‘Đại gia‘ mua 10 máy bay: Tôi ăn chơi nổi tiếng ở Séc

Tự nhận là luôn xông vào việc khó nhất, ‘đại gia’ mua 10 máy cũng không giấu giếm ông ăn chơi nổi tiếng ở Séc.

Tự nhận là luôn xông vào việc khó nhất, ‘đại gia’ mua 10 máy cũng không giấu giếm ông ăn chơi nổi tiếng ở Séc.

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông Trần Văn Thắng còn được cộng đồng người Việt ở châu Âu gọi với một biệt danh rất đặc biệt Thắng “ngổ”. Có lẽ chất “ngổ” trong con người ông rõ nhất là “dám làm những điều người khác không dám làm”…

Ông Trần Văn Thắng – ông “chủ chợ” với mong ước đưa máy bay về “ươm mầm” đam mê và lòng dũng cảm cho nhiều người dân VN, hiện đảm đương nhiều chức vụ và cương vị khác nhau: Giám đốc khu vực châu Âu – Công ty Cổ phần Công nghệ Hành tinh xanh, Tổng giám đốc Omega Star Praha s.r.o., Giám đốc đối ngoại, Trưởng VP đại diện tại CH Séc – Công ty Cổ phần truyền thông Bóng đá VN,…Đó mới chỉ là 3 trong số rất nhiều các chức danh mà ông Thắng mới tiết lộ.

Thích làm cái khó

– Là một ông chủ sở hữu một chợ rất lớn, trị giá khoảng 20 triệu USD ở nước ngoài, điều gì khiến ông quyết định đầu tư vào việc mua 10 chiếc máy bay?

– Tôi thấy người Việt Nam mình đi lại quá khổ, bạn bè tôi ở nước ngoài đều đi bằng máy bay riêng, rất tiện.

Máy bay không chỉ giải quyết được các nhu cầu thiết thực mà nó phải đẳng ấp, đẳng cấp vì sao? Tôi không nói đẳng cấp là nhiều tiền, nhưng sẽ đẳng cấp khi đi cấp cứu, họp hành, công tác,… mà đi bằng máy bay.

Việc khai thác các tiện ích đặc biệt mà không phương tiện nào có được như rất nhanh chóng, không lo bị tắc đường,…chính là cái để thể hiện “đẳng cấp” phương tiện đi.


Ông Trần Văn Thắng trò chuyện với phóng viên 

Ở nước ngoài, nhiều người bạn tôi đã sử dụng máy bay cá nhân là phương tiện đi lại bình thường. Có người, trong sân nhà luôn có 3 – 4 chỗ để máy bay, tôi hỏi “vì sao nhà anh có 1 chiếc máy bay mà sao nhiều chỗ đỗ thế?”. Anh bạn tôi bảo là để thế cho bạn bè đến chơi còn có chỗ để máy bay.

Chính vì thế, khi anh Sơn (ông Cao Văn Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Hành tinh xanh – PV) nêu ý tưởng là tôi đồng ý ngay.

– Số tiền đầu tư cho dự án này có nhiều không, thưa ông?

– Bước ban đầu là 10 triệu USD để lấy vốn, tôi là thành viên sáng lập nhưng cũng chỉ có 5 – 10% trong số đó, khoảng tầm 1 triệu USD. Song đã là thành viên sáng lập thì phải đủ năng lực để theo cuộc chơi này, chứ không phải lấy tiền đi vay ngân hàng để đầu tư vào đây, kiếm lãi.

– Bắt đầu và đi đầu, lúc nào cũng khó, ông nghĩ sao?

– Thì trước nay tôi toàn làm cái khó, chứ có làm cái dễ bao giờ đâu. Chưa ai biết làm gỗ, thì tôi đã mang gỗ từ Kon Tum ra, rồi chưa ai biết làm tàu thủy thì tôi đã làm tàu thủy. Nhiều cái khác nữa….

Người có tiền, hạnh phúc là biết tiêu tiền.

– Đầu tư vào một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam, ông có sợ lỗ vốn?

– Đã kinh doanh không được nghĩ sẽ lỗ, đầu tư vào máy bay tôi nghĩ không thể lỗ vì dù thế nào 10 chiếc máy bay vẫn là của mình, vật chất không thể mất đi được.

Người có tiền sẽ kinh doanh theo nguyên tắc “thỏ ba hang”, phân tán đồng tiền theo định hướng để làm.

Thứ nhất, là định hướng làm sao để có thu nhập ổn định cho gia đình, để khỏi “mất vợ” và nuôi được con. Gia đình có tốt, thì công ty mới tốt và công ty tốt thì xã hội mới tốt.

Thứ hai, phải xác định công ty hoạt động cái gì? Nếu làm bất động sản thì phải có đất. Anh đi buôn bất động sản mà không có đất, toàn làm các dự án thì cuối cùng cái quan trọng nhất là đất vẫn không phải của anh.

Thứ ba là đất nước. Mình sinh ra lớn lên ở đâu thì phải yêu quý nơi đó. Quốc huy và Quốc kỳ phải tôn trọng vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người và đó là niềm tự hào dân tộc. Vì vậy, phải luôn nghĩ làm gì cho quê hương, đất nước và đầu tư để quê hương, đất nước mình phát triển.

Tôi cho rằng thành phẩm kinh tế làm ra được để đưa vào ý nghĩa, không nên nghĩ được gì, khai thác như thế mất gì. Được cái đã có. Còn cũng như con chim đầu mùa, hạt vương hạt vãi mà ta không làm được nữa, ta xảy đi mất, thì coi như ta chỉ được hưởng thế thôi.

Nếu người có tiền, hạnh phúc là được tiêu tiền. Đừng nghĩ tiếc tiền. Đấy là người không có tiền.

Muốn được bay, chỉ có cách đi học nước ngoài

– Lần đầu tiên ông được ngồi trên máy bay là khi nào?

– Là khi tôi được cử sang Tiệp học cán bộ nguồn.

– Tại sao ông lại chọn đi Tiệp?

– Hồi đấy, cán bộ nguồn đi học chủ yếu đào tạo ở Nga, còn nếu muốn làm giàu thì sang Đức, muốn ăn chơi xa hoa thì đi Tiệp. Tôi chọn Tiệp.

– Vậy ông thích đi nước ngoài vì muốn ăn chơi?

– Vì nhiều lý do. Đầu tiên, tôi thấy các ông ở nước ngoài, ông nào cũng béo đẹp, ăn mặc đẹp, nói chuyện sang trọng.

Hồi tôi đi, ông bố vợ tương lai còn động viên, “thôi Thắng ạ, con cố gắng đi nước ngoài học chính trị về làm cán bộ. Ngày mai con đi máy bay, hôm nay chú đưa con ra xem máy bay như thế nào, ngày mai con ngồi nó xì khói bay lên, thú vị lắm. Còn từ ngày kia, thì ngày nào cũng sẽ là ngày Tết”.

– Thời đó, muốn được đi máy bay có khó lắm không?

– Khó chứ. Máy bay là phương tiện Việt Nam chưa có nhiều, được bay lên bầu trời là thích lắm.

– Vì sao ông có biệt danh Thắng “ngổ”?

– Cái này cũng khó nói. Có thể vì tôi thích làm những cái người khác không làm được. Tính ăn chơi cũng có sẵn trong máu, tôi ăn chơi nổi tiếng ở CH Séc.

Tự thích ăn chơi, vì thế cũng phải tự kiếm được tiền để ăn chơi. Bố tôi tuy làm Thứ trưởng, nhưng thời đó cụ cũng không có gì, đôi dép cao su, rồi bộ quần áo bà ba là cùng, nhà thì Nhà nước cấp.

– Xin cảm ơn ông!