Đây là cách những hạt lúa mì của Ukraine gây “sóng gió” cho mối quan hệ đồng minh châu Âu

Các quốc gia phương Tây tìm cách giúp Ukraine duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và nông sản nhưng rắc rối nảy sinh khi chính các nước trong khu vực chịu hậu quả từ sản phẩm giá rẻ của Ukraine.

Đây là cách những hạt lúa mì của Ukraine gây “sóng gió” cho mối quan hệ đồng minh châu Âu - Ảnh 1.

Vừa qua, Ba Lan, Hungary và Slovakia đã ban hành lệnh cấm tạm thời với hoạt động xuất khẩu lúa mì và các nông sản khác của Ukraina. Họ lập luận rằng những sản phẩm này đã tạo ra điều kiện cạnh tranh không công bằng, làm tổn hại tới ngành nông nghiệp của chính họ. Việc đình chỉ nhập khẩu này sẽ kéo dài tới cuối tháng 6.

Bulgaria cho biết họ đang xem xét lệnh cấm tương tự. Đảng dân chủ Xã hội cầm quyền của Romania cũng tuyên bố sẽ yêu cầu liên minh lãnh đạo ở quốc gia này ban hành lệnh cấm tạm thời với nông sản của Ukraine để “bảo vệ nông dân Romani”.

Việc cấm nhập khẩu lúa mì và nông sản của Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu (EU) nổi đóa bởi họ là bên nỗ lực giúp Kiev duy trì xuất khẩu lúa mì nhằm đảm bảo một phần kinh tế cho Ukraine.

Hiện tại, Ukraine vẫn là một trong những nước xuất khẩu lúa mì, ngô và các sản phẩm từ hướng dương lớn nhất thế giới. Việc Nga phong tỏa các cảng của nước này trong năm ngoái đã dẫn tới cơn sốt giá lương thực toàn cầu cũng như gây ra hiện tượng thiếu hụt một số sản phẩm cơ bản, gây khó khăn cho các nước nghèo.

Đây là cách những hạt lúa mì của Ukraine gây “sóng gió” cho mối quan hệ đồng minh châu Âu - Ảnh 2.

Sau đó, một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine đã cho phép xuất khẩu ngũ cốc trở lại thông qua biển Đen dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã giúp xoa dịu khủng hoảng.

Song song với đó, EU cũng tạo ra cái gọi là “các tuyến đường liên kết” nhằm hỗ trợ đưa nông sản xuất khẩu ra khỏi Ukraine thông qua các tuyến đường bộ ở châu Âu. Họ cũng đình chỉ thuế nhập khẩu với hàng xuất khẩu của Ukraine.

Tuy nhiên, không phải ai cũng vui với quyết định đó. Các quốc gia Đông Âu cho rằng những thách thức về hậu cần cũng như tắc nghẽn đã khiến các sản phẩm nông sản giá rẻ của Ukraine tràn vào quốc gia của họ mà chẳng thể chuyển được đi đâu. Điều này không chỉ gây áp lực lên các cơ sở lưu trữ mà còn khiến giá của chúng giảm, tạo ra một áp lực cạnh tranh không lành mạnh.

Đối diện với tình trạng này, người dân các quốc gia cũng đã lên tiếng, thậm chí là gây áp lực buộc các chính phủ phải hành động.

Lợi ích quốc gia là trên hết

Những rạn nứt do lương thực giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine đã tạo ra một tình huống khó xử giữa Kiev với các nước láng giềng Đông Âu, đặc biệt và thời điểm Ukraine chủ yếu dựa vào các khoản hỗ trợ từ nước ngoài.

Đặc biệt, bất kỳ trở ngại nào trong mối quan hệ với Ba Lan rõ ràng là điều Kiev không mong muốn. Warsaw nổi bật là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất tại EU. Họ còn cam kết chuyển giao xe tăng chiến đấu và máy bay MiG cho Ukraine khi các quốc gia khác vẫn còn chần chừ.

Tuy nhiên, nhà chức trách Ba Lan sẽ không thể ngồi yên khi mà người nông dân nước này tràn xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ với nông sản Ukraine. Ba Lan sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào cuối năm nay và các chính trị gia sẽ khó lòng đặt mình vào tình thế nguy hiểm.

Slovakia thì đưa ra giải pháp cho phép nông sản Ukraine đi qua lãnh thổ nhưng những hàng hóa này sẽ bị niêm phong để chúng không được tiêu thụ trên thị trường nước này. Đối với họ, mọi vấn đề đều cần được giải quyết vì mục tiêu chung là ổn định thị trường và giá nông sản.

Đây là cách những hạt lúa mì của Ukraine gây “sóng gió” cho mối quan hệ đồng minh châu Âu - Ảnh 3.

Bộ Nông nghiệp Hungary nhấn mạnh họ sẽ thực hiện các biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn tổn hại từ bên ngoài với ngành nông nghiệp nước này. Nói về chênh lệch giá, Hungary cho biết nông nghiệp Ukraine đang áp dụng các phương thức canh tác không hợp với chuẩn của EU nên giá của chúng rẻ. Trong khi đó, số lượng lớn gia cầm, trứng và mật ong từ Ukraine đã được xuất sang châu Âu, dẫn tới nông sản Hungary và Trung Âu không thể cạnh tranh.

Ukraine, Liên minh châu Âu bối rối

Việc các nước láng giềng quay lưng có lẽ đã tạo ra một sự thảng thốt ở Ukraine. Kiev đưa ra tuyên bố họ lấy làm tiếc về quyết định đình chỉ nhập ngũ cốc của Ba Lan và nhấn mạnh Ukraine “luôn thông cảm” với nông nghiệp của Ba Lan.

Và căng thẳng có lẽ đã phần nào được giảm bớt. Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày cấp bộ trưởng, nông sản Ukraine đã được phép đi qua Ba Lan “dưới sự hộ tống” để đảm bảo chúng không được tiêu thụ ở nước này.

Về phần mình, Ủy ban châu Âu tỏ ra bối rối trước lệnh cấm nhập khẩu bất ngờ của các nước mà hầu hết là thành viên của họ. EU mô tả rằng đây là các hành động đơn phương về thương mại và không thể chấp nhận theo chính sách của EU.

Ủy ban châu Âu cũng đã liên hệ với các quốc gia thành viên EU ban hành lệnh cấm và đang xem xét trên phương diện pháp lý nhằm buộc các nước thành viên đình chỉ lệnh cấm.

Tuy nhiên, EU cũng nhấn mạnh “công lao” của các nước Đông Âu trong việc hỗ trợ Ukraine và sẽ tìm giải pháp “dựa trên luật pháp EU vì lợi ích của người dân EU và Ukraine”.

Ngoài ra, EU cũng thừa nhận tình trạng “cung vượt cầu” từ hàng nhậu khẩu của Ukraine đã có tác động tới người nông dân EU, đặc biệt là ở các nước có chung biên giới. Ủy ban châu Âu đã đưa ra gói giải pháp trị giá 61,3 triệu USD nhằm bồi thường cho người nông dân bị ảnh hưởng ở Ba Lan, Bulgaria và Romania. Động thái này cũng sẽ khiến người nông dân không phải điều chỉnh kế hoạch trồng trọt của họ, điều có thể ảnh hưởng nặng nề hơn tới an ninh lương thực khu vực và toàn cầu.

Trong khi đó, đường đi của lương thực bằng đường bộ sẽ ngày càng quan trọng hơn, nhất là khi Nga nói rằng không có gì đảm bảo họ sẽ tiếp tục gia hạn thỏa thuận xuất khẩu lương thực qua biển Đen sau khi nó hết hạn ngày 18/5 tới.

Tham khảo: CNBC

(cafeF)