Đạo diễn Lê Hoàng khuyên: ‘Mỗi lần biết vợ sắp xuất hiện chỗ đám đông, chồng cần chạy vội về nhà’ và đây là lý do

Chuyện là có anh chồng nọ viết thư cho đạo diễn Lê Hoàng, xin “cao kiến” làm sao để “trị” cô vợ thích mặc đẹp, hay sắm sửa. Đạo diễn Lê Hoàng liền viết phản hồi lá thư rồi đăng tải lên trang cá nhân. Bài viết như “gãi đúng chỗ ngứa” này ngay lập tức được các chị em ủng hộ nhiệt liệt.

Không còn nghi ngờ gì nữa, làm đẹp là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Dù là đàn ông hay phụ nữ, người già hay người trẻ, ai mà chẳng muốn mình “đẹp” trong mắt mọi người.

Trong Tháp nhu cầu của Maslow –  tháp thể hiện nhu cầu của con người do nhà tâm lý học Abraham Maslow xây dựng; nhu cầu được quý mến, tôn trọng, được thể hiện và trình diễn bản thân nằm ở 2 tầng trên cùng của tháp 5 tầng này. Điều đó có nghĩa là, khi cuộc sống được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản như nhu cầu thể lý (thở, ăn uống, bài tiết, tình dục…), nhu cầu an toàn, nhu cầu tình cảm (3 nhu cầu này ở 3 tầng dưới của tháp Maslow), thì tất yếu con người sẽ nảy sinh những nhu cầu tầm cao hơn. Và làm đẹp là một nhu cầu như thế.

Xưa nay, phụ nữ luôn được tôn vinh là “phái đẹp” nên những nhu cầu làm đẹp mạnh mẽ của họ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi đạo diễn Lê Hoàng thể hiện quan điểm “nghiêng” hẳn về phía người vợ trong câu chuyện này và thẳng thắn phê phán người chồng kịch liệt.

Ảnh chụp màn hình

Dưới đây là chi tiết bài viết khiến chị em “gật đầu lia lịa” của đạo diễn Lê Hoàng:

“VỢ THÍCH KHOE QUẦN ÁO ĐẸP

Kính gửi: Anh Lê Hoàng.
Vợ tôi rất thích khoe, anh ạ. Nhưng không phải khoe kiến thức, khoe chồng, khoe con mà khoe quần áo. Hễ lúc nào có đám cưới, có gặp gỡ là cô ấy ăn mặc thật chải chuốt, cầu kỳ, thậm chí cô ấy còn đi thuê váy áo để cho thiên hạ lác mắt.
Tôi góp ý nhiều lần vẫn không nghe, vậy anh Lê Hoàng có giúp được gì không? Chứ tôi mỏi mệt quá rồi.

Nam Cường

Trả lời: Anh Nam Cường thân mến,

Thú thực là tôi không bằng lòng anh một chút nào, không ủng hộ anh một chút nào.
Theo như mô tả, thì vợ anh có khuyết điểm muốn mặc đẹp, mặc lộng lẫy trong những dịp sang trọng, và anh bực mình vì điều đó. Tại sao anh lại bực mình? Lê Hoàng không tìm ra lý do chính đáng trong việc này.
Là phụ nữ thì phải đẹp. Tuy chưa biết nhan sắc vợ anh ra sao, nhưng nếu không đẹp, chắc gì anh đã yêu, đã cưới và đã sống tới hôm nay.
Không những thế, cái đẹp còn phải được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
Cái đẹp không phải là thứ cứ phơi nắng, phơi sương ngoài đường khi nào lôi ra dùng cũng thế.
Phần lớn các cô gái trước khi lấy chồng đều suốt ngày làm đẹp và được dư luận cổ vũ về điều này.
Lúc đó nào là thi hoa hậu, thi người mẫu, nào là kem dưỡng da, kem trang điểm bao vây họ tứ phía, tíu tít mời chào, rất nhiều chàng trai khi ấy chỉ thấy cái đẹp thôi là mê tít, bất kể trí tuệ ra sao. Càng đẹp lâu, càng đẹp nhiều càng được hâm mộ.
Nhưng rất nhiều khi, đùng một phát, sau khi cưới, cũng những ông chồng, cũng những chàng trai đó lại thấy việc vợ mình trang điểm, mặc quần áo đẹp là kỳ cục, là không cần thiết.
Thế là sao nhỉ?
Chả lẽ cô ấy phải quần áo lôi thôi, phải ăn mặc xốc xếch, phải ngắm vuốt qua loa khi đi sự kiện anh mới hài lòng?
Anh nói rằng vợ đua đòi thuê quần áo đẹp tới những nơi đẹp. Vậy xin hỏi: anh đã mua cho vợ bao nhiêu bộ đồ đẹp từ trước tới nay? Anh đã dẫn vợ đi sắm sửa bao nhiêu ngày từ lúc cưới nhau tới giờ.
Lê Hoàng thì đoán rằng anh xử sự như đa số các ông chồng, nghĩa là chả giúp gì, chả tặng gì, để mặc cho vợ sắm sửa nhưng lại nhìn việc ấy với con mắt dè bỉu, ca thán, nhăn nhó.
Chán anh vô cùng.

Kết quả hình ảnh cho phụ nữ làm đẹp

Ảnh minh họa Internet

Đáng ra, mỗi lần biết tin vợ sắp xuất hiện chỗ đám đông, anh cần vội vã về nhà. Anh hỏi xem quần áo cô ấy ra sao, có cần giúp gì không? Có cần sửa gì không? Rồi anh hãnh diện đi cạnh cô, đưa cô tới những nơi ấy một cách hiên ngang, tự đắc và tự hào, thế mới là chồng chân chính, theo tôi là vậy.

Trong cuộc đời này, chả ai muốn mình già đi, chả ai thích kẻ khác bảo rằng từ nay trở đi hãy đừng tìm cách mặc đẹp nữa vì như vậy là lố lăng, như vậy là kỳ quái.
Nếu anh nhận được một lời khuyên kiểu như thế, anh có chán không? Có muốn tin không?
Nói chung, đa số đàn ông có gia đình đều cho mong muốn mặc đẹp của vợ là quá quắt, là loè loẹt. Đúng là cũng có những trang phục sặc sỡ thật, nhưng chúng cần được góp ý hay thay đổi chứ không phải cần gạt bỏ.
Đã vậy, cuộc sống hôm nay còn rất khó khăn. Người vợ đa số cứ chìm đắm vào mọi công việc gia đình, suốt ngày không việc cơ quan thì việc nhà cửa, không ngoài chợ thì trong bếp, một dịp để diện quần áo đẹp hiếm hoi vô cùng, cho nên nếu có dịp ấy, phụ nữ trân trọng và quý giá phải được hiểu theo nghĩa tốt.
Nếu có dịp sống tại Sài Gòn, anh sẽ thấy một phong tục rất đáng ca ngợi: Đó là mỗi khi đi dự đám cưới, bất kể thân hay sơ, đa số phụ nữ đều mặc bộ quần áo rất trang trọng, đeo đồ trang sức sang trọng, làm đầu làm tóc cầu kỳ, sau đó đi taxi tới chỗ bàn tiệc để các thứ trên người được tươm tất. Đó là một thói quen gần như ai cũng thực hiện, mặc dù họ chỉ ngồi ở bàn phía dưới và phải chi rất nhiều tiền, bỏ ra rất nhiều công sức cho một lần xuất hiện như thế. Trong khi đó, ở Hà Nội, rất nhiều người từ cơ quan để nguyên quần áo tạt qua đám cưới, ăn thật nhanh, về thật nhanh không có một chút sửa soạn, không có một chút làm đẹp cho mình, hoàn toàn là đi trả nợ. Như vậy liệu có nên không?
Một người phụ nữ phải có quyền nghĩ mình đẹp, phải có quyền được mặc đẹp và phải được chồng con khen ngợi về điều đó, bất kể tuổi tác, bất kể giai đoạn anh Nam Cường ạ.
Giá như anh viết thư cho tôi, hỏi cách giúp đỡ vợ may quần áo, cách chọn vải, cách mua đồ mỹ phẩm hoặc cách tìm ra những cơ hội cho vợ xuất hiện thì có tốt hơn không? Đằng này anh làm tôi thất vọng quá. Anh hoà mình vào đám đông các ông chê vợ già, vợ cũ, vợ không còn xuất sắc nữa mà còn muốn se sua. Anh đinh ninh mình cư xử thế là công bằng, là có văn hoá, có thẩm mỹ.
Thảm thương thay.
Anh chắc chắn không phải là một quý ông lịch lãm, đứng tuổi nhưng vẫn trang trọng, đẹp đẽ, đầy tôn trọng các bà, các cô, đầy vẻ thanh lịch khi luôn đưa tay ra cho vợ nắm và luôn nhận xét về vợ hoặc bạn vợ một cách trang nhã, dịu dàng.
Anh nằm trong số kẻ quần đùi, may ô, tóc không chải, áo không thay, ngồi tứ tung trên vỉa hè, uống các chai bia lăn lóc và nhăn nhó kể về vợ con một cách bèo nhèo!”

Mở đầu bức thư, đạo diễn Lê Hoàng thể hiện sự không hài lòng trước câu hỏi nhận được từ người chồng, sau đó là những phân tích hết sức chặt chẽ về quan điểm làm đẹp, mặc đẹp của chị em phụ nữ. Không những vậy, xuyên suốt bài viết, vị đạo diễn này còn đưa ra rất nhiều lời khuyên trí lý cho các “đức lang quân” với giọng văn hóm hỉnh quen thuộc: “Đáng ra, mỗi lần biết tin vợ sắp xuất hiện chỗ đám đông, anh cần vội vã về nhà. Anh hỏi xem quần áo cô ấy ra sao, có cần giúp gì không? Có cần sửa gì không? Rồi anh hãnh diện đi cạnh cô, đưa cô tới những nơi ấy một cách hiên ngang, tự đắc và tự hào, thế mới là chồng chân chính”, “Giá như anh viết thư cho tôi, hỏi cách giúp đỡ vợ may quần áo, cách chọn vải, cách mua đồ mỹ phẩm hoặc cách tìm ra những cơ hội cho vợ xuất hiện thì có tốt hơn không?”,…

Ủng hộ quan điểm của đạo diễn Lê Hoàng, cộng đồng mạng đã để lại rất nhiều bình luận dưới bài viết này:

Ảnh chụp màn hình

“Cảm ơn bài viết anh viết chuẩn đúng, ‘Là phụ nữ thì phải đẹp và chỉn chu với ngoại hình của mình. Đẹp từ cách chăm sóc bản thân lẫn phong cách thời trang. Đó chính là cách tôn trọng bản thân và người xung quanh'”, tài khoản Đỗ Diễm Chi bày tỏ.

“Đàn ông nhiều người thật kỳ cục… không thích vợ mình sắm sửa chưng diện, nhưng lại thích ngắm gái đẹp, rồi về nhà chê vợ… anh Lê Hoàng nhận xét quá chuẩn…”, tài khoản Vũ Thị Phước nhận xét.

Đỗ Kiều/Tin Nhanh Online