Dân chơi mô hình quân sự tiết lộ độc chiêu “độ” mới thành cũ

Đối với anh Thắng, khâu chế, làm cũ mô hình quân sự giống như thật là phần quan trọng nhất, thể hiện đẳng cấp của người chơi, bởi “xe mới nhìn giống đồ chơi hơn”.

Đến với thú chơi mô hình quân sự, người thích thú xem, ngắm vuốt mô hình thì nhiều nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, đam mê và theo đuổi để nâng tầm nó thành một môn nghệ thuật.

Việc lắp ráp, gắn từng chi tiết nhỏ li ti thành mô hình mới chỉ là bước đầu của tất cả người chơi. Sự khác biệt và đẳng cấp nghệ thuật thực sự phân hóa từ bước làm cũ mô hình để tái hiện nó giống nhất với ngoài đời thực. Từ một dữ kiện lịch sử, người làm mô hình phải tái hiện sinh động, chính xác và chi tiết một trận đánh, bối cảnh lịch sử bằng mô hình và cách bài trí cảnh vật.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Vũ Thắng, một người có niềm đam mê mãnh liệt với môn nghệ thuật này tại Hà Nội chia sẻ: “Nhiều người chơi mô hình thường mua về lắp ráp, rồi bày biện cho đẹp. Còn tôi thì luôn muốn mô hình phải giống nguyên bản từ những vết gỉ sét, những lỗ đạn hay chỗ bị bắn cháy. Những chi tiết đó không mô hình nào có sẵn cả mà chỉ có thể tự chế được thôi”.

Vừa nói, anh Thắng vừa hồ hởi giới thiệu với chúng tôi những mô hình tự tay anh chế tác. Đó là một chiếc xe bọc thép với bộ giáp trông rất hầm hố, chiếc xe tăng T-72 cháy xém với những mảnh vỡ nham nhở, bộ xích cũng đứt tung, nếu “soi” kỹ một chút còn thấy cả những vết đạn trên thân xe.

Mới hình chiếc xe tăng T-72 bị cháy xém.

Chúng tôi tò mò hỏi:
– Sao cái xích lại đứt thế anh?
– Mình cắt rồi mài cho cũ đi.
– Chiếc xe tăng anh sơn thế nào mà giống như bị cháy thật vậy?
– Mình đốt thật mà, muốn cho nó giống thật thì phải châm lửa mà đốt chứ.

Bước chân vào nhà, đâu đâu cũng là những mới hình tâm huyết của anh.

Anh Thắng cho biết chơi mô hình đã kỳ công nhưng chế mô hình còn khó gấp bội. Những mô hình phải lắp ráp rất công phu có khi cả tháng mới xong, sau đó đem ra chế lại. Nào cắt, đập, đốt, chỉ sơ xảy một chút thôi là “đi tong” luôn cái mô hình mới làm. Tốn kém về tiền bạc thì khỏi phải nói nhưng thời gian và công sức bỏ ra có khi còn sót hơn nhiều.

“Được cái là khi thành công rồi thì sướng lắm vì nó mang dấu ấn riêng của mình lại vừa có đồ độc để chơi mà không sợ bị đụng hàng” – Anh Thắng cười nói.

Anh Thắng dành riêng một phòng trong nhà cho niềm đam mê của mình.

Người chơi biết “chế” mô hình quân sự không có nhiều, đồ chế lại càng khó kiếm, nguồn chủ yếu là lấy ngay những vật dụng xung quanh như đoạn dây thép, cái đầu đũa, mảnh nhôm và ngay cả cái thẻ sim điện thoại cũng có thể được sử dụng để chế đồ.

Theo anh Thắng, nếu đã quyết theo đuổi thú chơi này, mỗi người chơi đều phải trở thành một chuyên gia về vũ khí hay các loại trang thiết bị để có thể hiểu về nó rồi mới lắp ráp được. Nhiều người còn phải lân la làm quen với cánh chuyên gia về vũ khí, phương tiện để đề phòng lúc bí còn nhờ tư vấn.

Phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành xong một mới hình.

Anh Thắng chia sẻ chơi mô hình không những phải có niềm đam mê mà cần cả sự kiên nhẫn: “Nhiều bạn cũng thích chơi lắm nhưng vừa mới vập vào là sợ xanh mặt, vội chuồn ngay vì thú chơi này không những tốn kém mà còn đòi hỏi ở người chơi sự kiên trì, nhẫn nại để hoàn thành sản phẩm của mình. Nhìn một chiếc mô hình, tưởng chừng đơn giản vậy thôi nhưng từng chi tiết nhỏ nhất cũng phải được cắt tỉa, sơn, dán một cách rất cầu kỳ, thường phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành, chưa kể đến những mô hình đặc biệt thì thời gian có thể lên tới cả năm. Dân chơi mô hình nhiều khi phải lục tìm tài liệu, thậm chí mò đến tận nơi xem rõ từng chi tiết nguyên bản rồi về đối chiếu mới lắp ráp được mô hình”.

Là một người xếp vào hàng “lão luyện” trong giới dân chơi mô hình mà có lần anh Thắng cũng mất đến cả năm mới hoàn thiện được sản phẩm của mình.

“Chiếc tàu chiến của mình mất đúng 1 năm mới làm xong. Ngày nào cũng hì hụi ngồi sơn sơn, lắp lắp mãi, nhiều khi cũng nản lắm muốn vứt quách nó đi cho xong nhưng rồi lại cố, lại cố và cuối cùng cũng thành công. Nó cũng là một niềm tự hào của mình” – Anh Thắng nói.

Xin giới thiệu tới quý độc giả một số tác phẩm mô hình quân sự độc đáo của anh Trần Vũ Thắng:

Theo Thu Hiền/ Trí thức trẻ