Cuộc sống tối giản ở núi rừng Nam Mỹ của chàng trai Việt và vợ Tây
Chọn cách sống gần gũi với thiên nhiên nên vợ chồng anh Đức chỉ ăn trái cây, hạt ngũ cốc. Thỉnh thoảng anh chị luộc thêm sắn, khoai…
Theo đuổi tình yêu
10h sáng tại đất nước Ecuador, trong lúc vợ cho con gái ngủ, anh Lương Thanh Đức (36 tuổi, quê Nghệ An) dành thời gian trò chuyện cùng VietNamNet. Cuộc hội thoại xen lẫn tiếng chim, thú rừng hoang dã.
Để có chuỗi ngày bình yên và sống đúng lý tưởng, anh Đức trải qua không ít thử thách. Anh kể, để có được tình yêu của cô gái Mỹ tên Hanna Laren, anh phải theo đuổi từ Bắc vào Nam.
Anh Đức và vợ rất thích cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Anh nói: “Tôi tình cờ gặp Hanna khi đang làm việc tại đoàn làm phim ở Hải Phòng. Hanna sang Việt Nam du lịch và đọc được thông tin tuyển diễn viên người nước ngoài. Cô ấy đến ứng tuyển và quen biết tôi từ đó”.
Dù đã lưu Facebook của nhau nhưng cả hai không trò chuyện nhiều. Hanna trở về Mỹ sau chuyến du lịch ở Việt Nam. Tại đây, cô quyết tâm học tiếng Việt để trở lại Việt Nam sinh sống. Năm 2020, Hanna quay lại TP.HCM và bắt đầu trò chuyện với anh Đức nhiều hơn.
Thời điểm đó, anh Đức cũng cảm thấy nhàm chán với cuộc sống hiện tại. Anh muốn chuyển vào miền Nam. Lúc này, cô gái trẻ người Mỹ tâm sự với anh về dự dịnh rời TP.HCM đến Mũi Né (Bình Thuận) cho gần gũi thiên nhiên.
“Nghe cô ấy nói sẽ đến Mũi Né, tôi liền bảo mình cũng sẽ đến Mũi Né. Cô ấy tưởng tôi nói đùa nhưng tôi lại đến đó thật. Chúng tôi sống ở hai khu khác nhau của một homestay. Ngoài thời gian làm việc online, tôi cùng cô ấy chạy bộ, tham quan các cảnh đẹp ở đây”, anh Đức hào hứng kể.
Tiếp xúc nhiều, cả hai phát hiện ra điểm chung, cùng thích sống đơn giản và gần gũi với thiên nhiên. Sau gần một tháng ở Mũi Né, anh Đức quyết định tỏ tình với cô gái người nước ngoài.
Anh gửi cho cô một bài thơ, cùng lời đề nghị đi Đà Nẵng. Thế nhưng, cô gái không đồng ý dù có chút tình cảm với anh.
“Tôi mang theo nỗi thất vọng đến Đà Nẵng và nghĩ rằng tình yêu ấy không còn cơ hội nữa. Vậy mà, sau đó ít lâu, Hanna đến Đà Nẵng tìm tôi”, anh Đức chia sẻ trong niềm hạnh phúc.
Cả hai bắt đầu hành trình du lịch các tỉnh miền Tây, cùng nhau khám phá những vùng đất mới. Đến tháng 3/2021, Hanna mang thai, anh Đức vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, đến 8/2021, vợ anh quyết định một mình về thăm gia đình ở Mỹ.
Anh Đức không xin được visa đến Mỹ nên hai người bàn bạc sẽ gặp nhau ở một nước thứ ba khi Hanna sinh con. Vợ anh quyết định sinh con ở vùng núi cao hơn 3.000m so với mực nước biển tại Ecuador.
Gia đình anh Đức đoàn tụ sau thời gian dài xa cách.
Để đoàn tụ cùng vợ con, anh Đức trải qua một hành trình đầy khắc nghiệt. Ban đầu, anh đến Panama nhưng vừa đến nơi lại bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Sau 5 ngày vật vã ở sân bay, anh lên máy bay quay về Việt Nam. Về nước, anh tiếp tục bị cách ly nửa tháng.
Không bỏ cuộc, đến tháng 1/2022, anh xin được visa đi Peru. Từ Peru, anh đi đến Ecuador. Kết thúc hành trình rắc rối, anh cũng gặp lại vợ con giữa vùng rừng núi Nam Mỹ.
Anh Đức nhớ lại: “Lúc đến đây, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi cũng khá lạ lẫm trong lần đầu nhìn thấy vợ trong trang phục người dân tộc. Vợ tôi không đòi hỏi vật chất quá cao. Cô ấy biết quan tâm và thường phát tặng trái cây cho mọi người”.
Cuộc sống tối giản ở vùng rừng núi Nam Mỹ
Anh Đức đến sống ở Ecuador đã được 7 tháng, còn vợ anh sống ở đây được 10 tháng. Vợ chồng anh thuê một căn nhà có vườn rất rộng, có nhiều loại trái cây khác nhau.
Ngôi nhà được xây dựng trên một ngọn núi cao, cách xa thành phố. Đa số nhà ở đây được làm từ gỗ và đất sét, có nhiều cửa sổ nhìn về các đỉnh núi.
Chọn cách sống gần gũi với thiên nhiên, cho nên vợ chồng anh Đức chỉ ăn trái cây, hạt ngũ cốc, thỉnh thoảng luộc thêm sắn, khoai…
Hanna hoàn toàn ăn trái cây, còn anh Đức ăn thêm một chút hải sản để có thêm các loại dưỡng chất.
Vợ chồng anh Đức sống tối giản nơi núi rừng Nam Mỹ.
Do ăn uống lành mạnh và thiền thường xuyên, cả hai không gặp quá nhiều vấn đề về sức khỏe. Buổi sáng của vợ chồng anh bắt đầu bằng việc ngồi thiền, nói những lời tích cực cùng với em bé, tập Yoga… Tiếp đó, anh tưới cây, làm vườn, thu hoạch trái cây.
Sau đó, cả nhà anh mang trái cây lên chợ ở trung tâm của làng để trao đổi các vật dụng cần thiết khác như: quần áo cũ, nông sản…
Mỗi ngày lên trung tâm của làng, họ có cơ hội gặp gỡ mọi người, em bé gặp được những em bé khác, các bà mẹ và em bé trò chuyện, chơi đùa cùng nhau.
“Hoạt động ở đây cũng khá đa dạng, không quá hẻo lánh, chỉ là mọi người sống cách xa nhau, gần gũi với thiên nhiên”, anh Đức cho biết.
Người dân sống ở đây có 50% là người địa phương, còn 50% đến từ các nước, chủ yếu là Mỹ, Canada, Anh, Pháp… Tại nơi này, anh Đức là người Việt duy nhất, người Châu Á cũng khá ít.
Từ đó, gia đình anh Đức có cơ hội gặp gỡ giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau, tham gia các hoạt động hiking (đi bộ đường dài) và trekking (leo núi). Ở đây có nhiều vùng núi hùng vĩ và cảnh quan rất đẹp.
Trong 7 tháng ở đây, anh Đức đã tham gia 20 buổi hiking, được ngắm nhìn nhiều khung cảnh tuyệt đẹp, những con thú hoang dã…
Anh nhớ có lần nhóm thực hiện hiking ở một ngọn thác rất xa, vừa đi vừa về mất khoảng 8 tiếng. Khoảng 20 thành viên của đoàn phải vượt suối, vượt núi… để thấy được thác nước hùng vĩ. Trong chuyến đi, cả đoàn đều bị thương, phải nhờ đến sự hỗ trợ của người dân địa phương.
Để có cuộc sống đầy trải nghiệm ở một đất nước xa lạ, anh Đức phải tận dụng nguồn thu nhập từ đầu tư bất động sản ở Việt Nam và khoản tiền tiết kiệm trước đây. Bên cạnh đó, anh và vợ cũng mở một số workshop (hoạt động thảo luận) về sức khỏe, dạy nhảy các điệu Latinh…
Con gái nhỏ của vợ chồng anh Đức sống ở môi trường trong lành và sẽ được dạy 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Tây Ban Nha.
Anh Đức chia sẻ: “Chúng tôi sống tiết kiệm, tối giản nhất có thể, ở vùng núi cao thì việc chi tiêu cũng rất ít. Chúng tôi thường sử dụng đồ cũ, quần áo cũ với mong muốn không làm ảnh hưởng đến môi trường”.
Theo anh Đức, hoàn cảnh sống tác động rất lớn đến tình cảm vợ chồng. Khi sống ở đây, họ chỉ tập trung vào con cái, chăm lo gia đình, ít cãi nhau.
Anh khẳng định Hana là nguồn động lực rất lớn, thúc đẩy anh rời bỏ mọi thứ ở Việt Nam để đi khám phá thiên nhiên.
Sang tháng tới, vợ chồng anh Đức sẽ khám phá các khu rừng on rộng lớn, tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng người dân bản địa. Họ dự định sống ở Nam Mỹ khoảng 2 năm, sau đó sẽ quay trở lại Việt Nam.