Đại gia Việt nổi tiếng một thời: Được mệnh danh là “trùm tài phiệt” cái gì cũng buôn, cuộc đời li kỳ đến khó ngờ
Cuộc đời lên voi xuống chó, ông Đời được trả tự do song mọi quyền hành đều mất hết, tài sản bị tịch thu, từ một tỷ phú trở thành kẻ trắng tay.
Giai đoạn 1950-1975, Sài Gòn có rất nhiều doanh nhân thành đạt, trong đó có ông Nguyễn Tấn Đời – “trùm tài phiệt” thứ thiệt. Ông đã viết hồi ký chi tiết về cuộc đời mình với nhiều tình tiết li kỳ như trắng tay làm lại cuộc đời từ đầu, buộc phải làm chủ ngân hàng sắp phá sản rồi vực dậy thành công, sang Canada bắt đầu lại từ con số 0.
Khởi nghiệp và thành công với nhiều ngành nghề
Ông Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 trong một gia đình giàu có và tiếng tăm ở Long Xuyên (An Giang) nên từ nhỏ đã được học hành tử tế. Năm 1945, ông lên Sài Gòn để học bậc Cao đẳng tiểu học song Cách mạng Tháng Tám nổ ra, việc học gián đoạn. Ông trở về quê nhà rồi lại lên Sài Gòn vì chiến tranh lan đến làng quê nhỏ.
Ngày đó ông Đời không tiền bạc cũng chẳng người thân, đành lân la khắp nơi tìm việc làm, đêm đến ngủ ngoài hiên một ngôi nhà ở đường Lý Chính Thắng (quận 3). Sau đó ông vào làm sổ sách cho một hãng buôn của người Pháp. Nhưng cảm thấy quá gò bó, ông quyết định bỏ việc, chọn nghề môi môi giới làm công việc mưu sinh. Ông tập trung vào hai mặt hàng vải vóc, vật liệu xây dựng và giàu nên nhanh chóng.
Ông Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 trong một gia đình giàu có và tiếng tăm ở Long Xuyên (An Giang).
Năm 1949, ông Đời tham gia vào ngành kinh doanh tiền tệ nhưng nhanh chóng phá sản. Ông không nản lòng, vẫn quyết định “khởi nghiệp”, thành lập hãng gạch Đời Tân và mau chóng vượt những đối thủ trong ngành gạch gói. Ông đã mua cả khu phố cạnh chợ Bến Thành để xây dựng nhà hàng Mai Loan cao 6 tầng – nổi tiếng sang trọng bậc nhất Sài thành với các tiện nghi lần đầu mới có ở Việt Nam lúc bấy giờ như tủ lạnh, máy lạnh…
Ông Đời tiếp tục kinh doanh khách sạn và cho thuê nhà, đặc biệt là cho thuê Building President. Ông nhanh chóng trở thành một trong số những người giàu có nhất đất Sài Gòn.
Năm 1952, vị doanh nhân sang Hồng Kông tìm thị trường chuyển ngân Sài Gòn – Paris – Hong Kong, đăng ký nhập cảng lưới đánh cá từ Nhật về Hong Kong rồi từ Hong Kong xin giấy nhập khẩu về Sài Gòn; xuất cảng gạo từ Sài Gòn sang Hong Kong, Singapore.
Năm 1953, ông Đời mở công ty quảng cáo, cạnh tranh mạnh mẽ với Công ty quảng cáo AIP của Pháp. Thậm chí ông còn lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh, lập Công ty Cửu Long Film, nhập phim từ Pháp về Việt – Campuchia – Lào rồi làm phụ đề cho thuê.
Năm 1955 – 1956, ông Đời sang Campuchia đấu giá hội chợ và hùn vốn mở một công ty nhập khẩu xe đạp và máy móc nông ngư cụ đem về tiêu thụ tại miền Nam. Ông nhập máy cày từ Âu – Mỹ về miền Nam bán cho nông dân.
Hình ảnh ông Đời vào khoảng năm 1970.
Ngoài ra ông còn tham gia vào nhiều ngành nghề khác, thu khoản lợi nhuận “không phải dạng vừa”. Nhờ đó tiếng tăm của ông ngày càng “bay cao bay xa” ở khắp vùng miền trên cả nước.
Năm 1967, Tín Nghĩa Ngân Hàng đứng bên bờ vực phá sản. Ông Đời lại là cổ đông lớn chiếm 16% cổ phần, buộc phải mua lại cổ phần của các cổ đông khác và huy động thêm khoản tiền lớn nhằm đảm bảo mức dự trữ tối thiểu để Ngân Hàng Quốc Gia cho phép hoạt động tiếp. Như vậy, ông một lần nữa bất đắc dĩ phải kinh doanh ngành nghề hoàn toàn mới lạ mà không hề có chút kiến thức nào.
Thời điểm ấy, ông Đời nhận thấy các ngân hàng chỉ tập trung vào khách hàng là công ty lớn, uy tín mà bỏ quên giới tiểu thương. Ông liền ra những chiến lược quảng cáo cách tân để đánh vào đối tượng này bằng cách quảng cáo rầm rộ. Đặc biệt ngân hàng còn tổ chức xổ số theo định kỳ, phần thưởng giá trị gồm tivi, cassette, máy may, xe máy, xe hơi…
Một điều rất mới mẻ mà chưa ai nghĩ đến chính là sử dụng logo cho ngân hàng. Ông Đời cho thiết kế logo là hình ảnh ông Thần tài cầm hai xâu tiền, tượng trưng cho sự giàu sang. Ngoài ra ông cho tiến hành nhiều cải cách tân tiến trong đội ngũ nhân viên của ngân hàng, mở thêm các chi nhánh…
Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Đời thành lập mạng lưới Ngân hàng Tín Nghĩa có 32 chi nhánh ở khắp miền Nam. Tài khoản ký thác lên đến 30 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền ký thác của các ngân hàng tư khác chỉ khoảng 18 tỷ đồng.
Năm 1971, ông Đời tham gia chính trường với danh vị hạ nghị sĩ quốc hội, đơn vị tỉnh Kiên Giang. Song sự bành trướng thế lực của ông đã gây khó chịu cho các đại gia, quan chức thời đó.
Năm 1974, các cơ sở của Ngân hàng Tín Nghĩa bị niêm phong, ông Đời ngồi tù tại Chí Hòa. Theo tin tức thời đó, ông đã phạm vào các tội làm Ngân hàng Tín Nghĩa mất cân đối thu chi và không còn khả năng chi trả cho khách hàng… Nhưng theo dư luận ông bị các đối thủ hạ bệ.
Trắng tay rồi có “chỗ đứng” ở nước ngoài
Năm 1975, ông Đời được trả tự do song mọi quyền hành đều mất hết, tài sản bị tịch thu, từ một tỷ phú trở nên trắng tay. Ông lang thang khắp nơi tìm vợ nhưng không thấy bởi trước đó bà đã sang Canada sum họp cùng con cái.
Lúc này ông Đời chạy vạy khắp nơi để lo đủ tiền sang đó đoàn tụ với vợ con. Tuy nhiên số tiền ấy đã bị bọn tổ chức vượt biên lừa gạt, ông dạt qua Thái Lan rồi đối diện với nguy cơ trục xuất về nước. Ông xin liên lạc với gia đình tại Canada và được chấp thuận. Sau đó ông được con trai bảo lãnh sang Canada.
Ông Nguyễn Tấn Đời (ngoài cùng bên trái) trong buổi dự lễ khánh thành xưởng ráp máy thu thanh và truyền hình tại Thủ Đức.
Tại vùng đất mới, ông năn nỉ con gái bán chiếc vòng cẩm thạch để làm vốn kinh doanh nhỏ kiếm sống qua ngày. Một lần ông vô tình gặp chủ một công ty người Nhật – người bạn làm ăn với ông khi còn ở Sài Gòn. Người này đã đứng ra giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để ông mở một nhà hàng Kobe tại Canada. Dần dần ông đã phát triển thành một hệ thống nhà hàng.
Năm 1980, vị tỷ phú đầu tư mở thêm hàng loạt chi nhánh tại tại Mỹ như Washington.DC, Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii, Floriada… Lúc này tên tuổi của ông lại nổi tiếng như thuở xưa.
Con cháu của ông Đời kể rằng khi thành công ở nơi đất khách quê người, ông dự định về Việt Nam xin phép kinh doanh các ngành nghề như trước kia. Song khi mọi kế hoạch đang được tính toán thì ông lâm bệnh rồi qua đời vào năm 1995 tại Mỹ.
Trong cuốn hồi ký, ông Đời từng bộc bạch:“Trên đường đời tôi đã gặp nhiều kẻ tiểu nhân tìm cách hãm hại bằng mọi cách hèn hạ và đê tiện. Tôi cũng gặp rất nhiều bậc quân tử, nhiều đấng quý nhân đã giúp tôi thành công, cứu tôi thoát chết”. Nhưng dù là ai đi nữa, ông đều coi họ là ân nhân bởi tất cả đã nung nấu ý chí, thúc đẩy ông đi đến thành công.