Đắk Nông: Xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép ở một số địa phương

Gần đây, trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp,… (Đắk Nông) đã xảy ra tình trạng các cá nhân, tổ chức tự ý khai thác đá để bán ra thị trường nhưng chưa được cấp phép. Trước thực trạng đó, Sở TN&MT Đắk Nông đã có công văn gửi đến các địa phương yêu cầu xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.

da1
Một điểm khai thác đá trái phép ở Tổ 4, P. Nghĩa Tân, TX.Gia Nghĩa

Tự ý khai thác đá

Chạy dọc tuyến đường tránh thuộc thị xã Gia Nghĩa đoạn qua địa bàn Tổ 4, phường Nghĩa Tân, xuất hiện một bãi khai thác khoảng mấy trăm khối đá nằm sát với mặt đường tránh. Thời điểm Phóng viên tác nghiệp, khoảng 11h ngày 14/11/2018, có một xe cuốc cỡ lớn cùng 4 đến 5 người đàn ông đang khai thác đá.

Theo những người thợ đá đang làm tại đây, họ được thuê chẻ đá với giá 1.400 đồng/viên, còn chủ bán ra thị trường khoảng 3.000 đồng/viên. “Bãi đá này của một người đàn ông tên là Dũng, khai thác để giải phóng mặt bằng, trước đây đã bị xử phạt rồi” – người được chủ đất thuê khai thác đá cho biết.

Ông Lê Văn Hưng – Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (TX.Gia Nghĩa) cho biết: “Đúng là khu vực khai thác đá ở đây chưa được cấp phép, trước đây xã có lập biên bản xử phạt rồi. Tuy nhiên, do khu vực này có quy hoạch đất ở nên tạo điều kiện để chủ đất phá đá lấy mặt bằng, còn nếu khai thác để kinh doanh thì không đúng quy định”.

da2
Đá sau khai thác được chất đóng ra sát đường để chờ tiêu thụ

Gặp khó khi xử lý

Cùng tình trạng trên, tại xã Đắk Wer (huyện Đắk R’Lấp) có rất nhiều khu vực đá tự nhiên bị khai thác một cách vô tôi vạ làm ảnh hưởng lớn đến quy hoạch cũng như thay đổi kết cấu của tầng đất. Cụ thể, tại khu vực thôn 6, xã Đắk Wer có tới mấy điểm khai thác đá không được cơ quan chức năng cấp phép.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân – Chủ tịch UBND xã Đắk Wer, hiện vấn nạn khai thác đá trái phép diễn ra phức tạp nhưng để xử lý triệt để không hề đơn giản bởi đa phần những hộ dân khai thác đá ở thôn 6 và một số khu vực khác trên địa bàn xã đều thuộc diện khó khăn, đất của họ có đá nên họ làm nhỏ lẻ để kiếm thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Hồng Quân trăn trở nói: “Những trường hợp vi phạm khai thác đá không phép thì địa phương cũng đã xử lý vi phạm hành chính, nhưng về lâu dài rất mong các cơ quan cấp trên có phương án sao cho hợp lý để vừa tạo điều kiện cho người dân và vừa thu được thuế cho nhà nước, chứ để như thế này rất khó xử lý triệt để”.

da3
Sau khi khai thác đá xong để lại những hố sâu rất nguy hiểm

Tăng cường quản lý

Trước thực trạng các cá nhân, tổ chức khai thác đá trái phép làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của tỉnh. Mới đây, Sở TN&MT Đắk Nông đã ban hành liên tiếp 02 Công văn số 2028 và số 2312 gửi đến UBND huyện Đắk R’Lấp và UBND TX.Gia Nghĩa về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Theo đó, đề nghị hai địa phương trên chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra, xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép theo quy định tại Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Cùng với  đó, Sở TN&MT Đắk Nông yêu cầu UBND huyện Đắk R’Lấp gửi kết quả kiểm tra về cho Sở TN&MT trước ngày 15/11/2018. Đồng thời, Sở TN&MT Đắk Nông cũng yêu cầu UBND thị xã Gia Nghĩa gửi kết quả kiểm tra về cho Sở TN&MT trước ngày 31/12/2018.

Ngày 22/10/2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định 1661/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu lãnh đạo các xã, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn quản lý. Trường hợp địa phương nào để xảy ra việc khai thác trái phép thì phải chịu trách nhiệm trước cấp cao hơn.

Phạm Hoài