Đằng sau đồng USD Việt kiều Mỹ gửi về – Kỳ 3: Cày như Trâu

Người Việt ở Mỹ thường hay nói đùa, ở Việt Nam thì tuổi Tý, Sửu, Dần, Mão, Thân, Dậu, Tuất, Hợi này nọ, chứ qua đây rồi thì ai cũng chỉ có mỗi tuổi con… Trâu.

Bởi đi cày quanh năm suốt tháng lo trả bill và lo cho thế hệ mai sau của mình.
Làm hãng được chuộng vì khéo tay
Năm 2000, khi gia đình đến Mỹ, anh chị tôi bắt đầu kiếm sống bằng nghề công nhân trong hãng chế tạo và lắp ráp thiết bị điện tử, vũ khí sát thương hay các bộ phận của máy bay. Lương $7/giờ.
So với làm nails, thì làm hãng ít tiền hơn nhưng họ được chủ mua bảo hiểm y tế, đóng thuế đầy đủ, nghỉ lễ, bệnh hay phép cũng được trả lương đàng hoàng.
Hãng gần hai trăm người, chủ yếu là người Việt từ phòng thiết kế (machine shop) tới dây chuyền lắp ráp (assembly) và test hàng này nọ. Chủ rất chuộng người Việt vì tính chịu thương, chịu khó, không nề hà gian khổ, và đặc biệt là rất khéo tay.
Những dây chuyền lắp ráp các thiết bị đòi hỏi tính nhẫn nại và chi tiết rất cao, vô tay người Mễ, Đông Âu, hay Mỹ da màu, trước sau gì cũng hư bột hư đường. Chứ Việt Nam thì khỏi lo, đào tạo vài ngày là làm việc ngon ơ, vô máy test chất lượng không ai bì kịp.
Gian hàng thuốc Đông y… Ảnh: Nguyễn Hữu Tài
Không tránh khỏi tư duy nhược tiểu
Có điều người Việt quá đông, đụng mặt nhau mỗi ngày, trước sau gì cũng sinh ra đủ chuyện nội bộ mất đoàn kết.
Kiểu người này được tăng ca mà người kia không được. Ghét. Lương đứa này cao hơn đứa kia. Ghét. (Chuyện bí mật lương bổng là vấn đề vô cùng tối kỵ với người Mỹ. Nhưng với nhiều người Việt thì vô tư, làm bao nhiêu thiên hạ biết hết). Nhỏ đó thuộc phe này, không chơi với phe kia. Ghét. Con đó mỗi năm về Việt Nam cả tháng trời, riêng mình hổng được đi. Ghét.
 … cây cối của người Việt trong khu thương mại Eden ở Virginia (Mỹ)
Trời ơi! Ngày nào ngồi nghe anh chị tôi kể chuyện công ty, tôi cũng vừa cười vừa mếu.
Nhưng cũng do phải trả những benefits (quyền lợi) hợp pháp, đã góp phần đẩy chi phí đầu vào tăng đáng kể, kéo theo giá thành sản phẩm không có tính cạnh tranh và tất nhiên lợi nhuận giảm.
Đi nhiều nơi mới thấy, chẳng hiểu sao người dân gốc Huế và Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng) làm bác sĩ nhiều vô kể. Đi tới các phòng khám nào, cũng nghe tiếng Huế, tiếng Quảng thân thương. Nhưng nhắc tới những nghề mưu sinh của người Việt ở Mỹ, đầu tiên phải kể đến nghề nails.
Khoảng năm 2004, công ty của anh chị tôi và rất nhiều hãng xưởng khác đã chuyển phần lớn các bộ phận chế tạo không cần công nhân có tay nghề cao ra nước ngoài như Mexico hay Philippines – những nơi có giá công nhân cực rẻ, không nhiều benefit hay thuế thu nhập thấp nhằm tăng lợi nhuận.
Nhiều người trong hãng đã chuyển qua làm nails hay hớt tóc, hoặc dọn đi các tiểu bang khác vì cuộc sống sinh nhai. Công ty đóng cửa. Một người anh của tôi đi làm thợ hớt tóc, anh và chị còn lại chuyển qua làm nails, tuy hơi vất vả nhưng cũng giúp đỡ gia đình ở Việt Nam lẫn Mỹ qua giai đoạn đầu chập chững khó khăn.
Vào năm 2012, trong chương trình cải tổ kinh tế, tổng thống Obama đã kêu gọi các công ty “Bring jobs back to America – Mang việc làm về lại Mỹ” để tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Hay mới đây, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, Donald Trump luôn miệng la làng sẽ “nghỉ chơi” với Trung Quốc để lôi kéo các công ty về lại Mỹ. Nhưng mãi tới giờ chả thấy công ty nào chịu quay về trong nước để sụt giảm lợi nhuận. Coi bộ lời kêu gọi đó cũng khá gian nan.
Ở Việt Nam “ăn trên, ngồi trước”, qua Mỹ lao động chân tay
Cuối năm 2015, trong một lần cùng bạn vào khu chợ Việt ở Dorchester (ngoại ô Boston) để mua thức ăn. Chúng tôi nhờ chú đứng quầy hải sản làm giùm con cá bò (cá ngừ) thật to. Hai chú cháu nói chuyện được vài câu, thế là nhận đồng hương ngay, vì chất giọng Khánh Hòa không lẫn vào đâu được.
Chú dân Vạn Ninh, tôi Ninh Hòa, cách nhau vài mươi cây số. Chú sang Mỹ gần hai năm, cũng ngần ấy thời gian làm ở chỗ này. Chú ngậm ngùi, hồi ở Việt Nam tao toàn ăn trên ngồi trước. Một tay bả lo hết việc nhà. Có bao giờ đụng tới mấy chuyện dơ dáy này. Giờ bỏ hết. Qua đây chỉ vì con.
Tôi cầm bịch cá được làm sạch sẽ ra về mà nghẹn ngào rồi chạnh lòng tự hỏi. Liệu những đứa con sau này trưởng thành, ra đời, làm ông này bà nọ, rủng rỉnh bạc tiền, có mấy đứa hiểu và nhớ đến sự hy sinh lặng thầm của ba má chúng?
Một nhà hàng nem nướng Ninh Hòa của người Việt

Theo Thanh niên