Đẹp NGẤT NGÂY cung đường từ Kon Tum về Quảng Ngãi

Quốc lộ 24 uốn lượn theo triền núi từ Kon Tum về Quảng Ngãi, Quảng Nam như đắm chìm trong cõi mộng vào buổi sáng tinh sương và trầm luân khi ráng chiều khuất núi. Đối với các phượt thủ và người thích du ngoạn, chỉ một lần vượt cung đường này, bạn sẽ nhớ hoài, nhớ mãi.

Hai du khách làm dáng chụp ảnh trên con đường thông vắng vẻ tuyệt đẹp

Tôi quyết định lấy điểm xuất phát từ ngã ba Thạch Trụ huyện Mộ Đức. Thời tiết đang rất thuận lợi, ít mưa, nắng nhẹ, vì vậy không có gì thú vị bằng đi xe máy bon bon dưới tán rừng, đường tuyệt nhiên vắng bóng xe qua lại. Điểm giữa của cung đường dài gần 200 km là địa danh Măng Đen nằm ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển. Hơn 100 năm trước, người Pháp đã chọn Măng Đen như một Đà Lạt thứ 2 để công chức và binh lính nghỉ dưỡng, chạy trốn cái nóng được họ diễn tả là thứ khủng khiếp ở xứ An Nam.

Sáng sớm tinh mơ, sương và giá lạnh rít bên tai khi xe băng băng đi từ ngã ba Thạch Trụ. Lúc 8 giờ sáng, chân đèo Vi ô lắc đã hiện ra trước đầu xe. Quán ăn cuối cùng dưới chân dốc bán món thịt trâu và lòng đắng. Chị chủ quán nói năng có vẻ bình dân và diễn tả, thứ lá đắng này được hái từ núi cao giống lá răm ray ở Tây Giang tỉnh Quảng Nam. Khi hái lá đắng phải đi bộ khoảng 10 km và trèo lên vách núi, gần các mạch nước. Loại lá này khi nấu với lòng và thịt trâu sẽ tạo ra hương vị thơm, hơi đắng, hậu ngọt. Nhiều người ít ăn nội tạng động vật nhưng rồi khi đến vùng rừng rú này thì tự dưng sở thích ẩm thực giống với dân bản địa.

Trước đây, nhiều người đứng dưới chân đèo nhìn lên ngọn núi cao 1.300 mét phủ đầy mây trắng, lòng ước ao có ngày được đi xuyên Kon Tum – Quảng Ngãi. Giờ đường đèo đã thông, tại sao không thử một chuyến, khi sức vóc vẫn còn tráng kiện và tạo ra chất men say về thú khám phá, trút bỏ sau lưng những bụi bặm của cuộc đời bon chen. Đèo Vi ô lắc là bức tường ngăn đôi thời tiết ở đông và tây Trường Sơn. Vì vậy, nhiều khi phía Quảng Ngãi nắng vàng, bên Kon Tum mây trắng.

Bon bon trên đèo Vi ô lắc, nhờ có công nghệ vệ tinh thì mọi người mới nhận ra được rằng, mình đang đi trên con đường có hình chữ M khổng lồ. Thôn Tà Ê được xem như giao điểm chia cắt 2 tỉnh nằm cuối chân chữ M đầy kỳ thú. Không khí mát rượi làm lồng ngực căng tràn khí trời, vì bên cạnh chữ M kia là cánh rừng xanh thẳm thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được cắt đôi 2 nửa thuộc về 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Vài trạm kiểm soát ngăn vận chuyển gỗ và động vật quý hiếm của Kiểm lâm nằm ngay dốc đèo đã mang lại cảm giác rừng đang rất gần và con đường phía trước còn đầy kỳ thú.

Đi được khoảng 20 km, rừng hiện ra mỗi lúc một dày. Thoang thoảng bóng dáng của Đà Lạt là những rặng thông già nằm cheo leo trên vách núi, có lúc phủ tán dày đặc bên lối đi, đưa khách bộ hành vào một thính phòng thiên nhiên hoang dã. Chiếc xe máy dường như “khản tiếng” vì phải liên tục giảm tốc độ và bóp còi khi xe đi qua những góc cua không thể quan sát con đường trước mặt. Hiếm hoi lắm mới gặp một chiếc xe ô tô để bảng chở khách đi Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Sài Gòn.

 

Một điểm homestay nằm trên đường quốc lộ 24 gần Măng Đen

Những địa danh xóm làng đìu hiu hiện ra bên đường với chút buồn tẻ – Vi K’lung, Vi Chong, xã Hiếu. Có lẽ xã Hiếu với những cụm nhà thưa thớt nhưng so ra lại là điểm dừng chân “sầm uất” nhất trên tuyến đường hành trình. Cô chủ quán lập một chòi nhỏ để bán buôn lặt vặt và trở thành “cây xăng” cho xe qua đường. Cô gái xinh đẹp với ánh mắt hơi hoang dã chào mời khách dừng chân, ghé tệ quán uống trà và cho biết, “mọi người đã quen rồi, đi qua tự hỏi xăng thì mới bán”.

Qua khỏi xã Hiếu là chạm vào ngã tư đường Đông Trường Sơn. Tuyến đường này chưa rõ có thông được toàn tuyến, nhưng trên bản đồ chỉ dẫn thông về huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi và chạm với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Khi qua khỏi xã Hiếu, những con đường cùi chỏ hiện ra càng nhiều. Cảm giác cô độc và bí hiểm bủa vây khi đi qua lưng núi không một bóng người và nhìn xuống chân bên đường là khóm nhà nhỏ, bóng người cheo leo với gùi nặng thấp thoáng dưới bóng mây trôi.

Một ngã ba hiện ra dưới rừng thông và được cắm bảng đường 676 dẫn về Quảng Nam. Con đường này nằm song song với sông Đắk Bla, hướng về khu núi Ngọc Linh và trên bản đồ chỉ dẫn, đường kết thúc khi vừa tới điểm giáp ranh giữa Kon Tum với Quảng Nam. Những cung đường kết thúc sớm đã biến núi rừng nơi đây càng trở nên vắng vẻ.

Đi thêm 20 km, con đường dày đặc rừng thông hiện ra phía trước. Không khí mát lạnh báo hiệu đang ở độ cao trên 1.000 mét. Cuối cùng, một thị trấn trong mơ hiện ra với bảng chỉ dẫn đường vào khu du lịch Măng Đen. Đây là địa danh rất hấp dẫn nhưng lại xa lạ với nhiều người. Ở Quảng Ngãi, chỉ người dân ở các địa phương nằm cách đèo Vi ô lắc vài chục km thì mới đi về hướng Măng Đen. Còn ở các địa phương nằm về phía đông thì Măng Đen là cái tên xa lạ.

Măng Đen cách TP Kon Tum 50 km, cách Quảng Ngãi 137 km. Người M’Nông từng gọi nơi này là T’măng Deeng với hàm nghĩa là vùng đất rộng lớn và bằng phẳng. Khi vào giữa Măng Đen, không khí se lạnh và nhiệt độ vào mùa này luôn ở ngưỡng 18 – 27 độ C. Khung cảnh đẹp tuyệt trần của thị trấn yên bình này là hồ Đắk Ke soi bóng liễu rủ, hồ Toong Đam, nhà thờ Đức Mẹ, sân bay, đồi sim, hoa nở rực rỡ trước những ngôi nhà ẩn mình dưới rừng thông reo…

Trong quá khứ, Măng Đen rất nổi tiếng và luôn in dấu chân của nhiều người Pháp. Nhưng 50 năm sau, những dãy biệt thự ẩn hiện trong rừng thông đầy rong rêu, thỉnh thoảng có vài chiếc xe chở khách đến hồ Đắc Ke đã nói lên một điều – nàng công chúa Măng Đen xinh đẹp vẫn đang chìm trong giấc ngủ.

Theo Lê Văn Chương ( Báo Văn Hóa)