Cưới chồng Tây, vợ Việt “giao kèo” hẹn hò là anh trả: Cưới về tiền vợ giữ, mua nhà vợ đứng tên

Cưới anh chồng Pháp, cô vợ Việt thẳng thắn chia sẻ quan điểm về chuyện tiền bạc ngay từ đầu để đỡ mất lòng nhau. 

Mình để ý là những gì liên quan đến tiền nong rất dễ xảy ra mâu thuẫn nếu không có sự trao đổi, thống nhất ngay từ đầu. Đặc biệt là trong chuyện tình cảm, từ lúc hẹn hò cho đến khi chính thức trở thành vợ chồng về chung một nhà nếu không đồng quan điểm về vấn đề tiền nong là khó lòng hạnh phúc lâu bền. Gần đây, mình đọc được bài viết về chị Trịnh Thúy Hương (quê Quảng Ninh, đang sống và làm việc tại TP.HCM) và người chồng Pháp rất thú vị nên chia sẻ với mọi người nha.

hình ảnh

(Ảnh Vietgiaitri)

Để tình cảm được bền lâu, vợ chồng chị Hương đã thẳng thắn trao đổi quan điểm về tiền bạc ngay từ đầu. Theo đó, lúc hai vợ chồng còn hẹn hò, chị Hương đã thẳng thắn bày tỏ với bạn trai: “Em không biết bên Pháp thế nào? Chứ nhà em là con gái sẽ không phải “share” (chia sẻ các khoản phí) gì hết! Đó gọi là được nâng niu”.

Mình nghĩ đây là một sự thẳng thắn rất hiếm gặp, thậm chí nhiều phụ nữ Việt còn chưa trao đổi một cách không vòng vo như vậy với bạn trai. Do đến từ hai quốc gia, hai vùng văn hóa khác nhau nên chị Hương đã rạch ròi ngay từ đầu để dễ bề tính tiếp. Vợ chồng nói chung một ngôn ngữ, chung một nền văn hóa còn có những bất đồng quan điểm, huống gì là chuyện tình xuyên biên giới như chị Hương. Do đó, cách chị thẳng thắn đề cập đến vấn đề tiền bạc ngay từ đầu cũng không có gì là thực dụng hay “lợi dụng” mà muốn tìm tiếng nói chung, “giao kèo” để đỡ mâu thuẫn về sau này.

“Dẫu biết xã hội thay đổi, hướng đến bình đẳng giới và công bằng. Nhưng thật sự là mình ghét việc đó, mình không quen kiểu đó. Nên cứ thẳng thắn nói với anh ấy như thế.

Cưới xong, mình bảo với chồng là: Văn hoá Pháp thế nào em không biết. Nhưng phụ nữ Việt Nam là “tay hòm chìa khóa” trong nhà, phụ nữ giữ kinh tế trong gia đình, đó mới là người được tin tưởng và tôn trọng”, chị Hương chia sẻ.

Dĩ nhiên, việc bày tỏ quan điểm của bản thân là một chuyện và liệu nửa kia có đồng ý hay không là một chuyện khác. Trong trường hợp này, anh chồng quốc tịch Pháp của chị Hương đã đồng ý với vợ. Mình nghĩ, người chồng rất yêu vợ, nâng niu, trân trọng vợ nên đã không nề hà gì chuyện này. Có thể nhiều người phương Tây khá rạch ròi, sòng phẳng trong chuyện tiền bạc, vợ chồng sống chung hay bồ bịch hẹn hò là phải chia tiền chứ không đổ hết cho đàn ông. Tuy nhiên, người đàn ông của chị Hương tôn trọng vợ, hiểu văn hóa ở phương Đông và mở lòng đón nhận một cách thoải mái.

hình ảnh

(Ảnh Vietgiaitri)

Được chồng tin tưởng giao cho việc nắm giữ kinh tế trong nhà nhưng bản thân chị Hương không phải là người ỷ lại, dựa dẫm hay lệ thuộc hoàn toàn vào chồng. Chị làm trong lĩnh vực mỹ phẩm, làm đẹp, trang sức và marketing. Mỗi tháng, chị kiếm được thu nhập không hề nhỏ.

“Vợ chồng mình lấy nhau tay trắng, cùng nhau vượt qua bao khó khăn, vui buồn có nhau suốt gần 20 năm.

Ngoài việc thảo luận về “chủ trương kinh tế” của nhau xem có phù hợp không từ những ngày đầu bên nhau, mình và chồng còn có những quan điểm, “phân chia nhiệm vụ” rạch ròi – dựa trên phương châm nhận luôn đi kèm cùng cho đi, giúp chúng mình bên nhau một cách chân thành nhất”, người vợ tâm sự.

Mình nghĩ, một trong những cách giúp vợ chồng ngày càng hòa thuận, hiểu nhau hơn đó là thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của bản thân, trao đổi và tìm cách thống nhất với nửa kia. Ngoài ra, để giữ lửa trong hôn nhân, vợ chồng đều cần có trách nhiệm với tổ ấm của mình. Như trong câu chuyện này, chị Hương và chồng “phân chia nhiệm vụ” rạch ròi.

Sống với nhau đã gần 20 năm, vợ chồng chị có con gái lớn được 16 tuổi và con trai nhỏ lên 8 tuổi. Hai người luôn bàn bạc, trao đổi về các khoản chi trong nhà và cùng làm việc để vun đắp tổ ấm của mình.

Trong việc nuôi dạy con, chị Hương chia sẻ: “Mình phân công nhiệm vụ: Con học trường Pháp thì anh lo toan các kiểu từ nhập trường, dạy con học đến học phí cho tiện, chứ em hiểu gì tiếng Pháp đâu! Anh giỏi tiếng Anh, nhanh nhẹn thông minh hơn em thì du lịch anh lo hết.

Gu anh tinh tế sành điệu hơn mình nên đồ chơi, quà Noel, quà sinh nhật cho con và bạn của con anh cũng là người “phụ trách”.

Tụi mình sống ở Việt Nam, nên khi mua nhà, xe cộ gì mình đứng tên cho an toàn và nhanh nhất, giấy tờ, thủ tục mình lo. Tiền mua nhà anh sẽ chi vì thu nhập anh cao hơn vợ nhiều.

Mỗi lần đi biển hay lên rừng thì bố luôn dò đường trước rồi mẹ con theo sau. Nhất là việc bố phải trông con cho mẹ còn chụp hình “sống ảo”.

Nhưng nói thế không phải là mình ỷ lại hết vào chồng. Chồng mình cũng đâu có khờ để mình muốn làm gì thì làm.

Sự tin tưởng nằm ở sự tử tế chân thành mà cả đời mình muốn dành cho người khác, tử tế trong suy nghĩ, và việc làm nhỏ nhất. Bởi đó mới là giá trị mà mình được học từ mẹ mình và dạy dỗ con mình sau này”. 

hình ảnh

hình ảnh

Chị Hương vun vén rất khéo chuyện nhà cửa. (Ảnh Vietgiaitri)

Như chị Hương đã tâm sự, hai vợ chồng rất sòng phẳng, không có cảnh một bên chỉ toàn “cho” và một bên chỉ biết “nhận”. Dù bận rộn, chị Hương luôn tranh thủ để hoàn thành vai trò một người vợ, một người mẹ trong gia đình.

“Mình lấy chồng Tây, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt, chăm chồng, chăm con và hết sức vun vén gia đình nhỏ.

Mình rất thích nấu nướng, dọn dẹp, đi chợ, chăm con… nói chung việc nhà, cho dù có người giúp thì mình vẫn sẽ là người tự tay đảm nhiệm, từ thay tã, nấu ăn cho con, cho chồng.

Mình biết làm sao để sắp xếp cuộc sống, và chắc chắn phải nhờ chồng rất nhiều trong việc nuôi dạy con, và trong cuộc sống, mình không ôm hết được. Nhưng vợ chồng mình luôn phân chia làm sao để làm tốt nhất sở trường của mỗi bên”, người vợ Việt chia sẻ bí quyết giúp chị giữ lửa hôn nhân.

Chị Hương còn cho biết thêm, ngoài việc thẳng thắn nhưng vẫn cần tế nhị, cách thể hiện tình cảm của vợ dành cho chồng là luôn quan tâm đến những điều nhỏ nhặt, tinh tế. “Ví dụ, ông xã đi công tác mình sẽ luôn là người nâng khăn sửa áo, gấp từng bộ theo từng ngày, sắp từng viên thuốc bổ… Muốn được biết lịch trình trong ngày, giờ bay của anh. không phải mình “ghen” hay giám sát mà là sự quan tâm, lo lắng cho “nửa kia”.

Cuộc sống cứ vậy mà êm ấm trôi đi, ai tự làm tốt nhất công việc của mình. Có một điều mà mình thích nhất ở anh là suy nghĩ, nhìn nhận về người khác rất rộng rãi, ấm áp, tử tế.

Có những khi mình mệt, muốn từ bỏ một việc gì đó, anh sẽ luôn bên cạnh động viên, và có khi còn bảo: Nếu mệt quá anh sẽ nuôi em 6 tháng để em đi chơi, vui ghê!”, chị Hương chia sẻ.

hình ảnh

Thỉnh thoảng, mình đọc được một bài viết trên mạng xã hội về việc hẹn hò nhưng bạn gái không chịu “share” tiền hoặc than thở bạn trai thiếu ga lăng chi trả cho các buổi hẹn.

Cụ thể, có một chàng sinh viên đã đăng bài về cô gái mà anh mới làm quen và hẹn đi ăn ở buổi đầu gặp mặt. Trong dịp đi chơi riêng và cũng là buổi hẹn hò đầu tiên, hai người đã chạy vòng vòng bát phố, rồi ghé vào quán lề đường để lót dạ.

“Hai đứa đi ăn bên bờ hồ, đi ăn trứng lộn rồi chạy vòng vòng, cũng tốn kha khá tiền xăng. Công nhận em người nhỏ con nhưng ăn khỏe thật, ở bờ hồ ăn hết dĩa trái cây, 1 ly nước, bì tóp mỡ, qua bên này lại ăn thêm 3 quả trứng lộn, sức ăn còn hơn cả mình”, anh chàng kể.

Sau khi tính tiền, nam sinh cho biết “tình phí” tổng cộng 77 nghìn đồng và nhắn tin mong muốn nửa kia sẽ góp tiền với mình. Anh còn tỏ ra “hào phóng” khi chỉ đòi 35 nghìn đồng và còn “nói đùa” lẽ ra cô gái nên mời chầu ăn này vì cô là người rủ đi chơi.

Khi bị nam sinh nhắn tin đòi chia “tình phí”, cô nữ sinh đã chuyển khoản hẳn 77 nghìn đồng để “bao” chầu ăn hôm ấy. Xong xuôi, cô nàng block thẳng tay anh chàng này, thậm chí chặn luôn số điện thoại của anh.

Thấy nửa kia cư xử như vậy, nam sinh tỏ ra không biết lý do vì sao bản thân lại rơi vào tình cảnh này. “Đây là em tự mời chứ không ai ép hết, nói chuyện một thời gian thì cũng hiểu tính nhau cả rồi mà”, anh chàng chia sẻ.

Nam sinh còn cho rằng, do hiện tại vẫn còn phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ do đang đi học nên cần phải sử dụng đồng tiền hợp lý. Anh chàng còn cho rằng, nam nữ bình đẳng nên không có lý do gì mà con trai phải chi trả toàn bộ cho việc hẹn hò.

Cuối cùng, nam sinh này đã kết luận rằng: “Khi nào chính thức yêu thì khác chứ mới quen, gặp lần đầu thì chia tiền có gì sai, chắc gì đã tới được với nhau mà lại dỗi như người yêu như vậy”

Mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau về câu chuyện “tình phí’ nhưng theo phần đông ở Việt Nam, đàn ông thường chi trả toàn bộ phí hẹn hò vì như vậy thể hiện sự nâng niu, tôn trọng và ga lăng với nửa kia. Có vài người theo quan niệm phương Tây thì cho rằng các cặp đôi nên sòng phẳng, chẳng có lý do gì đàn ông phải trả toàn bộ chi phí trong những buổi hẹn hò

Mình nghĩ thế này, muốn theo phương Đông hay phương Tây đều là quyền của mỗi người và điều quan trọng là đôi bên phải trao đổi, thống nhất ngay từ đầu để về sau đỡ xích mích, mâu thuẫn. hư câu chuyện về người vợ Việt cưới chồng Pháp ở trên, một trong những bí quyết giúp chị duy trì hôn nhân gần 20 năm qua đó là rạch ròi, thẳng thắn trao đổi quan điểm của nhau ngay từ buổi đầu. Tuy vậy, dù thế nào cũng đừng quên “có qua có lại”, ví dụ bạn nữ thường được bạn trai chi trả trong các buổi hẹn hò thì cũng phải biết mời lại thay vì chỉ “nhận” và xem đó là chuyện nghiễm nhiên.