sinh Pháp) vui vẻ kể về một người bạn Pháp mới thân: “Ở lớp mình là người nước ngoài duy nhất nên việc có được một người bạn Pháp khiến mình cảm thấy rất vui. Bọn mình thường làm việc nhóm chung và chia sẻ những chuyện cả trong và ngoài học tập”. Andrew cho lời khuyên: “Bạn nên chủ động bắt chuyện với bạn bè bản xứ, đừng ngại hỏi thăm họ về việc học cũng như đời sống. Tất nhiên bạn cũng cần một thời gian quan sát để chọn cho mình một người bạn thích hợp”.
Theo hotcourses.vn